Phát triển “kinh tế ban đêm” trước cơ hội lớn
Khi mặt trời lặn ở Hà Nội, cũng là lúc phố Tạ Hiện lên đèn...
Khoảng trống khi mặt trời lặn
Các hoạt động “kinh tế ban đêm” đơn thuần bao gồm: Ẩm thực, nghệ thuật, âm nhạc, các chương trình giải trí, lễ hội, sự kiện, cho tới các điểm du lịch chỉ mở cửa buổi tối… thu hút rất đông giới trẻ và du khách tham gia. Khu vực “kinh tế ban đêm” đã mang lại những giá trị lớn, thúc đẩy đời sống kinh tế, xã hội; tạo giá trị thặng dư và góp một phần thu hút ngoại tệ.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), từng nhận định,“kinh tế ban đêm” là xu hướng chung của các nước phát triển. Đó là thời gian để họ trao đổi, gặp gỡ và vui chơi giải trí sau giờ làm việc, vì thế các dịch vụ kinh doanh vào ban đêm phát triển rất mạnh mẽ. Tại Việt Nam, rất nhiều khách du lịch đến Hà Nội than phiền rằng cuộc sống về đêm ở đây khá buồn tẻ. Chúng ta chưa có nhiều sản phẩm, dịch vụ du lịch tương xứng trong khoảng thời gian này.
Du khách và người dân thong dong dạo chơi trên khu phố đi bộ tràn ngập ánh đèn hắt ra từ các cửa tiệm kinh doanh về đêm |
Đồng tình với quan điểm phát triển “kinh tế ban đêm”, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng Giám đốc Vietravel cho rằng du lịch trong nước đang bỏ trống một khoảng lớn về dịch vụ ban đêm. Các sản phẩm du lịch hiện nay chỉ tập trung chủ yếu trong khung thời gian 7h - 17h mà bỏ qua một nửa thời gian còn lại của mỗi ngày. Việc không có sản phẩm dịch vụ buổi tối khiến du lịch Việt rất khó giữ khách lưu trú dài ngày.
Tại những thành phố lớn trong nước, du lịch về đêm, chợ đêm và phố đi bộ đang được xem là sản phẩm phù hợp với môi trường, địa phương và thói quen mua sắm của du khách. Những hoạt động này được xem là ví dụ điển hình của “kinh tế ban đêm”, nơi những hoạt động kinh doanh chỉ thực sự "bùng nổ" sau khi mặt trời lặn.
Tuy nhiên, một số nơi phát triển thiếu quy hoạch và thả nổi nên hoạt động còn mang tính chất tự phát, mạnh ai nấy làm và không tạo được sức hút du khách. Bên cạnh lợi ích kinh tế, nhiều khu phố đi bộ hoạt động, phát triển thiếu quy hoạch và định hướng nên đã phát sinh nhiều hệ lụy về môi trường, an ninh trật tự xã hội.
Hoạt động mua bán diễn ra nhộn nhịp tại khu vực chợ đêm |
Thắp sáng “kinh tế ban đêm”, thách thức không nhỏ
Theo các chuyên gia, “kinh tế ban đêm” không gói gọn trong chợ đêm hay phố đi bộ mà còn hàng loạt dịch vụ khác như dịch vụ vận tải, thương mại, thậm chí là giao dịch tài chính xuyên quốc gia do đặc thù múi giờ khác nhau.
Tại nhiều quốc gia, “kinh tế ban đêm” có thể giúp kéo dài thời gian làm việc, tối ưu hóa cơ sở hạ tầng, tăng thêm việc làm cũng như dịch vụ, tiêu dùng nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Nhiều thành phố lớn còn được mệnh danh là “thành phố không ngủ” với các hoạt động sôi động đêm cũng như ngày.
Tại Trung Quốc, nhiều trung tâm thương mại lớn ở Hongkong, Thượng Hải, Thâm Quyến luôn duy trì chế độ làm việc ban đêm ở các trung tâm giao dịch tài chính, logistics, xuất nhập khẩu, giao thông vận tải để phục vụ các tàu hàng container xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Điều này có được do múi giờ của Mỹ là ban ngày thì múi giờ ở các trung tâm tài chính của Trung Quốc là ban đêm, nên các giao dịch thương mại điện tử vẫn được thông suốt.
Phố Tạ Hiện (Hoàn Kiếm, Hà Nội) luôn tấp nập về đêm |
Việt Nam cũng vậy, do có múi giờ chênh lệch khá lớn với châu Âu, Mỹ nên nhiều hoạt động kinh tế thương mại thường phải kéo dài thời gian giải quyết. Mặt khác, nhiều công ty quốc tế, đa quốc gia khi chọn địa điểm tổ chức hội họp thường ưu tiên thành phố đó phải có những hoạt động vui chơi, giải trí về đêm, có các hoạt động kinh tế thương mại xuyên suốt bên cạnh những chính sách, giải pháp an ninh an toàn, giao thông thuận lợi. Do vậy, khó thu hút du khách, doanh nhân đến làm ăn, đầu tư.
Nhận thấy những lợi ích mà khu vực “kinh tế ban đêm” mang lại, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến của Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương chủ động nghiên cứu chính sách “kinh tế ban đêm” nhằm thúc đẩy tiêu dùng, khuyến khích các hoạt động dịch vụ, kinh doanh về đêm, đồng thời khống chế được những tệ nạn, nguy cơ an ninh, trật tự.
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia kinh tế, phát triển khu vực “kinh tế ban đêm” mang lại nhiều lợi ích nhưng cũng chứa những mặt trái cần giải quyết. Đầu tiên, phải kể đến sự ảnh hưởng đối với những người dân sống ở khu vực có nhịp sống về đêm sôi động, họ cần sự nghỉ ngơi yên tĩnh. Ngoài ra, vấn đề an toàn, an ninh hay vệ sinh môi trường cũng cần được quản lý chặt chẽ.
Nước ta có các yếu tố thuận lợi như: Dân số trẻ, thu nhập của tầng lớp trung lưu liên tục tăng, tầng lớp trung lưu mới nổi rất rõ, du lịch nội địa và du lịch quốc tế tăng trưởng mạnh... Điều này cho thấy nhu cầu về các dịch vụ ban đêm hiện hữu rất rõ ràng. Với nhịp sống sôi động về đêm hiện nay, giới trẻ trở nên đua đòi lai căng và lệch lạc về văn hóa, sự tác động tiêu cực đến mọi tầng lớp xã hội vô cùng phức tạp... là những lo ngại nhãn tiền cần phải đặc biệt lưu ý.
Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Muốn tạo điều kiện cho hoạt động kinh tế về đêm phát triển, trước hết chúng ta cần bảo đảm an ninh trật tự cho kinh doanh dịch vụ ban đêm. Chẳng hạn với khu phố cổ, Hà Nội đã có cơ chế chính sách tạo điều kiện cho hoạt động kinh doanh dịch vụ ban đêm phát triển.
Hoạt động kinh tế về đêm rất cần thiết cho phát triển ngành du lịch của các thành phố, đáp ứng nhu của cả du khách trong nước và quốc tế. Vui chơi, giải trí về đêm là một nhu cầu có thực của khách du lịch và chúng ta cần một cơ chế để hỗ trợ các ngành kinh doanh dịch vụ phát triển.