Phát triển thành phố thông minh phải song hành với dịch vụ công trực tuyến
Mô hình thành phố thông minh sẽ tối ưu hoá các dịch vụ công trực tuyến cho mọi người dân cũng như các doanh nghiệp (Phối cảnh dự án Thành phố thông minh Bắc Hà Nội) |
Thành phố thông minh là mô hình thành phố ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo để quản lý, nâng cao tiêu chuẩn cuộc sống đô thị, cải thiện chất lượng phục vụ của chính quyền thành phố với người dân và sử dụng hiệu quả các nguồn lực xã hội.
Tại Thành phố thông minh có một hệ thống tích hợp để thu thập, đo lường, so sánh và phát sóng dữ liệu của thành phố kèm theo các tính năng giúp cho thông tin và dịch vụ dễ dàng tiếp cận với các bên liên quan; từ đó việc phát triển, quản trị và quản lý sẽ được thực hiện một cách hợp lý, hiệu quả. Hay nói theo một cách khác, mô hình thành phố thông minh sẽ tối ưu hoá các dịch vụ cho mọi người dân cũng như các doanh nghiệp và giúp đỡ tất cả các bên liên quan có được lợi ích về xã hội, kinh tế và môi trường.
Theo một số kết quả nghiên cứu cho thấy, xây dựng thành phố thông minh với các giải pháp kết nối qua di động, phòng chống tội phạm và dịch vụ hỗ trợ khẩn cấp sẽ cứu sống khoảng 5.000 người mỗi năm khỏi các vụ tai nạn giao thông, hỏa hoạn, giết người. Các giải pháp giao thông và vận chuyển thông minh giúp tiết kiệm thời gian tương đương với với giờ lao động của 8 triệu người trong khu vực.
Đối với dịch vụ y tế thông minh sẽ giảm áp lực khám, chữa bệnh cho các cơ sở y tế, gián tiếp giúp nâng cao tuổi thọ, tăng thời gian sống khỏe mạnh của con người. Các giải pháp thành phố thông minh có thể loại bỏ khoảng 270.000kg khí thải nhà kính mỗi năm. Ngoài ra, giúp người dân có thể tiết kiệm năng lượng trong sinh hoạt, giảm các tác nhân từ môi trường… Xu hướng thành phố thông minh có thể giúp các thành phố trong khu vực thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hiệp quốc.
Không nằm ngoài guồng quay của thế giới, Việt Nam đang phấn đấu xây dựng một số thành phố theo mô hình thành phố thông minh. Để tạo nền tảng cho thành phố thông minh phát triển, ngày 1/8/2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã phê duyệt Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025, trong đó đến năm 2020 tại Việt Nam, ít nhất 3 đô thị được phê duyệt Đề án tổng thể về phát triển đô thị thông minh và tổ chức thực hiện đầu tư hạ tầng, phát triển ứng dụng các tiện ích đô thị thông minh. Trong đó, chú trọng đẩy mạnh thực hiện dịch vụ công trực tuyến, xây dựng chính phủ điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin vào trong mọi hoạt động xã hội.
Dịch vụ công trực tuyến có 4 mức độ, trong đó, mức độ 3 và 4 được thực hiện trên môi trường mạng. Với mức độ 3, người sử dụng có thể điền và gửi trực tuyến các mẫu văn bản đến cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ; với mức độ 4, người sử dụng có thể thanh toán lệ phí (nếu có) trực tuyến và việc trả kết quả có thể được thực hiện trực tuyến, gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến người sử dụng. Như vậy, với dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, tổ chức, người dân, doanh nghiệp có thể thực hiện thủ tục hành chính mà hoàn toàn không phải đến trụ sở cơ quan nhà nước.
Thực tế, nhờ đẩy mạnh thực hiện dịch vụ công trực tuyến ứng dụng công nghệ ở các tỉnh, thành phố trên cả nước đã có nhiều chuyển biến. Các bộ, ngành đã ứng dụng công nghệ thông tin, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ cao cho người dân, trong đó đã cung cấp hơn 900 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Các tỉnh, thành phố cung cấp gần 14.000 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Một số dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đã đem lại hiệu quả cao, như: Lĩnh vực hải quan, thuế xử lý trên 21 triệu hồ sơ trực tuyến, Bảo hiểm xã hội xử lý trên 28 triệu hồ sơ trực tuyến, ngành Ngoại giao trên 1,6 triệu hồ sơ trực tuyến, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trên 450 ngàn hồ sơ trực tuyến, Bộ Tư pháp trên 258 ngàn hồ sơ trực tuyến. Đáng lưu ý, mối quan hệ giữa cơ quan hành chính nhà nước với người dân và doanh nghiệp được cải thiện một cách đáng kể. Tính công khai, minh bạch trong một số hoạt động quản lý hành chính nhà nước được bảo đảm…
Phát triển thành phố thông minh đem lại nhiều lợi ích cho cộng đồng, môi trường và xã hội. Khi dịch vụ công trực tuyến phát triển, thói quen của người sử dụng thay đổi thì thành phố sẽ phát triển theo đúng hướng của thành phố thông minh, đó là một thành phố công nghệ với môi trường sống thân thiện, tiên tiến, hiện đại và nhân văn.
Hiện nay, công tác triển khai ứng dụng công nghệ thông tin xây dựng chính quyền điện tử của thành phố Hà Nội được tập trung chỉ đạo, thực hiện. Tính đến nay, tổng số thủ tục hành chính đã triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 là 1.501 thủ tục hành chính, đạt 91%. Từ năm 2019 đến nay, thành phố chưa để xảy ra sự cố lớn về an toàn thông tin mạng đối với các hệ thống công nghệ thông tin dùng chung. Thành phố đang tiếp tục triển khai hiệu quả “Vườn ươm doanh nghiệp công nghệ thông tin đổi mới sáng tạo Hà Nội”; xây dựng hạ tầng Khu công viên phần mềm thành phố Hà Nội tại huyện Đông Anh. Đây là tiền đề vô cùng quan trọng để Hà Nội xây dựng thành phố thông minh với nhiều tiện ích cho người dân đặc biệt là tăng cường dịch vụ công trực tuyến với chất lượng ngày càng cao.
* “Đây là bài viết tuyên truyền, hướng dẫn dịch vụ công trực tuyến của Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2020” |