Quảng Ninh: Dân bức xúc vì dự án lấn biển của CEO group
Nhìn từ trên cao Dự án Khu tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng Sonasea Vân Đồn Harbor City do Công ty CP Đầu tư và Phát triển Du lịch Vân Đồn (thuộc CEO group) triển khai
Bài liên quan
Sai phạm tràn lan tại Dự án triển khai gần 20 năm mới xong phần móng tại TP Móng Cái
Móng Cái - Quảng Ninh: Dự án rùa bò gần 20 năm mới xong phần móng
Hà Nội: Mưa bão số 3 khiến một số tuyến phố chìm trong biển nước
Bão số 3 làm 3 người thương vong, 11 người mất liên lạc ở Thanh Hóa và Bắc Kạn
Thủ tướng chỉ đạo ứng phó khẩn cấp hậu quả mưa lũ do bão số 3 gây ra
Bão số 3 khiến nhiều cây xanh ở Hà Nội bị đổ, xuất hiện lũ ống cuốn 17 người ở Thanh Hóa
Khốn khổ vì xe trọng tải lớn chạy suốt ngày đêm
Tỉnh lộ 334 của Khu kinh tế Vân Đồn (huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh) mới được đầu tư nâng cấp từ năm 2016 nhưng hiện nay đã xuống cấp nhanh chóng. Nhiều người dân ở xã Hạ Long, huyện Vân Đồn bức xúc vì trong thời gian qua, cuộc sống, sinh hoạt của người dân gần như bị đảo lộn vì từng đoàn xe tải hạng nặng chở đất về san lấp mặt bằng tại Dự án Khu tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng Sonasea Vân Đồn Harbor City do Công ty CP Đầu tư và Phát triển Du lịch Vân Đồn (thuộc CEO group) triển khai.
“Mỗi ngày hàng trăm lượt xe tải loại 30, 40 tấn chở đất từ xã Đoàn Kết chạy ầm ầm xuyên làng xóm. Ban ngày, mùa hè nắng oi bức đã khổ vì bụi bặm, về đêm, những hộ dân mặt đường như chúng tôi không thể ngủ nổi. Có đêm, từng đoàn hàng chục chiếc di chuyển như động đất”, bà N.T.L, nhà đối diện với trường tiểu học xã Hạ Long bức xúc nói.
Người dân bức xúc vì xe trọng tải lớn ngày đêm ra vào công trường gây tiếng ồn, bụi, nguy cơ tai nạn giao thông rất cao |
Theo những người dân nơi đây, từ khi Dự án Sonasea Vân Đồn Harbor City đi vào xây dựng, rất nhiều vụ tai nạn, va chạm giữa xe tải với phương tiện và người dân đã xảy ra. “Chúng tôi vẫn gọi những chiếc xe chở đất này là xe bàn thờ. Vì ra đường mà gặp xe này thì nguy cơ bị tai nạn rất cao”, bà L nói tiếp.
Bà Nguyễn Thị V, một người dân làm nghề đánh cá ở khu 4, xã Hạ Long cho hay: Thời gian gần đây, dư luận cũng bức xúc, phản ánh lên chính quyền địa phương nên các xe chở đất chạy ban ngày có giảm đi. Tuy nhiên, về đêm thì lại tung hoành kinh khủng hơn trước. Tuyến đường 334 đoạn từ ngã tư sân bay Vân Đồn vào dự án giờ bắt đầu xuất hiện “ổ gà, ổ trâu”. Trời nóng thì bụi bặm không ai dám ngồi ngoài đường, trời mưa thì trơn trượt đi lại rất dễ xảy ra tai nạn.
Nhiều người dân cho rằng, đây là dự án lớn và do doanh nghiệp tư nhân triển khai nên để bảo đảm an toàn cho người dân thì phải có tuyến đường riêng. “Tuyến đường 334 này là đường do ngân sách Nhà nước thực hiện nên doanh nghiệp không thể tận dụng như thế này được. Từ đầu năm đến nay, đoạn đường từ sân bay Vân Đồn vào khu dự án đã xảy ra rất nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng. Cách đây không lâu, có vụ xe lao vào quán bia làm sập nhà dân, gần đây thì còn gây ra vụ tai nạn chết người”, bà V nói.
Trao đổi với phóng viên, bà Lương Thị Anh - Chủ tịch UBND xã Hạ Long xác nhận về việc nhiều xe chở đất cho Dự án Sonasea Vân Đồn Harbor City ảnh hưởng tới giao thông và cuộc sống của người dân. Theo bà Anh, sau khi nhận được thông tin phản ánh của người dân, chính quyền địa phương cũng đã báo cáo lên UBND huyện Vân Đồn, cũng như kết hợp với các lực lượng chức năng khác để chấn chỉnh tình trạng này. Bà Anh cũng nói thêm, đúng là có vụ tai nạn giao thông gây chết người nhưng bà phủ nhận việc xe tải chở đất tại Dự án cho CEO group gây ra.
Được biết, tỉnh lộ 334 được đầu tư nâng cấp từ năm 2015, với kinh phí 253 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương hỗ trợ và ngân sách tỉnh. Đây là trục giao thông chính xuyên suốt Khu kinh tế Vân Đồn kết nối các dự án quan trọng trong khu vực. Tuy nhiên, nhiều người dân lo ngại, với tình trạng xe tải hạng nặng chuyên chở đất 30, 40 tấn như hiện nay, không lâu nữa, tuyến đường sẽ trở về thời kì “bùn đỏ” như trước năm 2016.
Lo lắng vì dự án hút cát, lấn biển với quy mô lớn
Ngoài những lo lắng do xe chở đất gây ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của người dân thì gần đây, nhiều người ở xã Hạ Long còn ghi nhận việc lấn biển với quy mô rất lớn tại Dự án Sonasea Vân Đồn Harbor City.
Thông tin phản ánh cho biết, hoạt động hút cát trong lòng dự án để bơm ra biển đã diễn ra nhiều tháng nay. Qua quan sát của phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô tại thời điểm cuối tháng 7/2019, trong khu vực Dự án Sonasea Vân Đồn Harbor City có nhiều máy hút cát công suất lớn đang làm việc. Các máy hút này đưa cát từ trong lòng dự án chuyển ra phía ngoài kè đá để lấn biển. Dọc tuyến kè dài hơn 1km đã xuất hiện nhiều đụn cát trắng mới được hình thành, đồng thời, từng vùng nước đỏ đã bắt đầu lan tỏa có nguy cơ gây ảnh hưởng đến môi trường biển nơi đây.
Việc lấn biển với quy mô rất lớn tại Dự án Sonasea Vân Đồn Harbor City khiến nhiều người lo ngại môi trường biển sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng |
Hiện trạng mặt bằng cho thấy, chủ đầu tư đang triển khai các hạng mục xây dựng khách sạn, san lấp biển với quy mô lớn thuộc Dự án đầu tư Khu tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng Sonasea Vân Đồn Harbor City - Phân khu 1. Trước đó, ngày 11/4/2018, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Đức Long đã ký Quyết định số 1138/QĐ-UBND về việc phê duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/500 Khu tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng Sonasea Vân Đồn Harbor City (tên cũ là Khu tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng Sonasea Dragon Bay) tại xã Hạ Long, huyện Vân Đồn.
Các nội dung trong Quyết định số 1138/QĐ-UBND cho thấy, hhu tổ hợp này có diện tích nghiên cứu là 358,35ha, nằm tại xã Hạ Long, phía Tây giáp Dự án sân golf Ao Tiên, phía Đông Nam giáp bãi biển, phía Tây Bắc giáp đỉnh núi Cái Bầu, phía Đông Bắc giáp phân khu 8 của Dự án Con đường di sản. Đối với việc triển khai Dự án đầu tư khu tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng Sonasea Vân Đồn Harbor City - Phân khu 1, ngày 18/9/2018, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Quyết định số 3691/QĐ-UBND về việc phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường cho Dự án này với quy mô là 67ha.
Trước việc đổ hàng triệu khối đất đỏ ra lấp biển, cũng như hút cát trắng để bồi đắp biển của CEO group tại xã Hạ Long, nhiều người tỏ ý lo ngại về môi trường biển sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đồng thời, căn cứ vào Luật Bảo vệ môi trường, Nghị định số 18/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 thì với Dự án có lấn biển từ 20ha trở lên, thẩm quyền phê duyệt Báo cáo tác động môi trường là của Bộ TNMT, vậy UBND tỉnh ra Quyết định phê duyệt ĐTM căn cứ vào đâu để phê duyệt cho một dự án rộng 67ha vừa lấn biển, vừa lấy đất rừng?
Báo Tuổi trẻ Thủ đô sẽ tiếp tục thông tin.