Quảng Nam: Gặp nông dân “Trung bắp” trồng quất cảnh nức tiếng Hội An
Thành phố Hội An và Tam Kỳ không bắn pháo hoa đêm giao thừa Tết Nguyên đán 2023 Quảng Nam: Nhanh chóng bắt giữ đối tượng cướp giật tài sản ở Hội An |
Anh Trung là nông dân trồng quất kiểng có tiếng tại Cẩm Hà (Ảnh V.Q) |
Những ngày cuối năm 2022, vợ chồng anh Lê Trung (SN 1971, ngụ thôn Bến Trễ, xã Cẩm Hà, TP Hội An) lại tất bật cùng nhóm người làm để chăm sóc vườn quất kiểng rộng gần 7.000m2 tại khu vực giáp ranh với thị xã Điện Bàn.
Dẫn phóng viên vào diện tích quất kiểng đang say quả sau thời gian tốn vô vàn công sức, vật tư và thuốc men để chăm bón một cách khoa học suốt gần cả năm nay, anh Trung cho biết cuộc sống của gia đình cùng ba người con đã đỡ bớt phần khổ kể từ khi gắn bó với loại cây cảnh “hái ra tiền” này.
“Nhiều đêm đạp xe đi rao bánh chưng, bắp luộc tận Quảng Ngãi, Bình Đình rồi quay về lại xã Quế Phú nghỉ tạm để về nhà, tiếp tục ngày mưu sinh mới, bản thân không nghĩ cây quất lại khiến gia đình có cách nghĩ khác để thoát nghèo. Mỗi nghề đều có thể kiếm tiền và nuôi sống vợ con nhưng nghề khiến mỗi người gắn bó lâu dài để làm ăn thì cũng một phần do cái duyên nữa”, anh Trung chia sẻ.
Anh Trung kể hơn 10 năm trước, khu vực Cẩm Hà vốn là làng quất kiểng đã có tiếng trong nước, nhiều nhà buôn khắp Tây Nguyên, Đà Nẵng về đây mua bán quất tấp nập nhưng hoàn cảnh gia đình lúc này vẫn túng thiếu, trong khi vợ con lại nheo nhóc sau mỗi buổi đi bán cá ở chợ quê.
“Trồng quất phải có đất rộng nhưng gia đình lại quanh quẩn trong căn nhà lụp xụp, xung quanh là cồn cát lẫn mồ mả. Nhiều đêm suy nghĩ, hai vợ chồng đã tranh thủ đi vận chuyển đất để đắp vườn. Đồng vốn dành dụm trước đây được cả hai đi thuê xe công nông, chở cát vào vườn quanh diện tích đất vốn được ông bà khai phá trước đây”, anh Trung kể.
Làng quất Cẩm Hà vàng rực mỗi khi Tết đến (Ảnh V.Q) |
Sau nhiều năm chật vật với nguồn cây giống và vườn trồng, đến nay gia đình anh Trung đã có gần 7.000m2 đất để chuyên canh hơn 1.000 cây quất kiểng.
Do thời gian này, các nông dân tại Cẩm Hà, Thanh Hà vẫn đang tất bật với diện tích quất đang trĩu quả của mình nên rất nhiều thương lái các nơi đã tranh thủ về tận vườn để mua, đặt cọc quất để phục vục Tết Nguyên đán 2023 đang cận kề.
“Gia đình hướng đến việc chăm bón quất kiểng có thế cao, độc, lạ trong chậu lớn nhằm bán với giá cạnh tranh vào dịp Tết. Ban đầu, gia đình chấp nhận đầu tư số vốn nhiều để thu mua quất từ người dân để mở rộng vườn.
Thời gian sau, chờ cây quất phát triển để tạo thế và bắt đầu chăm sóc quất kiểng theo cách riêng nhằm tạo sản phẩm đẹp mắt để tung ra thị trường. Hiện 3 khu vườn của gia đình đã có trên dưới 1.000 chậu đang trĩu quả trong nhiều tháng mất ăn, mất ngủ”, anh Trung chia sẻ.
Anh Trung đang sở hữu hơn 1.000 chậu quất kiển tại Cẩm Hà (Ảnh V.Q) |
Cũng theo anh Trung, đối với người dân trồng quất tại làng Cẩm Hà, kinh phí mua cây giống, phân bón, thuốc men để đầu tư cho vườn quất là cả một vấn đề. Để giải quyết bài toán này, anh Trung đã mạnh dạn nhập một lượng lớn thuốc, phân bón từ các đầu mối lớn nhằm tự chủ, đồng thời bán lại cho bà con hộ nghèo với giá gốc để giảm kinh phí.
“Diện tích đất ngày càng teo tóp do đầu tư dự án càng khiến tương lai nghề trồng quất tại Cẩm Hà, Thanh Hà sẽ bị suy thoái và sẽ giảm đáng kể. Việc người dân hiện nay phải có lối đi riêng về cách trồng quất nhằm tăng giá trị là đều tất yếu. Mỗi năm khi vào mùa quất kiểng, bà con nơi đây lại phấn khởi bởi có thu nhập để trang trải cuộc sống, góp phần thúc đẩy Cẩm Hà tiếp tục là vùng đất để cây quất trở thành thế mạnh và là cây làm giàu cho địa phương trong những năm đến”, anh Trung cho hay.
Ông Mai Kim Phương, Chủ tịch UBND xã Cẩm Hà, cho biết cả xã hiện có đến 400 hộ dân gắn bó với nghề trồng quất kiểng. Năm 2022, địa phương có khoảng 49 ngàn chậu quất và hơn 35 ngàn cây quất đất.
Theo ông Phương, trên địa bàn hiện đã có những hộ dân tiêu biểu về trồng quất lâu năm và có chỗ đứng lẫn thương hiệu trên thị trường đang tạo đà cho các hộ khác phấn đấu, quyết chí làm ăn.
Tuy nhiên, nhiều hộ dân tại Cẩm Hà đang gặp khó khăn về nguồn đất chăm quất, nguồn cây giống khan hiếm, nguồn thuốc trừ sâu không đảm bảo khiến phong trào trồng quất bị ảnh hưởng. Do vậy, chính quyền, đơn vị đoàn thể đã vận động người dân vào cuộc thay đổi tư duy, cách trồng quất, tạo giá trị cao nhất cho loại cây này để đưa ra thị trường.
“Năm vừa qua, người dân của xã đã thu về hơn 41 tỷ đồng do bán quất kiểng ra thị trường, tăng gần 7 tỷ đồng so với mọi năm. Do điều kiện đất đai, thời tiết và dịch bệnh nên số lượng quất năm nay có giảm nhưng chất lượng lại tăng đều khiến giá trị tăng, tạo điều kiện cho bà con tăng thu nhập từ cây quất truyền thống”, ông Phương thông tin.