Quảng Nam: Bờ sông Vĩnh Điện sạt lở nghiêm trọng, người dân đang cố bám trụ
Hàng ngàn m2 đất ở, đất canh tác của người dân phường Điện Ngọc bị trôi sông, gây nguy cơ sạt lở nhà cửa (Ảnh: V.Q) |
Ngày 20/2, phóng viên Báo Tuổi trẻ Thủ đô nhận được đơn của những hộ dân đang sinh sống tại địa bàn tổ 10, khối Ngân Câu, phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam), phản ánh về tình trạng sông Vĩnh Điện bị sạt lở chưa từng thấy.
Cố bám trụ để sinh hoạt vì không có chỗ khác để ở
Khu vực sạt lở đang tái diễn tại dọc bờ sông Vĩnh Điện kéo dài hơn 600m, khiến các hộ dân có đất ở, đất canh tác và nhà cửa đứng ngồi không yên sau đợt lụt từ cuối năm 2020.
Đây là khu vực đang được UBND thị xã Điện Bàn cho đắp đập tạm bằng cát, cọc tre để ngăn tình trạng xâm ngập mặn cho vùng canh tác lúa của thị xã, kéo dài gần 10 năm nay.
Dẫn vào diện tích đất ở đã bị sạt lở và trôi tuột xuống sông Vĩnh Điện cách đây vài tháng, hộ bà Nguyễn Thị Nhung (85 tuổi) đến nay vẫn còn chưa hết bàng hoàng và không tin nổi ngôi nhà mà gia đình đang sinh sống đang bị nghiêng, nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào.
Người dân bất an vì đất đai bị sạt lở, không thể canh tác (Ảnh: V.Q) |
"Cả gia đình không ngờ đất đai của ông bà tồn tại bao đời, nay bị sạt lở trôi tuột cả trăm mét vuông xuống lòng sông chỉ trong có vài ngày.
Hơn một tháng nay, cả 4 thành viên trong gia đình gồm cha mẹ và vợ chồng anh chị tôi vẫn cố bám trụ bên trong ngôi nhà cấp 4 để sinh hoạt qua ngày, mặc dù tường nhà và móng đã bị nghiêng và nguy cơ sập nếu có lũ về", anh Lê Hữu Phước, con trai bà Nhung kể.
Anh Phước thông tin thêm, ngay sau khi gia đình anh và các hộ dân có đất bị sạt lở, đã khẩn cấp làm đơn gửi lên UBND phường và UBND thị xã để cầu cứu, mong các ngành chức năng sớm vào cuộc giải quyết.
Sau các cuộc họp, chính quyền địa phương có ý kiến về việc làm kè tạm để chống sạt lở, nhưng đến nay vẫn chưa được triển khai càng khiến người dân thêm lo lắng vì luôn phải sống trong tâm trạng bất an.
Lũy tre làng cũng bị sạt lở, trôi tuột xuống sông khiến người dân bàng hoàng (Ảnh: V.Q) |
Qua trao đổi với phóng viên, các hộ dân tại đây cho rằng nguyên nhân dẫn đến tình trạng sạt lở như hiện nay là do việc thi công tháo đập ngăn mặn qua sông Vĩnh Điện.
"Việc tháo đập tạm cũ để thi công đập mới đã khiến dòng chảy qua khu vực này bị thay đổi đột ngột, khiến diện tích đất của người dân nằm sát sông bị sạt lở. Đây là con đập tạm thứ 8 được thi công, nhưng là lần đầu tiên người dân bị ảnh hưởng bởi tình trạng sạt lở, gây mất tài sản, đe dọa tính mạng", người dân tổ 10 phản ánh.
Sẽ thi công kè kiên cố trị giá hơn 25 tỷ đồng ngăn sạt lở
Trước tình trạng sạt lở nghiêm trọng bờ sông Vĩnh Điện, phóng viên đã liên hệ với UBND thị xã Điện Bàn để tìm hiểu về vấn đề này.
Ông Nguyễn Đức Chơi, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng thị xã Điện Bàn cho biết, về trước mắt, UBND thị xã sẽ tiến hành thi công kè tạm (khoảng 800 triệu đồng) trong khoảng tháng 6/20201, bằng đá rọ tại khu vực trên để ngăn tình trạng sạt lở tái diễn.
"Về lâu dài, UBND thị xã vừa làm việc với đoàn đại diện của Tổ chức WB trong việc kiểm tra, khảo sát tình trạng sạt lở tại sông Vĩnh Điện qua phường Điện Ngọc, nên đã có kiến nghị về việc đầu tư, xây dựng kè kiên cố.
Theo đó, đơn vị đã trình dự toán kinh phí về việc xây dựng tuyến kè kiên cố dài 600m nằm ngay cạnh khu vực ngập ngăn mặn, với kinh phí khoảng hơn 25 tỷ đồng. Mọi thủ tục dự án đã được đơn vị trình cho đoàn đại diện nói trên và đang chờ phản hồi", ông Chơi thông tin.
Đập tạm ngăn mặn qua sông Vĩnh Điện, phường Điện Ngọc (Ảnh: V.Q) |
Trả lời về việc tại sao tình trạng sạt lở đang gây nguy cơ trôi tuột nhà dân tại đây, nhưng chính quyền vẫn chưa có kế hoạch di dời khẩn cấp? Ông Chơi cho biết, đơn vị đang chờ UBND phường Điện Ngọc vào cuộc kiểm tra lại hồ sơ. Đối với hộ của bà Nhung, trước đây các cấp đã đề xuất cấp 2 lô đất tái định cư nhằm di dời ra khỏi vùng sạt lở.
"Chủ trương của UBND tỉnh Quảng Nam là phải di dời các hộ dân tại các vùng sạt lở để đảm bảo an toàn. Các hộ di dời sẽ được cấp đất ở theo quy định và được miễn tiền sử dụng đất.
Ngoài ra, hàng năm, UBND thị xã đều thực hiện công tác kiểm tra, lên kế hoạch về việc di dời nhà dân tại các vùng sạt lở. Nếu các hộ không chịu dời, chính quyền sẽ tiến hành cưỡng chế để đảm bảo tính mạng, tài sản", ông Chơi thông tin.
Ông Nguyễn Xuân Hà, Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn cho biết, trong đầu tuần tới, UBND thị xã sẽ vào cuộc kiểm tra thực trạng sạt lở tại sông Vĩnh Điện để có phương án xử lý. |