Ra mắt hai cuốn sách thiếu nhi của nhà văn Tạ Duy Anh
![]() |
Bìa hai cuốn sách "Hiệp sĩ áo cỏ" và "Phép lạ" của nhà văn Tạ Duy Anh
Truyện vừa "Phép lạ" kể về chuyến nghỉ hè của một cô bé thành phố yếu ớt bị bệnh tim bẩm sinh, từ nhỏ vốn luôn phải nép mình trong những quy tắc nghiêm ngặt về môi trường sống, hạn chế tiếp xúc với bên ngoài ồn ào phức tạp.
Nhân một “sáng kiến” của bố, sau khi đã phải đấu tranh thuyết phục chật vật với mẹ, cô bạn nhỏ được về quê nội, một làng quê nhỏ xinh mà ẩn sau mỗi giếng nước cây đa, mỗi nếp nhà liếp vườn và đồng ruộng mênh mông là cả một kho chuyện kỳ bí thú vị.
![]() |
Lần đầu tiên khám phá quê hương, với “bè lũ” anh chị em lít nhít, bên cạnh những trò nghịch ngợm thần sầu quỷ khốc mà khi tham gia vào đó cô bé vượt qua chứng yếu tim lúc nào không hay; còn là dịp để cô thấu hiểu hơn về những mảnh đời nhiều màu nhiều vẻ, trong đó có không ít những cô bé cậu bé rất cần đến sự đổi thay lớn lao chỉ để có thể được vui sống bình thường như mọi đứa trẻ trên đời.
“- Chị có tin vào phép lạ không?
- Chị đang thấy phép lạ, - Nó đáp - và em xứng đáng được hưởng.
- Em... tin vào lòng tốt hơn...
Nó mỉm cười như một người đã trưởng thành.” (Trích "Phép lạ")
Hòa mình vào thiên nhiên thôn dã, trong vòng tay yêu thương chân chất của bè bạn họ hàng, đến khi trở lại thành phố, cô bé thực sự đã trưởng thành và khỏe mạnh, giúp đỡ được mọi người, đến nỗi bố mẹ và bác sĩ của cô phải kinh ngạc và trầm trồ về một phép lạ.
"Hiệp sĩ áo cỏ" là một truyện đồng thoại rất có phong vị riêng, cá tính và hóm hỉnh. Từ những mô tả chi tiết và sinh động sinh hoạt của các con thú ở đồng cỏ, với trí tưởng tượng và liên tưởng tinh tế và độc đáo, tác giả dựng nên một xã hội thu nhỏ trong đó có người tốt kẻ xấu, người thật thà kẻ mưu mẹo, người ngay kẻ gian...
![]() |
Tác giả cũng đặc tả cuộc chiến chống lại cái ác, đại diện là bọn Diều hâu bắt cóc trẻ con, tác giả đề cao tinh thần hiệp sĩ, can đảm, kiên định và hào hiệp của hai nhân vật chính Lang Đen và Lang Trắng, trong hành trình tiêu diệt Diều hâu và bảo vệ bọn trẻ...
Trong cả hai tác phẩm, nhà văn Tạ Duy Anh nhấn mạnh vào khía cạnh giáo dục tinh thần trẻ. Có thể nhận thấy rõ, bên cạnh lòng yêu trẻ, nhà văn luôn mong mỏi về một lớp trẻ “búp trên cành” trong sáng và khỏe mạnh, yêu thiên nhiên, sống nhân hậu và biết phân biệt phải trái. Sách, ở mọi thế hệ, luôn là người bạn tốt nhất của tuổi thơ.
“Hai hiệp sĩ, sau nỗi vất vả đường xa trở về đã thấu hiểu tất cả. Hai hiệp sĩ bèn đi khắp đồng cỏ tìm từng đứa bé thất tán sau cuộc tao loạn, dạy chúng bằng câu chuyện cổ tích về đồng cỏ. Những năm về sau mưa thuận, gió hòa, thiên hạ thái bình và câu chuyện buồn kia chỉ còn lưu trong sách giáo khoa dạy trẻ con. Ngày nay dân gian ở vùng ấy vẫn truyền tụng huyền thoại về cuộc đời của hai ngài hiệp sĩ mà tài đức từng sáng cả trời đất. Người ta còn kể rằng, về cuối đời hai hiệp sĩ hóa thành đôi Thiên nga trắng, bay về phía mặt trời". (Trích "Hiệp sĩ áo cỏ")
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Văn nghệ sĩ thổi bùng ngọn lửa truyền thống, khát vọng phát triển

Triển lãm mỹ thuật kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất đất nước

TP Hồ Chí Minh vinh danh 50 tác phẩm văn học, nghệ thuật

Thiết lập quan hệ quốc tế để phát triển nhạc kịch Việt Nam

Nhiều văn nghệ sĩ sẽ tham gia diễu hành ở TP Hồ Chí Minh

Hơn 1.000 ca sĩ, diễn viên mở màn nghệ thuật Lễ kỷ niệm 30/4

Cầu truyền hình đặc biệt “Vang mãi khúc khải hoàn”

Trân quý cống hiến của cha ông với "Khúc ca hòa bình"

Thúc đẩy giao lưu văn hóa Hàn - Việt
