Quyết liệt chống tham nhũng, củng cố niềm tin của Nhân dân
Chống tham nhũng để gìn giữ thanh danh của Đảng Phiên họp thứ 18 Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống tham nhũng |
Bài 1: Quyết tâm “đốt lò” để giữ vững niềm tin…
Con số hàng trăm cán bộ cấp cao bị kỷ luật, hàng loạt vụ án lớn đưa ra xét xử… đã khẳng định công tác chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng đạt được những dấu ấn, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhiệm kỳ Đại hội XII vừa qua.
Chưa bao giờ công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước ta đạt được những thành tích, ghi dấu ấn, tạo sự chuyển biến tích cực như trong nhiệm kỳ Đại hội XII vừa qua. Tình trạng tham nhũng, tiêu cực được ngăn chặn, đẩy lùi một bước, góp phần quan trọng làm Đảng ta trong sạch hơn, thế giới đánh giá cao hơn, niềm tin của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước ta được tăng cường.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo phiên họp thứ 18, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng (Ban Chỉ đạo) |
Chống tham nhũng luôn là đại sự sinh tử, thành bại
Vấn đề tham nhũng và chống tham nhũng luôn là đại cuộc sinh tử, thành bại của muôn thời, của mọi quốc gia, dân tộc trên hoàn cầu, tự cổ chí kim.
Công tác phòng, chống tham nhũng được Đảng, Nhà nước ta xác định là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, vừa cấp bách, vừa khó khăn, phức tạp, lâu dài. Ngay từ những ngày đầu mới giành được chính quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Tham ô, lãng phí, quan liêu là một thứ giặc ở trong lòng”. Tác hại do tham nhũng gây ra cực kỳ to lớn về mọi mặt. Nó không những làm thiệt hại về kinh tế mà còn làm xói mòn lòng tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, với chế độ; làm rối loạn kỷ cương pháp luật, hư hỏng cán bộ... Trong khi “chiến sỹ thì hy sinh xương máu, đồng bào thì hy sinh mồ hôi nước mắt để đóng góp, mà những kẻ tham ô, lãng phí và quan liêu thì phá hoại tinh thần, phí phạm sức lực, tiêu hao của cải của Chính phủ và của Nhân dân. Tội lỗi ấy cũng nặng như tội Việt gian mật thám”. Người nhắc nhở, chống loại kẻ địch này (tức nạn tham ô) khó khăn, phức tạp hơn ngay cả so với đánh giặc ngoại xâm. Điều này phải được xem là một đặc thù, chi phối toàn bộ cuộc đấu tranh chống tham nhũng.
Bước vào thời kỳ đổi mới, tình trạng tham nhũng, tiêu cực bộc lộ ngày càng rõ nét, diễn biến hết sức phức tạp, “làm giảm lòng tin của quần chúng đối với sự lãnh đạo của Đảng và sự điều hành của các cơ quan nhà nước”. Hội nghị lần thứ năm, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) xác định “tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng, với những biểu hiện tinh vi, phức tạp, xẩy ra trên nhiều lĩnh vực, nhiều cấp, nhiều ngành… gây bức xúc trong xã hội và là thách thức lớn đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước”.
Trước tình hình đó, Hội nghị đã quyết định chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng (Ban Chỉ đạo) trực thuộc Bộ Chính trị, do đồng chí Tổng Bí thư làm Trưởng Ban Chỉ đạo; lập lại Ban Nội chính Trung ương và ban nội chính các Tỉnh ủy, Thành ủy là cơ quan tham mưu cho cấp ủy về công tác nội chính và phòng chống tham nhũng (PCTN); Ban Nội chính Trung ương là Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo, với mong muốn tạo bước chuyển mới, mạnh mẽ hơn nữa trong công tác đấu tranh PCTN.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng với cử tri TP Hà Nội ngày 15/10/2019 |
Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều Nghị quyết, Chỉ thị, bộ Luật cho công tác PCTN. Ngay từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, công cuộc PCTN đã được hoạch định rõ bằng việc xây dựng thể chế về quản lý kinh tế - xã hội và PCTN, góp phần hoàn thiện cơ chế phòng ngừa chặt chẽ. Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành gần 30 văn bản về xây dựng Đảng, hệ thống chính trị và PCTN. Quốc hội đã thông qua 18 luật, 20 nghị quyết; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 100 nghị định, 119 nghị quyết, 37 quyết định, 33 chỉ thị, giúp nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng.
“Lò đã nóng thì củi khô, củi ướt đều phải cháy”
Còn nhớ, cách đây khoảng 10 năm trước, câu chuyện tham nhũng được người dân nhắc đến khắp mọi nơi, với một tâm trạng ngao ngán; đơn thư tố cáo “quan tham” được dải khắp mọi cơ quan chức năng. Thời bấy giờ, chống tham nhũng dường như chỉ làm cho có và ở nghị trường thường phải nghe những ví von như, "mèo ăn vụng miếng mỡ thì bị vồ, cọp cắp lợn thì lờ", hay "bỏ cá lớn, chỉ đi lùa cá bé"... Nhiều đại biểu Quốc hội phát biểu thể hiện sự bức xúc vì "con voi chui lọt lỗ kim".
Sau Đại hội XI, năm 2011, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi tiếp xúc cử tri đã đọc hai câu thơ đến từ dân gian để nói về tham nhũng, “miếng ăn là miếng tồi tàn/mất ăn một miếng lộn gan lên đầu” và nhắn nhủ với người dân rằng Đảng và Nhà nước quyết chiến đến cùng với “giặc” tham nhũng.
Bắt đầu từ Đại hội XII, năm 2016, lịch sử chống tham nhũng ở Việt Nam hoàn toàn sang một trang mới. Cùng với tuyên bố của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, “lò đã nóng thì củi khô, củi ướt đều phải cháy”, tần suất và mức độ của cuộc chiến chống tham nhũng đã dồn dập hơn, quyết liệt hơn, dữ dội hơn gấp bội so với những năm trước.
Theo đó, tháng 10/2016, Trung ương Đảng ra Nghị quyết số 04-NQ/TW, mở ra cuộc chỉnh đốn Đảng lớn chưa từng có trong vòng 3 thập kỷ qua, với hàng loạt cán bộ cao cấp thuộc diện Trung ương quản lý bị xử lý kỷ luật, cho đến nay, con số này đã lên đến gần 100 người; trong đó có 21 cán bộ Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng (hai Ủy viên Bộ Chính trị), 22 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang…
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước phát đi mệnh lệnh, “gột rửa từ trên xuống”, “không có vùng cấm, không có đặc quyền, không có ngoại lệ, không chịu sức ép của bất cứ tổ chức, cá nhân nào”.
Người đứng đầu Đảng và Nhà nước nhấn mạnh yêu cầu, “mặc dù khối lượng công việc lớn, nhiều việc khó, lại chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp, nhưng cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực không được chững lại trong bất cứ hoàn cảnh nào và sắp tới phải làm mạnh hơn nữa”.
Chống “giặc” tham nhũng đã vừa có được những bước đi dài. Càng được lòng dân, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng càng canh cánh nỗi lo “giữ lửa” và hầu như phiên họp nào của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, ông cũng nhấn mạnh đến yêu cầu này.
Trong các cuộc tiếp xúc với cử tri thành phố Hà Nội, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nêu rõ: "Đấu tranh phòng chống tham nhũng vừa qua có nhiều cố gắng, kết quả tốt, không chỉ trong nước mà dư luận quốc tế hoan nghênh, nhưng còn nhiều việc phải làm. Đây là cuộc đấu tranh lâu dài, gian khổ, phức tạp, vì không phải đấu tranh với bên ngoài, với người khác, mà đấu tranh với chính chúng ta, trong từng con người chúng ta. Như các bác đã nói một số ý rất hay, không chỉ Đảng làm, nên luật pháp hóa, cả hệ thống chính trị, toàn dân làm mới thành công và cái này còn lâu dài".
(Còn nữa)