Quảng Nam: Đền bù đất chưa xong, chính quyền vận động dân làm đơn mua đất TĐC... trên giấy
Diện tích đất của người dân thôn Triêm Tây, xã Điện Phương vẫn chưa được bàn giao cho dự án do quá trình đền bù của thị xã Điện Bàn đến nay vẫn chưa thỏa đáng (Ảnh: V.Q) |
Ngày 24/7, theo tìm hiểu của phóng viên Báo Tuổi trẻ Thủ đô, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Nam đã có Thông báo số 1140/STMT-QLĐĐ về việc giao đất TĐC cho các hộ cá nhân, gia đình bị ảnh hưởng bởi Dự án sửa chữa, cải tạo tuyến nối với đường dẫn Duy Phước - Cẩm Kim (qua địa phận thôn Triêm Tây, xã Điện Phương, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam).
Do 7 hộ dân tại khu vực thôn Triêm Tây vẫn chưa đồng ý bảng giá đền bù đất ở bị thu hồi nên đường dẫn lên cầu Cẩm Kim (nối Triêm Tây qua phường Thanh Hà, TP Hội An) đến nay vẫn chưa được hoàn thành theo kế hoạch (tháng 6/2020).
Được cấp đất ở nếu địa phương còn quỹ đất
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, sau khi làm việc với Trung tâm Phát triển Quỹ đất thị xã Điện Bàn, đơn vị đã chính thức có ý kiến về 7 trường hợp là cá nhân, hộ gia đình có đất ở bị ảnh hưởng bởi dự án nhưng chưa đồng ý đền bù, bàn giao mặt bằng.
Theo đó, hộ ông Trần Ngọc Kiếm (ngụ tổ 3, thôn Triêm Tây) không thuộc đối tượng giao đất ở TĐC khi Nhà nước thu hồi đất ở đang sử dụng (được bồi thường bằng tiền) do hộ này còn đất ở khác trên địa bàn xã Điện Phương. Tuy nhiên, Sở này cho biết nếu địa phương có điều kiện về quỹ đất thì Trung tâm Phát triển Quỹ đất xem xét, quyết định giao một lô đất ở đối với diện tích tối thiểu và người mua phải nộp 100% tiền sử dụng đất theo giá đất ở TĐC (Quyết định số 19/2017 của UBND tỉnh Quảng Nam).
Cầu Cẩm Kim vẫn chưa thể thông xe do chưa có đường dẫn về Triêm Tây (Ảnh: V.Q) |
Trường hợp ông Cao Ngọc Bình bị thu hồi 198m2 đất ở (không có nhà) tại thửa đất số 152, tờ bản đồ số 19 và ông Dương Phú Sử bị thu hồi 216,8m2 đất ở tại thửa đất số 168, tờ bản đồ số 19 để thực hiện dự án, theo Sở Tài nguyên và Môi trường, trường hợp các hộ không còn đất ở, nhà ở khác trên địa bàn xã Điện Phương thì đề nghị UBND thị xã Điện Bàn thực hiện việc giao đất ở TĐC cho các hộ này theo Quyết định số 19/2017.
Đối với diện tích đất bị thu hồi của ông Nguyễn Văn Vinh, Lê Lượng, Huỳnh Sướng, Dương Thị Kim Oanh, Sở Tài nguyên và Môi trường cho rằng các hộ này vẫn còn diện tích đất ở tương đối lớn sau thu hồi nên thuộc đối tượng không được giao đất ở TĐC khi Nhà nước thu hồi đất ở dạng dạng sử dụng theo quy định.
Người dân sợ mất quyền lợi
Trước những ý kiến trên, vào sáng 24/7, phóng viên đã trở lại khu vực thôn Triêm Tây để làm rõ vấn đề và đều được người dân khẳng định việc Trung tâm Phát triển Quỹ đất thị xã Điện Bàn tiến hành áp giá đền bù đất ở cho người dân ở mức 2,14 triệu đồng/m2 là quá rẻ so với giá đất ở thị trường hiện nay.
Dẫn vào khu vực có diện tích đất ở bị ảnh hưởng thu hồi của dự án làm đường dẫn lên cầu Cẩm Kim, ông Nguyễn Văn Vinh (ngụ tổ 3, thôn Triêm Tây) cho rằng dự án được Nhà nước triển khai để làm đường, làm cầu cho người dân địa phương đi lại là đều vô cùng có ích và tạo động lực để địa phương lẫn người dân phát triển trong thời gian đến. Tuy nhiên, việc chính quyền áp giá đền bù chỉ 2,14 triệu đồng/2 đối với diện tích 530m2 đất ở như của gia đình là đều vô cùng thiệt thòi.
Người dân rào đường dẫn vào diện tích đất chưa được đền bù (Ảnh: V.Q) |
"Đất này đã được vợ chồng chia và cho các thành viên trong gia đình để sau này xây dựng nhà cửa. Nay, nhà nước thu hồi đất với giá thấp gấp 8 lần so với với thị trường (khoảng 16 triệu đồng/m2) thì chúng tôi còn đất đâu để chia nữa. Người dân ở đây nếu bị thu hồi đất thì cấp trên nên cấp lại diện tích đất ở bị thu hồi tương ứng tại khu TĐC phù hợp. Còn nếu không cấp lại đất, cấp trên nên đền bù đất ở với giá trị tương xứng để người dân không bị thiệt thòi" -ông Vinh nói.
Qua tìm hiểu hồ sơ dự án, vào ngày 6/6/2019, các hộ dân tại Triêm Tây được nhận Bảng thông báo giá trị bồi thường dự kiến về đất đai và hoa màu. Theo người dân,Trung tâm Phát triển Quỹ đất thị xã Điện Bàn lúc đó chỉ đề cập đến viện đền bù nhưng "không hề" nhắc đến việc giao đất ở TĐC sau khi bị thu hồi theo quy định. Chỉ khi được người dân phản ánh, đơn vị liên quan mới vào cuộc xem xét và ra thông báo cho người dân bị ảnh hưởng.
Người dân cho rằng nếu cam kết nhận tiền bồi thường phần diện tích đất ở, tài sản trên đất và bàn giao mặt bằng trước để dự án được thi công thì có khả năng quyền lời của họ sẽ bị mất (Ảnh: V.Q) |
Đều trớ treo theo người dân, khi quá trình đền bù đất ở, đất hoa màu cho 7 hộ dân tại Triêm Tây vẫn chưa dứt điểm, vào đầu tháng 7 vừa qua, Trung tâm Phát triển Quỹ đất thị xã Điện Bàn lại gửi Đơn xin mua đất ở TĐC cho người dân. Việc này sau đó đều bị người dân phản đối vì cho rằng khu TĐC đất ở nằm gần đó vẫn là diện tích đất hoa màu, chưa được tiến hành kiểm kê, đền bù, giải phóng mặt bằng.
"Nếu các hộ dân cam kết nhận tiền bồi thường phần diện tích đất ở, tài sản trên đất và bàn giao mặt bằng trước để dự án được thi công thì có khả năng quyền lời của các hộ này sẽ bị mất, trong khi đất TĐC vẫn đang nằm... trên giấy. Chúng tôi chỉ đồng ý bàn giao mặt bằng khi Nhà nước đền bù đất ở phù hợp với giá thị trường để người dân an tâm" - ông Dương Phú Sử, cho hay.
Dự án cầu Cẩm Kim có tổng mức đầu tư hơn 240 tỷ đồng do Bộ GTVT làm chủ đầu tư, BQL Dự án 6 làm quản lý. Dự án sử dụng nguồn vốn vay ODA của Tổ chức JICA và nguồn vốn đối ứng của của tỉnh Quảng Nam. Vào 15/5, Dự án cầu Cẩm Kim chính thức hợp long sau nhiều tháng khẩn trương thi công kể từ ngày 1/10/2019. Theo thiết kế, cầu Cẩm Kim có vị trí tại Km730, nằm trên trục QL14H. Cầu có độ dài gần 1.000m, rộng 12m; đường cấp III đồng bằng và có tốc độ 80km/h. Dự kiến vào đầu tháng 6/2020, cầu sẽ đưa vào hoạt đông, phục vụ người dân. Tuy nhiên, đã gần hết tháng 7, dự án vẫn chưa thể thông xe do việc khớp nối đường dẫn qua tuyến nối với đường dẫn Duy Phước - Cẩm Kim chưa xong quá trình đền bù, giải phóng mặt bằng.