Quốc hội sẽ quyết Bộ nào được giao quản lý đào tạo, cấp đổi giấy phép lái xe
Từ 4/7, Hà Nội cấp đổi giấy phép lái xe ở cơ quan, đơn vị Hồ Chí Minh bổ sung thêm 5 địa điểm mới để cấp đổi giấy phép lái xe |
Sáng 16/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp cho ý kiến về dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ do Bộ Công an thừa ủy quyền Chính phủ trình bày tờ trình.
Thẩm tra dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt cho biết, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh ủng hộ việc tách Luật Giao thông đường bộ năm 2008 thành 2 luật (Luật Giao thông đường bộ sửa đổi và Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ) và cho rằng việc này phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước, không xung đột, không chồng chéo với những luật khác.
Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc (Ảnh: Quochoi.vn) |
Giải thích lý do việc cần tách thành 2 luật, ông Võ Trọng Việt lập luận lĩnh vực quản lý về hạ tầng giao thông và đảm bảo trật tự an toàn giao thông là hai mối quan tâm khác nhau, nếu tách bạch ra sẽ thể hiện quyết tâm cao hơn của hai cơ quan quản lý.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh đánh giá hồ sơ chuẩn bị của Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ đều công phu, đủ điều kiện trình Quốc hội vào kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2020).
Cho ý kiến dự thảo Luật, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nhận định, tình trạng tai nạn giao thông đường bộ chiếm tỷ lệ cao, hơn 90% số vụ nên làm quyết liệt việc này là hết sức cần thiết. Các ngành, cấp đã nỗ lực nhưng cũng không giảm là bao. Theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe là một khâu then chốt cần chấn chỉnh. Nhà nước nên tập trung làm chặt khâu cấp giấy phép lái xe. Khâu đào tạo, sát hạch nên đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, để tăng cường độ chính xác, khách quan.
Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đề nghị chỉnh sửa dự thảo Luật theo hướng dứt khoát hơn, tránh tình trạng quy định nửa vời. Chẳng hạn, đã lên xe là phải thắt dây an toàn, không quy định nửa vời kiểu “vị trí nào có dây thì phải thắt”. Tình trạng một ô tô có 2 biển số xe (một xanh, một trắng), là “không thể chấp nhận được, tạo ra dư luận không tốt”; Cần quy định cứng mỗi xe chỉ duy nhất 1 biển đăng ký.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, cần xem xét kỹ việc tách Luật này khỏi Luật Giao thông đường bộ. “Không ai nói bảo đảm trật tự an toàn giao thông là không quan trọng, mà chúng tôi chỉ đề nghị xem xét việc có nên tách Luật hay không. Từ năm 2006 đến nay, tôi có đến 30 bài phát biểu về an toàn giao thông và Ủy ban Tư pháp cũng đã tiến hành giám sát vấn đề này”, bà Nga nói.
Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc |
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga khẳng định, việc giao quyền từ Bộ này sang Bộ kia thì nhất định phải có tổng kết và có ý kiến của cơ quan thẩm quyền, xin ý kiến đại biểu Quốc hội; Còn một số quy định mới trong dự thảo như trừ điểm trên giấy phép lái xe, đấu giá biển số đẹp… thì cân nhắc kỹ.
Giải trình ý kiến đại biểu, Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, Bộ Công an sẽ tiếp tục rà soát, nghiên cứu để bổ sung rõ hơn về lĩnh vực, trách nhiệm, hạn chế giao thoa giữa Luật Giao thông đường bộ và Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ.
Theo ông Ngọc, từ 1995 tới nay, cả hệ thống chính trị đều quan tâm, lo lắng, mong muốn tình hình giao thông được cải thiện, hạn chế ùn tắc và tai nạn giao thông.
Vì vậy, việc nghiên cứu, đề xuất để riêng biệt hai lĩnh vực: Hạ tầng để phát triển kinh tế xã hội, làm giảm tai nạn giao thông; Giữa kỷ cương, kỷ luật trong nhận thức của người, phương tiện tham gia giao thông nhằm cải thiện điều này, giảm thiểu ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng người dân, không để xả ra các vụ tai nạn giao thông thảm khốc.
Thứ trưởng Bộ Công an cho rằng nếu được thông qua, việc thực thi Luật này sẽ rất khả thi vì hai Bộ: Công an, Giao thông vận tải đã xác định hai lĩnh vực quan trọng cần được rõ ràng, cụ thể, khẳng định trách nhiệm của mỗi bên.
Đáng chú ý, về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe (GPLX), quan điểm của Bộ là xã hội hóa việc đào tạo, có quy định để các cơ sở đào tạo, sát hạch hoạt động, tức là sát hạch ở đâu cũng được, còn Bộ Công an sẽ tổ chức và đưa ra các tiêu chí để đảm bảo.
"Việc cấp GPLX, Bộ Công an sẽ đảm bảo hạn chế nạn giấy phép giả, hiện rất phức tạp. Chúng tôi đang chỉ đạo chuyên án bao phủ trên các tỉnh", Thứ trưởng Bộ Công an nói.
Đề cập đến quy định về đấu giá biển số xe, Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc cho rằng đây là nguyện vọng của chủ phương tiện tham gia giao thông, đã được bàn và thảo luận nhiều, lần này được Bộ Công an đưa vào dự thảo Luật.
Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, Bộ Công an sẽ cùng Bộ Giao thông vận tải và Bộ Tư pháp hoàn chỉnh căn cơ luật này trong thời gian tới và mong muốn sẽ được ủng hộ để đưa ra trong kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho biết, còn nhiều ý kiến khác nhau việc giao Bộ nào quản lý, đào tạo, sát hạch, cấp đổi, thu hồi GPLX. Ông đề nghị Chính phủ tiếp tục làm rõ thêm, Quốc hội sẽ xem xét quyết định việc này.
“Đề nghị Chính phủ và các cơ quan hữu quan hoàn thiện tờ trình và dự thảo luật của cả 2 luật để thẩm tra chính thức, trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 10”, Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ kết luận.