"Quán cafe việc làm" - điểm đến của người lao động thất nghiệp tìm việc
Nhịp cầu nối nhà tuyển dụng với người lao động thất nghiệp
Tính đến thời điểm này, về cơ bản chính sách bảo hiểm thất nghiệp đã hoàn chỉnh, đáp ứng yêu cầu của việc triển khai và đem lại lợi ích cho người sử dụng lao động. Số người mong muốn tham gia bảo hiểm thất nghiệp ngày càng nhiều.
Đặc biệt, nhiều trường hợp người lao động đến Trung tâm Dịch vụ việc làm Kiên Giang nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp, được nhân viên trung tâm tư vấn thông tin giới thiệu việc làm. Sau đó, họ đã quay trở lại thị trường lao động, không nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Người lao động nộp hồ sơ hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp |
Qua đó cho thấy chính sách bảo hiểm thất nghiệp đã và đang đi vào cuộc sống, từng bước đi vào cuộc sống, hỗ trợ thiết thực cho cả người lao động và người sử dụng lao động, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.
Chính sách bảo hiểm thất nghiệp hỗ trợ cho người lao động trong khoảng thời gian thất nghiệp, nhưng cũng hỗ trợ không ít cho người sử dụng lao động. Doanh nghiệp không phải chi trả trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm. Có thể thấy, chính sách có tác dụng rất lớn với người lao động và người sử dụng lao động.
Thực hiện quy định của Luật Việc làm, Trung tâm Dich vụ Việc làm đã tổ chức sắp xếp mô hình tiếp nhận hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động như: Tư vấn, giới thiệu việc làm, tư vấn hỗ trợ học nghề, xét duyệt và thẩm định hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp cho người lao động theo mô hình “Một điểm dừng”.
Với người lao động, ngoài trợ cấp thất nghiệp, họ còn được tư vấn hỗ trợ học nghề, hỗ trợ tìm việc làm. Nhiều trường hợp người lao động được hỗ trợ học nghề đã có việc làm mới, thu nhập cao hơn. Bên cạnh đó, trong quá trình tổ chức thực hiện, có hai ưu điểm của chính sách cần nhấn mạnh. Đó là thông tin về thị trường lao động cho người lao động.
Lao động thất nghiệp đến các trung tâm dịch vụ việc làm phải tiếp nhận nguồn thông tin tốt nhất về thị trường lao động. 100% lao động thất nghiệp hưởng chế độ bảo hiểm y tế trong thời gian thất nghiệp. Điều này có ý nghĩa thiết thực cho người lao động, bảo đảm họ có thể khám, chữa bệnh ngay cả khi mất việc làm.
Xây dựng hiệu quả mô hình "quán cafe việc làm"
Để tạo thuận lợi cho người lao động thụ hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp, Trung tâm Dịch vụ việc làm Kiên Giang đã xây dựng mô hình “Cà phê việc làm”, là giải pháp tư vấn, hỗ trợ, giải quyết hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động ngay tại địa phương.
Hiện mô hình đã được thí điểm triển khai tại huyện Hòn Đất khá hiệu quả và thời gian tới sẽ được nhân rộng tại các địa phương khác trong tỉnh. Tại huyện Hòn Đất, “Quán cafe việc làm” được mở tại trung tâm thương mại, trung bình mỗi tháng một lần, sẽ tổ chức ngày hội việc làm cho người lao động có nhu cầu tìm kiếm việc làm, bộ đội xuất ngũ và người lao động đang nhận trợ cấp thất nghiệp trên địa bàn.
Mô hình "quán cafe việc làm" tại Kiên Giang |
Sau gần một năm hoạt động, "Quán cà phê việc làm” đã tạo điều kiện cho người lao động của huyện Hòn Đất nắm bắt được thông tin chính xác, đầy đủ về việc làm trong nước và ngoài nước.
Đến nay, Trung tâm Dịch vụ việc làm Kiên Giang đã tổ chức được hơn chục phiên Ngày hội việc làm tại “Quán cà phê việc làm”, giúp hàng trăm lao động tìm kiếm được việc theo đúng nhu cầu của mình, có thu nhập ổn định nuôi sống bản thân và gia đình.
Tham gia Ngày hội việc làm, người lao động có nhu cầu việc làm còn được tư vấn miễn phí, hỗ trợ về cá thủ tục pháp lý và được trao đổi trực tiếp với các đơn vị có chức năng đưa người lao động đi làm việc nước ngoài theo hợp đồng lao động.
Thời gian tới, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Kiên Giang sẽ tiếp tục phối hợp tuyên truyền giới thiệu việc làm và chính sách bảo hiểm thất nghiệp đến với doanh nghiệp và người lao động bằng nhiều hình thức như: Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, lồng ghép vào các phiên sàn giao dịch việc làm, trên website, qua điện thoại hoặc trực tiếp tại các địa điểm tiếp nhận bảo hiểm thất nghiệp của trung tâm…; Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin giúp giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp ngày càng dễ dàng, hiệu quả.
Cùng với đó, đơn vị cũng tăng cường xét duyệt và thẩm định hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp theo mô hình “Một điểm dừng”; Tổ chức, mở rộng điểm tiếp nhận và ủy thác tại các huyện, thành phố nhằm giảm bớt chi phí đi lại cho người lao động; Đẩy mạnh tư vấn, giới thiệu việc làm, hỗ trợ học nghề…
Những giải pháp này sẽ giúp người lao động sớm ổn định cuộc sống, giảm tỷ lệ thất nghiệp, góp phần to lớn vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội địa phương.