Quảng Nam: Quy hoạch cảnh quan ven sông Thu Bồn cần có tầm nhìn dài hạn
Sông Thu Bồn có giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, kinh tế của Quảng Nam (Ảnh: Bảo Trung) |
Sông Thu Bồn với diện tích lưu vực rộng 10,350km2, là lưu vực sông lớn, có giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, kinh tế của tỉnh Quảng Nam đang được tỉnh này quy hoạch, thiết kế cảnh quan hai bên bờ con sông. Phạm vi nghiên cứu đoạn từ cầu Giao Thủy đến Cửa Đại.
Tại cuộc họp thông qua Đề cương nghiên cứu lập quy hoạch hai bên bờ sông Thu Bồn diễn ra mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh yêu cầu, quá trình quy hoạch phải xác định khu vực, mô hình, hình thức đầu tư khai thác hợp lý; khu vực tuyệt đối giữ gìn, tôn tạo và không được xây dựng các công trình kiên cố.
Ảnh: Thanh Sơn HP |
Ông cũng Thanh lưu ý, đây là dòng sông động, có dòng chảy mạnh và lưu lượng nước lớn vào mùa lũ, nên cần có giải pháp để quản lý, chỉnh trị, bảo vệ dòng sông và lưu vực hai bên bờ sông.
Theo đó, trong quá trình tổ chức lập quy hoạch, thiết kế cảnh quan cần lưu ý rà soát lại toàn bộ các đồ án quy hoạch xây dựng liên quan (bao gồm các đồ án đã được phê duyệt, đang được tổ chức lập, dự kiến lập) trong khu vực nghiên cứu để kế thừa.
Đồng thời, xác định rõ khu vực hai bên bờ sông Thu Bồn và các cồn bãi ven sông là các khu vực rất dễ bị tổn thương do thiên tai, bão lũ, xói lở... nhưng lại là khu vực có rất nhiều giá trị không chỉ về kinh tế mà còn về văn hóa, thiên nhiên nên cần có các giải pháp tính toán, đánh giá tác động cụ thể đến cảnh quan, thiên nhiên, môi trường sinh thái, kinh tế, xã hội.
Sông Thu Bồn (Ảnh: Gienkhan) |
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nhấn mạnh, trong quá trình lập quy hoạch, cần đánh giá kỹ hiện trạng; thu thập đầy đủ các thông tin, số liệu liên quan đến sông Thu Bồn; đánh giá tác động của thiên tai, diễn biến dòng chảy và quá trình xói lở, bồi đắp từng năm, sau các đợt lũ lớn; cập nhật tất cả các dự báo, cảnh báo của các chuyên gia; xác định rõ sự tác động đến các đô thị hiện có và đô thị hình thành trong tương lai ven sông.
Cùng với đó, xác định rõ khu vực cần bảo tồn, quản lý nghiêm ngặt; khu vực có thể đầu tư, khai thác và tổ chức các hoạt động ven sông, trên sông ở mức độ hợp lý làm căn cứ để các địa phương cập nhật vào các đồ án quy hoạch liên quan.
Người dân mưu sinh trên dòng sông Thu Bồn (Ảnh: CdeHaan) |
Ngoài ra, đề xuất các nội dung, phạm vi khai thác cụ thể như: loại hình, quy mô, hình thức đầu tư, kiến trúc, chiều cao, vật liệu xây dựng được sử dụng, biện pháp kè chắn bảo vệ bờ sông.
Xác định rõ mô hình tổ chức không gian đô thị, các yêu cầu quản lý đối với khu vực phát triển đô thị; các giải pháp để tôn tạo, giữ gìn, phát huy giá trị các làng quê nông thôn gắn với phát triển du lịch sinh thái, nông nghiệp, cộng đồng.
Cùng với đó, đầu tư các bến đường thủy phục vụ du lịch và vận tải, bảo đảm tính liên kết giữa giao thông đường thủy với đường bộ, các tuyến đường ven sông, cầu qua sông với tính chất, quy mô phù hợp và các giải pháp kè chắn tại các vị trí phù hợp.