Quyết liệt chuyển đổi số trong công tác Đảng
Chuyển đổi số giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao Ngành Giáo dục Hà Nội tiên phong thực hiện chuyển đổi số Cán bộ Đoàn quận Tây Hồ thi tài năng “chuyển đổi số” |
Tiên phong đi trước, mở đường
Chuyển đổi số trong công tác đảng là vấn đề mới, chưa có nhiều mô hình để nghiên cứu, học tập nhưng cũng không thể chậm trễ. Với sứ mệnh “đi trước, mở đường”, ngành Tuyên giáo Thủ đô đã tiên phong trong chuyển đổi số, coi đây là cơ hội để đổi mới hoạt động.
Năm 2021, Ban Tuyên giáo Quận ủy Tây Hồ là đơn vị đi đầu trong phát hành Bản tin nội bộ hằng tháng theo hình thức quét mã QR - tích hợp với triển khai lấy phiếu thăm dò ý kiến nhằm giúp cán bộ, đảng viên thuận tiện nắm bắt tình hình, còn người dân thì tiếp cận nhanh hơn các chỉ đạo từ quận đến cơ sở. Đây là hướng đi mới trong việc tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Từ những kết quả đạt được qua việc tích hợp lấy phiếu thăm dò bằng quét mã QR, Ban Tuyên giáo Quận ủy tiếp tục lấy ý kiến người dân qua nhóm Zalo về các vấn đề liên quan đến cải cách thủ tục hành chính.
Tại huyện Đông Anh, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyên giáo mang lại những hiệu quả thiết thực. Huyện ủy đã sử dụng đường truyền trực tuyến trong việc quán triệt, phổ biến các chỉ thị, nghị quyết của Đảng; Ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục truyền thống lịch sử, số hóa sách lịch sử đảng bộ các xã, thị trấn và các ngành. Ban Tuyên giáo Huyện ủy cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong định hướng nắm bắt dư luận xã hội. Nhờ đó, các văn bản chỉ đạo, định hướng được nhanh chóng hơn, thông tin 2 chiều kịp thời, lan tỏa rộng hơn và điểm nổi bật là tạo sự năng động, sáng tạo trong công việc của cán bộ tuyên giáo.
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong phát biểu chỉ đạo tại hội nghị tập huấn triển khai Kế hoạch số 121-KH/TU ngày 22/12/2022 của Ban Thường vụ Thành ủy về việc triển khai và ứng dụng phần mềm “Sổ tay đảng viên điện tử” |
Mới đây nhất, cuối tháng 12/2022, Quận ủy Bắc Từ Liêm chính thức cho ra mắt sách nói “Thông tin tuyên truyền điện tử quận Bắc Từ Liêm”, được cán bộ, đảng viên và Nhân dân đánh giá cao. Theo Trưởng Ban Tuyên giáo Quận ủy Bắc Từ Liêm Dương Ngọc Thanh, ấn phẩm này ra mắt nhằm nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt tổ dân phố thông qua việc truyền tải chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; Tuyên truyền các ngày lễ, kỷ niệm, sự kiện chính trị quan trọng, các hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, TP và quận đến Nhân dân nhằm triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị trên địa bàn.
Theo Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Đinh Thị Lan Duyên, chuyển đổi số trong ngành Tuyên giáo là công việc khó, chưa có nhiều mô hình để nghiên cứu, học tập nhưng không thể chậm trễ. Trên cơ sở đánh giá thực trạng đội ngũ, năng lực thiết bị, xác định các mục tiêu hệ sinh thái số ngành Tuyên giáo cần hướng đến, Ban Tuyên giáo Thành ủy đã chủ động xây dựng lộ trình thực hiện chuyển đổi số với các mục tiêu và giải pháp cụ thể.
Trong đó, Ban đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và nhân rộng mô hình áp dụng vào các nhiệm vụ công tác tuyên giáo, góp phần tiêu chuẩn hóa, quy trình hóa nghiệp vụ, từng bước đáp ứng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Trên cơ sở đó, cán bộ, công chức, nhân viên Ban Tuyên giáo Thành ủy tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tham mưu, phát huy hiệu quả trong các lĩnh vực công tác tuyên giáo nhằm tăng cường chỉ đạo, định hướng tuyên truyền toàn diện các mặt đời sống chính trị, xã hội, tình hình Thủ đô, trong nước và quốc tế.
Từ những kết quả đạt được, trong thời gian tới, Ban Tuyên giáo Thành ủy tiếp tục nghiên cứu triển khai một số giải pháp chuyển đổi số dựa trên các trụ cột: Trang bị kỹ năng số, phương tiện số và văn hóa số; Chuyển hầu hết các hoạt động chuyên môn lên không gian số; Xây dựng các phần mềm tổ chức Hội thi tìm hiểu, bài thu hoạch bằng hình thức online, sau khi học tập, nghiên cứu các nghị quyết, văn bản của Đảng; Cập nhật lý luận, kiến thức mới, sinh hoạt chính trị, các ấn phẩm lịch sử Đảng lên hạ tầng kỹ thuật số.
Tiến tới số hóa công tác Đảng
Những ngày này, các Đảng bộ trực thuộc Thành ủy Hà Nội đang tích cực triển khai ứng “Sổ tay đảng viên điện tử TP Hà Nội” dụng trên điện thoại thông minh. Cán bộ, đảng viên cơ sở, ngay cả những đồng chí cao tuổi đều hồ hởi khi sử dụng “cuốn cẩm nang” quan trọng này. Một số Đảng bộ đã có cách làm sáng tạo, bài bản, như lập danh sách các đảng viên hiện có, các đảng viên có điện thoại thông minh đủ điều kiện để cài đặt, thành lập các nhóm Zalo hỗ trợ việc cài đặt, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai cài đặt và sử dụng phần mềm.
Là một trong những đơn vị thực hiện sớm nhất, đến nay, quận Long Biên đã có hơn 13.000 đảng viên thuộc Đảng bộ quận cài đặt thành công phần mềm “Sổ tay đảng viên điện tử”, tỷ lệ so với tổng số đảng viên (không tính đảng viên là Công an và đảng viên được miễn sinh hoạt đảng) là trên 100%.
Thanh niên quận Long Biên hướng dẫn các đảng viên cao tuổi cài đặt và sử dụng ứng dụng “Sổ tay đảng viên điện tử” |
Để đạt được kết quả cao nhất, một số Đảng bộ phường đã tổ chức “Ngày hội ra quân” hỗ trợ cài đặt phần mềm. Nhiều tổ chức cơ sở đảng đã chủ động, sáng tạo trong việc chỉ đạo, đôn đốc, kiểm soát số lượng đăng ký và hướng dẫn các chi bộ tổ chức thực hiện. Đối với các trường hợp đảng viên cao tuổi, có khó khăn trong việc cài đặt, đăng ký, Đảng ủy các phường đã chỉ đạo Đoàn Thanh niên, công chức cơ sở, giáo viên trực tiếp hỗ trợ tại nhà đảng viên, bảo đảm số lượng đăng ký đạt cao nhất và đúng tiến độ thời gian.
Hoàng Mai là một trong 9 đơn vị được lựa chọn thí điểm lần này. Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Hoàng Mai Nguyễn Xuân Phong cho biết, sau khi nhận được chỉ đạo của Thành ủy, quận đã ban hành kế hoạch và tập huấn cho khoảng 1.000 người. Trong đó, mỗi bí thư chi đoàn sẽ hướng dẫn cho một bí thư chi bộ, hỗ trợ việc cài đặt tài khoản cho các đảng viên cao tuổi không thạo việc ứng dụng công nghệ. Trên địa bàn quận hiện có 19.650 đảng viên, đến đầu tháng 2/2023 đã có 98% số đảng viên thực hiện xong việc cài đặt tài khoản.
Theo kế hoạch, “Sổ tay đảng viên điện tử” sẽ được triển khai đồng bộ trong toàn Đảng bộ TP từ tháng 4/2023. Đặc biệt, song song với “Sổ tay đảng viên điện tử”, Hà Nội còn triển khai phần mềm “Điều hành tác nghiệp quản lý đảng viên”.
Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Vũ Đức Bảo khẳng định: Phần mềm “Điều hành tác nghiệp quản lý đảng viên” phối hợp với phần mềm “Sổ tay đảng viên điện tử” sẽ triển khai các nhiệm vụ, thông tin tới chi bộ và từng đảng viên trong toàn Đảng bộ, qua đó thực hiện cải cách hành chính, giảm thiểu giấy tờ, giảm thời gian đi lại giữa các đơn vị; Là kênh thông tin, trao đổi về chuyên môn, nghiệp vụ trong hệ thống...
Ngoài ra, trong năm 2023, Thành ủy Hà Nội cũng sẽ chỉ đạo triển khai nâng cấp phần mềm “Quản lý văn bản - Điều hành tác nghiệp”. Tất cả đang hướng tới mục tiêu thực hiện số hóa các tài liệu, hồ sơ của đảng viên với mức độ bảo mật cao nhất; Đặc biệt là nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo và sức chiến đấu của các cấp ủy Đảng và nâng cao chất lượng đảng viên.
Theo Nghị quyết 18-NQ/TU của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về chuyển đổi số, xây dựng TP thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Hà Nội đặt ra mục tiêu đến năm 2025 thuộc nhóm 5 địa phương dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số; Đến năm 2030, thuộc nhóm 3 địa phương dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số... Thành ủy Hà Nội xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, trong đó cấp ủy Đảng, nhất là người đứng đầu phải chủ động, tích cực vào cuộc chỉ đạo triển khai thực hiện chuyển đổi số trong hệ thống chính trị. Các cấp ủy Đảng, chính quyền, người đứng đầu các cấp trực tiếp chủ trì, lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chuyển đổi số trên địa bàn, lĩnh vực quản lý; Xây dựng, ban hành và tổ chức triển khai kế hoạch chuyển đổi số, gắn với chương trình, mục tiêu, nhiệm vụ... Các ban Đảng Thành ủy cần chủ động, quyết liệt hơn nữa để đảm bảo số hóa thành công.
Là cơ quan thường trực, chủ trì tham mưu nhiều nội dung về “số hóa” trong công tác Đảng, Ban Tổ chức Thành ủy đã chỉ đạo vận hành 4 phần mềm, đó là: Cơ sở dữ liệu đảng viên 3.0; Quản lý văn bản và điều hành tác nghiệp của ban; Đánh giá cán bộ, công chức hằng tháng; Quản lý hồ sơ cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý. Các ngành Kiểm tra, Nội chính, Dân vận TP cũng đang triển khai nhiều nội dung nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào các nhiệm vụ công tác nhằm tiêu chuẩn hóa, quy trình hóa nghiệp vụ, trước hết là phối hợp nhằm “số hóa” công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo...
Với sự quyết liệt, quyết tâm trên, năm 2023 sẽ làm nên dấu ấn về chuyển đổi số trong công tác Đảng của TP Hà Nội.