Quảng Ninh: Nhiều giải pháp kích cầu du lịch, khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh
Ngành du lịch - dịch vụ bị ảnh hưởng nghiêm trọng
Dịch Covid-19 bùng phát trở lại lần thứ 2 khiến nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh một lần nữa lao đao. Nhất là các doanh nghiệp dịch vụ, du lịch, doanh nghiệp sản xuất với các nguyên vật liệu nhập khẩu từ nước ngoài... Tất cả các tour du lịch đến Quảng Ninh từ đầu tháng 8 đến nay đều bị hủy bỏ khiến thành phố biển Hạ Long trở nên vắng lặng, dù đây là thời điểm du lịch sôi động nhất trong năm. Đường phố thưa người qua lại, các khu vui chơi, giải trí, nhà hàng, khách sạn đều đóng cửa. Nhiều doanh nghiệp đã cho NLĐ nghỉ việc không lương, thậm chí tạm dừng sản xuất, dẫn đến hàng nghìn NLĐ bị mất việc làm.
Dịch bệnh Covid-19 đã gây ra những tác động nghiêm trọng đến ngành du lịch - dịch vụ của tỉnh Quảng Ninh |
Cảng tàu quốc tế Hạ Long (Quảng Ninh), một trong những cửa ngõ đón khách đến với vịnh Hạ Long vắng vẻ bất thường. Dù giữa mùa du lịch cao điểm, hơn 200 tàu lưu trú và vận chuyển khách trên vịnh nằm bờ gần tháng nay. Ông Vũ Thành Tô (52 tuổi) đã 10 năm gắn bó với tàu Biển Mơ xót xa: “Thời điểm tái bùng phát dịch tàu không có khách vì người dân lo sợ cũng không dám đi. Nhiều công nhân đã gắn bó ở đây từ lâu nhưng bắt buộc phải giảm và chỉ giữ lại một người với mức lương giảm 70%. Vì họ không có tiền và thực tế ra ngoài cũng không xin ở đâu được việc”.
Đã có hơn 120 chủ tàu làm đơn xin tạm dừng hoạt động, hàng trăm con tàu nằm bờ mà trong số đó, không ít phương tiện được đóng bằng nguồn vốn vay ngân hàng, thế chấp bằng chính nhà cửa, đất đai của cả gia đình. Nhiều người muốn bán tàu vì lo lắng khoản lãi hàng tháng phải trả cho ngân hàng thế nhưng chẳng biết bán cho ai khi mà những con tàu chỉ có thể nằm ở bến vì không có khách.
Hàng trăm khách sạn bên bờ Vịnh Hạ Long cũng rơi vào tình cảnh bi đát, bởi mỗi ngày công suất hoạt động của các khách sạn này chỉ khoảng 10 - 30%. Không ít doanh nghiệp đã bắt buộc phải cắt giảm hầu hết đội ngũ nhân viên, người lao động để tránh nguy cơ phá sản. Điều đáng lo nhất là không biết tình trạng này còn kéo dài đến bao giờ.
Ông Đoàn Văn Dũng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần du thuyền Đông Dương, cho biết: “Người bị ảnh hưởng nhiều hơn cả là những nhân viên và người lao động. Có những doanh nghiệp cả 2 vợ chồng cùng làm du lịch và cùng nghỉ việc. Có thể 1, 2 tháng đầu họ có tiền hỗ trợ nhưng về lâu về dài sẽ rất khó khăn, chưa biết sống thế nào”.
Theo lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh, tính tới thời điểm hiện nay, doanh thu của không ít doanh nghiệp không thể bù đắp các khoản chi phí hoạt động, như: Trả lương công nhân, trả lãi vay ngân hàng, thuê mặt bằng... Doanh thu của nhiều doanh nghiệp giảm từ 30 - 50%, nhiều doanh nghiệp giảm hơn 70%. Dù khó khăn nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn cố gắng sản xuất, duy trì công ăn việc làm cho công nhân. Vì thế, nhiều doanh nghiệp đã cho NLĐ thay phiên nhau nghỉ phép, nhưng phải đảm bảo đủ thời gian để nhận lương cơ bản. Đồng thời, họ dùng nguồn quỹ để hỗ trợ thêm cho người lao động. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cũng phải cho NLĐ nghỉ không lương và cam kết sau khi hết dịch bệnh, sẽ tiếp nhận lại nhân viên.
Từ đầu năm đến nay rất nhiều doanh nghiệp phải rời bỏ thị trường, tính riêng trong tháng 8 vừa qua có 23 doanh nghiệp giải thể, 37 doanh nghiệp khó khăn phải tạm ngừng hoạt động. Số doanh nghiệp thành lập mới tính đến cùng kỳ năm trước cũng giảm 11,7%. Thống kê của Sở LĐTB&XH tỉnh cho thấy, trong đợt dịch lần thứ 2 này, đến ngày 28/8, có 89 doanh nghiệp với 3.388 NLĐ bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19; Trong đó, hoạt động trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ 83 doanh nghiệp với 2.924 lao động bị ảnh hưởng...
Đường phố thưa người qua lại, các khu vui chơi, giải trí, nhà hàng, khách sạn đều đóng cửa. Nhiều doanh nghiệp đã cho NLĐ nghỉ việc không lương, thậm chí tạm dừng sản xuất, dẫn đến hàng nghìn NLĐ bị mất việc làm |
Tích cực triển khai kích cầu du lịch
Hơn 3 tháng trước, khi đợt dịch Covid-19 đầu tiên được khống chế, tỉnh Quảng Ninh đã sớm tung ra gói kích cầu lên tới 200 tỷ để hỗ trợ ngành du lịch vượt khó, tập trung vào du khách nội địa. Khi đó là những tín hiệu vui bởi mỗi ngày, Quảng Ninh đón hàng chục nghìn khách du lịch, thậm chí có lúc còn cao hơn so với thời điểm chưa xuất hiện dịch bệnh.
Khi đợt dịch thứ 2 bùng phát trở lại tại một số địa phương, các khách sạn lại tối đèn, trung tâm vui chơi giải trí tiếp tục đóng cửa, vịnh Hạ Long có ngày chỉ đón hơn 10 khách... Hệ quả tất yếu là các doanh nghiệp dịch vụ du lịch chưa kịp gượng dậy sau làn sóng dịch bệnh thứ nhất thì một lần nữa lại như con thuyền nhỏ chòng chành giữa cơn bão Covid-19.
Để hỗ trợ, tỉnh Quảng Ninh tung ra gói kích cầu du lịch bổ sung trị giá khoảng 100 tỷ đồng và có hiệu lực ngay sau khi ban hành. Cụ thể, Quảng Ninh giảm 50% giá vé thu phí vào điểm tham quan và tham quan lưu trú trên vịnh Hạ Long, Bảo tàng Hạ Long, Khu Di tích danh thắng Yên Tử trong thời gian từ ngày 9/9 đến 31/12/2020.
Cùng với đó, tỉnh giảm 100% giá vé thu phí vào điểm lưu trú trên Vịnh Hạ Long trong các ngày lễ, truyền thống như ngày Phụ nữ Việt Nam (20/10), Ngày truyền thống Công nhân vùng mỏ (12/11), ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11), Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12).
Để phần nào hỗ trợ cho doanh nghiệp, NLĐ, các cơ quan chức năng đã tập trung công tác hỗ trợ tháo gỡ theo chế độ của Chính phủ, của tỉnh. Đến ngày 28/8 đã có 17.043 NLĐ được hỗ trợ số tiền 17,366 tỷ đồng theo Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9/4/2020 của Chính phủ; Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo Nghị quyết số 245/2020/NQ-HĐND ngày 31/3/2020 của HĐND tỉnh, 13/13 địa phương đã chi xong 541,5 triệu đồng cho tổng số 496 lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo và viên chức, NLĐ trong các đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ 100% về tài chính phải nghỉ việc không hưởng lương. Từ nguồn xã hội hóa do MTTQ tỉnh tiếp nhận đã chi cho 1.577 giáo viên, NLĐ trong các trường mầm non tư thục và nhóm lớp độc lập tư thục số tiền 1,577 tỷ đồng; 224 NLĐ không có giao kết HĐLĐ bị mất việc làm số tiền 224 triệu đồng.
Hội nghị tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp do tỉnh UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức |
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Thắng khẳng định khó khăn của doanh nghiệp cũng chính là khó khăn của tỉnh. Các Sở, ban, ngành cần giải quyết ngay các kiến nghị thuộc thẩm quyền nhằm giảm gánh nặng cho doanh nghiệp trong khi dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp. Dự kiến trong tháng 9, Quảng Ninh sẽ làm việc với các địa phương, các hiệp hội doanh nghiệp địa phương để tiếp tục giải quyết những kiến nghị, đề xuất.
Trong khi dịch bệnh có những diễn biến khó lường, vừa phục hồi kinh tế vừa phòng chống dịch là “mục tiêu kép” của tỉnh Quảng Ninh ngay lúc này. Gói kích cầu và các chính sách hỗ trợ của chính quyền địa phương đang từng bước giúp doanh nghiệp du lịch, dịch vụ Quảng Ninh có điều kiện khởi động lại các hoạt động kinh doanh của mình.