Phát triển công nghiệp văn hóa, triển vọng từ nguồn lực nội sinh
Với quyết tâm tạo nên bước đột phá mới, Hà Nội đang nỗ lực tìm giải pháp khơi dậy “làn sóng” công nghiệp văn hóa ở thị trường nội địa và từng bước vươn ra thị trường thế giới trong thời gian tới.
Bài 1: Nhận diện tiềm năng và thách thức
Qua nhiều nhiệm kỳ, Hà Nội đúc kết quan điểm “Văn hóa không chỉ là mục tiêu, động lực mà còn là sức mạnh nội sinh, nguồn lực quan trọng phát triển bền vững Thủ đô” trong bối cảnh hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa.
Từ nhận thức đó, thành phố thận trọng nhận diện những tiềm năng, thế mạnh cũng như các thách thức trong phát triển ngành công nghiệp văn hóa - vốn đang bị lãng quên.
"Con gà đẻ trứng vàng"
Theo thống kê của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công bố năm 2017, doanh thu của ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo toàn cầu là 2,25 nghìn tỷ USD, thu hút lực lượng lao động nhiều hơn cả ngành công nghiệp xe hơi của Châu Âu, Nhật Bản và Hoa Kỳ cộng lại (29,5 triệu việc làm so với 25 triệu). Trong đó, tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, doanh thu của ngành này là 743 tỷ USD và tạo việc làm cho 12,7 triệu lao động.
Ở phạm vi hẹp hơn, tầm quốc gia, tại Anh, công nghiệp văn hóa tạo ra thu nhập khoảng 112,5 tỷ bảng/năm, đóng góp 5% GDP, chiếm 10 - 15% thị phần công nghiệp văn hóa thế giới. Tại Đức, báo cáo năm 2019, một năm trước đại dịch Covid-19, cho thấy, ngành này mang về tổng doanh thu 174,1 tỷ euro và tạo việc làm cho khoảng 1,8 triệu người, trong đó, doanh thu cao nhất đến từ mảng phần mềm/trò chơi với hơn 50 tỷ euro.
Ở Ấn Độ, doanh thu từ điện ảnh là 3,6 tỷ USD, trong khi tại Nhật Bản, công nghiệp văn hóa chiếm khoảng 7% doanh thu nền kinh tế, trong đó, thị trường truyện tranh và tạp chí hằng năm mang về khoảng 3,2 tỷ USD.
Hàn Quốc là một trong các quốc gia có ngành công nghiệp văn hóa phát triển mạnh mẽ |
Tại Hàn Quốc, công nghiệp văn hóa được đánh giá cao nhất ở việc đưa lại hiệu quả gián tiếp, hay còn gọi là “hiệu quả lan tỏa”, đối với các lĩnh vực khác của nền kinh tế. Nghiên cứu cho thấy, nếu kim ngạch xuất khẩu sản phẩm văn hóa Hàn Quốc tăng 100 USD thì kéo theo kim ngạch xuất khẩu hàng tiêu dùng của Hàn Quốc tăng 412 USD. Xuất khẩu chương trình truyền hình và xuất khẩu phim là hai lĩnh vực quan trọng trong việc thúc đẩy xuất khẩu trang phục và thực phẩm gia công. Kim ngạch xuất khẩu chương trình truyền hình tăng 100 USD kéo theo kim ngạch xuất khẩu thực phẩm gia công tăng 64 USD. Còn kim ngạch xuất khẩu phim tăng 100USD kéo theo kim ngạch xuất khẩu trang phục tăng 87 USD.
Những con số trên đủ khẳng định, ngành công nghiệp văn hoá - đang là “con gà đẻ trứng vàng” tại nhiều quốc gia và dịch vụ, sản phẩm văn hóa của họ nở rộ, xuất khẩu đi khắp nơi.
Trong khi đó, tại Việt Nam, ước tính, ngành này đang chiếm khoảng 3% GDP của cả nước. Với Hà Nội, con số này cao hơn một chút, đạt khoảng 3,7% GRDP.
Nói vậy không có nghĩa là Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng không có thế mạnh để phát triển công nghiệp văn hóa. Ngược lại, Hà Nội không thiếu nguồn lực để tạo thương hiệu riêng, đặc biệt là 5.922 di tích lịch sử - văn hóa; 1.793 di sản văn hóa phi vật thể; 1.350 làng nghề; 1.173 lễ hội mới và sự kiện văn hóa, nghệ thuật; 115 không gian sáng tạo đa lĩnh vực... Còn về bề dày lịch sử, Hà Nội là vùng đất hội nhập và hội tụ những giá trị văn hóa ngàn năm.
Hoàn Kiếm là một trong số ít những địa phương phát huy bước đầu thế mạnh văn hóa để phát triển từ không gian Phố đi bộ Hoàn Kiếm |
Trên thực tế, nhiều năm qua, một số địa phương của Hà Nội đã tận dụng và phát huy bước đầu các thế mạnh về văn hóa để phát triển. Lấy ví dụ nhỏ từ quận Hoàn Kiếm, nơi được coi là vùng lõi của đô thị Hà Nội, trung tâm tiếp cận văn hóa nhiều địa phương, văn hóa quốc tế: Nếu năm 2015 doanh thu của quận đạt khoảng 4.200 tỷ đồng thì năm 2020 tăng lên gần 2,5 lần, trong đó nguồn thu không nhỏ từ hoạt động văn hóa do tổ chức sự kiện văn hóa đem lại.
Cụ thể năm 2014, quận Hoàn Kiếm có phố đi bộ, năm 2016 tổ chức không gian đi bộ, bên cạnh đó là hệ thống nhà hàng dịch vụ, khách sạn vừa ổn định nguồn thu cho quận, tạo điều kiện để gắn kết nghệ sĩ, nghệ nhân. Hoàn Kiếm cũng là một trong những nơi tiên phong và chú trọng phát triển không gian văn hóa, không gian cộng đồng hiệu quả.
Nhiều thách thức với Hà Nội
Rõ ràng, chúng ta hoàn toàn có thể lạc quan về khả năng "hái ra tiền" từ văn hóa Hà Nội. Có điều, tiềm năng ấy vẫn đang “ngủ vùi” và để đưa văn hóa thành một ngành công nghiệp phát triển thì còn phải vượt qua nhiều thách thức.
Hà Nội sở hữu rất nhiều tiềm năng nhưng lại thiếu hụt các điều kiện để phát triển (Ảnh minh họa) |
Thẳng thắn nhìn nhận việc hiện thực hóa phát triển văn hóa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Bùi Huyền Mai cho rằng, còn nhiều khó khăn, thách thức: Từ vấn đề toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế; Bối cảnh của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Quá trình đô thị hoá nhanh… Cho đến tình trạng vi phạm bản quyền ở nhiều lĩnh vực sáng tạo còn diễn ra…
Trong khi đó, Hà Nội đang thiếu hụt các điều kiện để phát triển; Chất lượng nguồn nhân lực trong các tổ chức văn hóa nghệ thuật còn hạn chế; Thiếu cơ chế phối hợp giữa các ngành, lĩnh vực và các địa phương trong việc phát triển công nghiệp văn hóa…
TS Lê Thị Minh Lý, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia đánh giá, Hà Nội còn gặp nhiều khó khăn trong việc định hướng phát triển, thiết kế mẫu mã chưa mang tính ứng dụng cao, việc quảng bá sản phẩm còn manh mún, hầu hết do các nghệ nhân tự thực hiện… TP cũng chưa có một môi trường văn hóa chất lượng, ngược lại bị bó hẹp, đóng khuôn. Người làm văn hóa nhiều sức sáng tạo nhưng yếu về kinh doanh, trong khi nhà đầu tư và người tâm huyết trong lĩnh vực này chưa "gặp nhau"...
So sánh Hà Nội với Thành phố Hồ Chí Minh về phát triển văn hóa, các chuyên gia thẳng thắn thừa nhận Hà Nội còn chậm và chưa chuyên nghiệp, cũng như chưa quan tâm hỗ trợ nghệ nhân, nghệ sĩ. “Công nghiệp văn hóa Hà Nội vẫn đang đi sau, chưa được đẩy lên thành thị trường, thiếu cơ chế chính sách thu hút đầu tư xã hội hóa cho văn hóa”, TS Lê Thị Minh Lý nhận định.
(Còn nữa)