Quảng Nam: Công trình đập tạm giữ nước khiến đất của dân... trôi sông
Đập tạm trên sông Quảng Huế là nguyên nhân khiến hàng hecta đất nông nghiệp của người dân Đại An bị trôi vào mùa lũ (Ảnh: V.Q) |
Ngày 27/6, thông tin từ UBND xã Đại An (huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) cho biết đã có báo cáo gửi cấp trên liên quan đến công trình đắp đập tạm trên sông Quảng Huế năm 2022 để tăng lưu lượng nước về hạ du sông Vu Gia.
Trước đó, hàng loạt hộ dân tại thôn Phú Nghĩa (xã Đại An) bức xúc làm đơn kiến nghị, phản ánh quá trình đắp đập tạm trên sông Quảng Huế đã phát sinh nhiều bất cập, gây ảnh hưởng đến cuộc sống như mạch nước ngầm xuống thấp, dẫn đến nước phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất khu vực hạ du sông Quảng Huế thiếu hụt nghiêm trọng.
Theo phản ánh của người dân, hiện bờ kè sông Quảng Huế (đoạn thôn Phú Nghĩa, hạ du sông Quảng Huế) đã bị sạt lở gần 150m, đồng thời cuốn trôi hơn 1,5 hecta đất sản xuất.
Hàng ngàn mét vuông đất nông nghiệp của người dân xã Đại An bị sạt lở do nằm cạnh đập tạm trên sông Quảng Huế (Ảnh: V.Q) |
Trước những thực trạng này, người dân mong muốn cấp trên sớm có chủ trương khắc phục đoạn kè hạ du sông Quảng Huế để 15 hộ dân thôn Phú Nghĩa gần khu vực sạt lở yên tâm sinh sống.
Ngoài ra, trong quá trình thi công đắp đập tạm trên sông Quảng Huế, đơn vị thi công cần có giải pháp phù hợp điều tiết nước về hạ du sông Quảng Huế để Nhân dân đảm bảo nguồn nước phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất trong mùa khô.
Đoạn kè hạ lưu đập tạm bị hư hại sau lũ (Ảnh: V.Q) |
Trao đổi với phóng viên, đại diện Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đại Lộc thừa nhận có thực trạng sạt lở và thiếu hụt nước sinh hoạt của người dân tại khu vực hạ lưu sông Quảng Huế thời gian qua.
Theo đơn vị này, sau khi nhận được báo cáo của cấp dưới, huyện Đại Lộc cũng đã có báo cáo gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh để xin ý kiến chỉ đạo vào năm 2021.
Sau đó, đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trực tiếp xuống hiện trường kiểm tra nhưng mọi việc đến nay vẫn chưa có kế hoạch xử lý cụ thể để người dân an tâm sinh sống.
Người dân bức xúc khi đập tạm ngăn nước khiến cuộc sống người dân bị đảo lộn (Ảnh: V.Q) |
Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đại Lộc cho biết khu vực này vào năm 2021 đã được địa phương thực hiện di dời dân để phòng sạt lở khi có mưa lũ.
Hiện nay, cách hạ lưu công trình chỉnh dòng chảy (đập tạm) trên sông Quảng Huế khoảng 50m đã có đập tạm bằng bao cát để chỉnh dòng nước về Ái Nghĩa - Đà Nẵng.
Công trình đập tạm trên sông Quảng Huế trước đây do Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Quảng Nam triển khai.
Theo thống kê, trên địa bàn Đại Lộc hiện có 30 điểm sạt lở bờ sông, trong đó khu vực Đại An - Đại Phú là hai điểm sạt lở lớn cần được "ưu tiên" xử lý.
Công văn của tỉnh Quảng Nam liên quan đến tình trạng đắp đập tạm trên sông Quảng Huế |
Theo tìm hiểu của phóng viên, trước tình trạng đắp đập tạm trên sông Quảng Huế ảnh hưởng đến đời sống người dân, ngày 24/6, UBND tỉnh Quảng Nam đã có công văn gửi UBND huyện Đại Lộc và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Theo đó, UBND tỉnh giao Sở nghiên cứu nội dung báo cáo, đề nghị của Ban Dân vận Tỉnh ủy và Ban Dân vận Huyện ủy Đại Lộc tại các văn bản nêu trên.
Ngoài ra,Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với UBND huyện Đại Lộc, UBND xã Đại An và các ngành, đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra, đánh giá cụ thể tình hình, xem xét, giải quyết kịp thời các kiến nghị của Nhân dân; Báo cáo, đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo, giải quyết đối với các nội dung vượt thẩm quyền.
Trước đó, theo báo cáo của địa phương, việc đắp đập ngăn sông trong thời gian qua đã tác động tiêu cực đến đời sống của Nhân dân 4/5 thôn của xã Đại An, huyện Đại Lộc. Vào mùa nắng, mạch nước ngầm xuống thấp dẫn đến thiếu hụt nguồn nước sinh hoạt và sản xuất.
Vào mùa mưa do lực cản của con đập qua sông Quảng Huế (đoạn qua thôn Phú Nghĩa) tạo dòng xoáy gây sạt lở bờ kè với chiều dài 150m. Vị trí sạt lở cách nhà dân khoảng 50m rất nguy hiểm đến tính mạng và tài sản của Nhân dân (15 hộ), nhất là vào mùa mưa lũ sắp đến.
"Công trình đập tạm đã được Trung ương đầu tư xây dựng từ năm 2003 cùng với hệ thống kè rọ đá ngăn sạt lở. Tuy nhiên, các công trình này đã và đang hư hại trầm trọng sau các mùa mưa lũ, nhất là đập tạm bị cuốn trôi vào năm 2020 khiến đất canh tác phía trong của dân cũng bị trôi tụt ra sông mỗi khi lũ về", Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đại Lộc, thông tin. |