Phóng viên và bài học “giữ mình”
Vi phạm đạo đức nghề báo diễn biến phức tạp
Xét về phương diện đạo đức nghề báo, thời gian qua, đa số các cơ quan báo chí, các nhà báo đã thể hiện được lòng trung thành với lợi ích của đất nước, của Nhân dân, của Đảng; Phát hiện, biểu dương những nhân tố mới, những điển hình tiên tiến; Tích cực đấu tranh chống lại những cái xấu, biểu hiện tiêu cực trong đời sống xã hội; Có ý thức giữ gìn, phát huy bản sắc, truyền thống văn hóa của dân tộc Việt Nam.
Ngày càng xuất hiện nhiều nhà báo yêu nghề, gắn bó cơ sở, với Nhân dân, với công chúng; Nhiều tác giả có những tác phẩm tốt, hiệu quả chính trị - xã hội cao… Những đóng góp đó của báo chí đã góp phần quan trọng vào việc củng cố, tăng cường lòng tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ ta; Tạo động lực quan trọng cho công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước trong thời kỳ hội nhập quốc tế.
Còn nhớ tại hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác báo chí năm 2022, nhiều lãnh đạo cơ quan báo chí, chi hội nhà báo đã tham gia thảo luận về công tác nghiệp vụ, đạo đức người làm báo trong thời đại 4.0.
Tại đây, các đại biểu cũng đã nêu lên thực trạng có nhiều đơn thư tố cáo, khiếu nại phản ánh; Đồng thời đôn đốc xử lý 100% đơn thư, đề nghị xử lý nghiêm các trường hợp nhà báo, hội viên vi phạm pháp luật.
Đáng chú ý, trong đó có một số vụ việc, hội viên, nhà báo và phóng viên bị bắt vì chiếm đoạt tài sản, cưỡng đoạt tài sản, liên quan đến đánh bạc… Gần đây nhất, năm 2023, vụ việc đối tượng Nguyễn Quang Dũng chủ mưu, quản trị 18 trang web (trong đó có trang web “Xaydungvadothi.net”) có giao diện giống trang web của báo chính thống (Thanh tra Chính phủ, Báo Xây dựng và đô thị, Báo Pháp luật...) để người đọc dễ bị nhầm lẫn và liên kết cộng tác viên các báo chính thống.
Sau đó, Dũng chỉ đạo hai đối tượng khác đi thu thập thông tin, chụp ảnh các công trình có dấu hiệu vi phạm trên địa bàn TP Hà Nội để viết và đăng bài trên trang web. Khi các đối tượng đang nhận tiền của một cá nhân để gỡ bài viết về công tác quản lý xây dựng của các phường trên trang web “Xaydungvadothi.net” thì bị lực lượng Công an TP Hà Nội bắt quả tang.
Đối tượng Nguyễn Quang Dũng (áo đen) và đồng phạm tại cơ quan công an |
Ngay sau đó là vụ hai đối tượng Toàn (có thẻ nhà báo, đang công tác ở một tạp chí điện tử) và Nhung bị bắt quả tang khi đang nhận tiền của một doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch ở Đồng Hới.
Trước đó, Toàn và Nhung phát hiện một số cơ sở hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh có dấu hiệu sai phạm. Sau đó, cả hai tìm gặp các chủ cơ sở này, khoe có nhiều mối quan hệ rộng, đưa ra một số thông tin mang tính đe dọa để buộc những người này phải đưa cho Toàn số tiền khoảng 40 - 50 triệu đồng. Nếu không chịu đưa tiền thì Toàn sẽ viết bài đăng báo phản ánh sai phạm khiến các cơ sở này phải đóng cửa, dừng hoạt động.
Phải khẳng định rằng, những vụ việc trên không đại diện cho nền báo chí ngày nay. Bởi đây là những vụ việc không phổ biến, thuộc về những cá nhân đơn lẻ. Vụ việc được đưa ra cho thấy sự nghiêm minh của pháp luật, tính chất phức tạp của những người lợi dụng danh nghĩa nhà báo để hoạt động phạm tội. Đó cũng là lời cảnh báo hoạt động suy thoái đạo đức của một bộ phận người làm báo.
Được biết, đối với các phóng viên, người làm báo vi phạm đều được xem xét nghiêm túc, xử lý kỷ luật, thu hồi thẻ nhà báo; Với những người vi phạm pháp luật đều không được các cơ quan báo chí dung túng, bao che và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Sứ mệnh trong kỷ nguyên số
Nói về đạo đức của người làm báo thời nay, anh Nguyễn Thắng (phóng viên Thông tấn xã Việt Nam thường trú tại Hà Nội) chia sẻ: Xu hướng chủ đạo của báo chí hiện nay vẫn là tích cực, góp phần lan tỏa năng lượng tốt, bồi đắp niềm tin xã hội, bảo vệ và phát huy các giá trị tinh thần, truyền thống cao quý của dân tộc.
Nhà báo Nguyễn Thắng, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam trong buổi họp báo của UBND TP Hà Nội |
“Bản thân tôi công tác ở Thông tấn xã Việt Nam - cơ quan truyền thông chủ lực đa phương tiện - đã nhiều năm, lại phụ trách địa bàn Hà Nội nên hơn hết, tôi luôn xác định công việc của mình là phải đưa thông tin nhanh, đúng, trúng, hay, sinh động về các vấn đề ở Hà Nội. Qua đó, tôi vừa thu thập, phổ biến thông tin phục vụ các cơ quan thông tin đại chúng, vừa phục vụ công chúng theo đúng chức năng nhiệm vụ. Yêu cầu phải đúng, phải chuẩn chỉ là điều kiện tiên quyết. Vì thế, khi nghe những thông tin về các cá nhân lợi dụng danh nghĩa nhà báo để đe dọa, cưỡng đoạt tài sản, vi phạm đạo đức nghề báo, tôi thực sự rất buồn và lên án hành động này. Điều đó không chỉ ảnh hưởng đến hình ảnh, cuộc sống của chính họ, mà còn khiến cho hình ảnh của các nhà báo, phóng viên hoạt động chân chính bị lung lay”, nhà báo Nguyễn Thắng nhận định.
Hiện nay, báo chí đang trong giai đoạn cạnh tranh thông tin với các nền tảng công nghệ khác. Người làm báo đứng trước nhiều khó khăn, thách thức hơn trước rất nhiều. Vì vậy, thông tin chính xác, bản lĩnh người làm báo vẫn sẽ là mấu chốt để giữ chân độc giả.
Phóng viên Đỗ Tuấn Anh, báo Sức khỏe và Đời sống tập trung xử lý ảnh ngay sau khi sự kiện diễn ra |
Chia sẻ chuyện nghề, anh Đỗ Tuấn Anh (phóng viên ảnh báo Sức khỏe và Đời sống) trăn trở: “Tôi làm phóng viên ảnh lâu năm, đã công tác ở một số đơn vị báo chí, hiện là phóng viên media của Ban Điện tử. Tôi nhận thấy đã gánh trên vai hai chữ “phóng viên”, chọn nghề thì phải có trách nhiệm với nghề. Phóng viên ảnh có đặc thù phải phải đi thực tế, đến sớm và về sau. Tuy nhiên, cũng sẽ có những bức ảnh dù trực tiếp đi nhưng sản phẩm chụp không ưng ý thì người phóng viên ảnh có thể trao đổi với phóng viên cùng đi để có được tác phẩm đứng tên mình.
Đây cũng chính là vấn đề các phóng viên ảnh hiện nay đang lo lắng. Bởi công nghệ ngày càng hiện đại, một số bạn trẻ không còn muốn trực tiếp đến hiện trường hay sự kiện nữa. Các bạn sẽ nghĩ đến việc sử dụng phần mềm hỗ trợ để xóa logo trên ảnh, “đạo” ảnh mà không cần sự đồng ý của tác giả. Nhiều khi bức ảnh bị xóa những chi tiết đắt giá, ẩn ý của người chụp nhưng hơn cả đó là suy nghĩ, hành động của người làm báo như vậy đã là không đúng chuẩn mực, vi phạm đạo đức làm báo”.
Luật sư Vi Văn Diện, Giám đốc Công ty Luật TNHH Thiên Minh |
Với luật sư Vi Văn Diện, Giám đốc Công ty Luật TNHH Thiên Minh thì nghề báo cũng giống như nhiều nghề khác trong xã hội, đều cao quý. Với tư cách đồng hành cùng rất nhiều nhà báo công tác ở các cơ quan báo, đài trên cả nước, tôi nhận thấy sứ mạng cao cả của người làm báo đang ở thời điểm cần phải được củng cố.
Thực tế có rất nhiều phóng viên, nhà báo ở một số tạp chí, cơ quan báo chí đã không làm chủ được bản thân, vi phạm đạo đức nghề báo, dẫn tới phải bị kỷ luật, đuổi việc, thậm chí là bị xử lý hình sự. Phóng viên, nhà báo có nhiều cơ hội, điều kiện gặp gỡ, giao lưu với nhiều đối tượng trong xã hội, tiếp xúc với nhiều khía cạnh xấu - tốt của vấn đề. Nếu biết khai thác, xử lý thông tin, thì họ sẽ có những tác phẩm tốt, ngược lại, nếu lợi dụng danh nghĩa nhà báo thì dễ vi phạm quy định của cơ quan, đạo đức của nghề, vi phạm pháp luật.
Gần đây rất nhiều vụ việc phóng viên sai phạm… khiến vấn đề đạo đức nghề báo đặt ra cấp thiết, buộc các cơ quan báo phải siết chặt kỷ luật, kịp thời phát hiện, có chế tài xử lý những hành vi vi phạm đạo đức nghề nghiệp, có nhiều biện pháp rèn luyện đạo đức người làm báo trong thời đại 4.0.
Có thể nói, 98 năm qua, báo chí cách mạng Việt Nam đã trải qua nhiều bước thăng trầm của lịch sử. Giai đoạn hiện nay, người làm báo cách mạng lại càng phải bản lĩnh, gai góc hơn khi “kẻ thù” lại chính là góc khuất, bản ngã của mỗi người.