Ra mắt tác phẩm thể hiện góc nhìn thú vị về những người yêu sách
Ấn hành tác phẩm "Nghìn lẻ một đêm" do nhà báo, dịch giả Phan Quang chuyển ngữ |
Đứng sau quầy thu ngân, tác giả Shaun Bythell đã phân loại các khách hàng dạo quanh hiệu sách của anh ở Wigtown. Những người này gồm "Chuyên gia" (được phân chia nhỏ hơn, từ kiểu người "Nhàm chán" cho tới kiểu người "Hữu ích"), "Gia đình trẻ" (từ "Kiệt sức" cho tới "Đầy nhiệt huyết"), "Người thần bí" (từ "Người theo thuyết âm mưu" tới "Người đam mê đồ thủ công").
Rồi còn có "Người lang thang", "Người đã về hưu có râu", "Du khách ồn ào" và "Nhà sử học gia đình". Sau cùng là kiểu "Nhân viên" và "Khách hàng hoàn hảo", tất cả tạo nên một trong những cuốn sách hài hước nhất mà độc giả có thể tìm được.
Cuốn sách "Bảy kiểu người tôi gặp trong nhà sách" |
Yếu tố không kém phần quan trọng là kĩ năng viết của tác giả mang lại cho người đọc sự hiểu biết sâu sắc về lĩnh vực kinh doanh sách nói chung và sách cũ nói riêng. Rõ ràng tác giả đã dành nhiều thời gian nghiên cứu những kiểu người khác nhau lang thang trong cửa hàng của mình. Anh mô tả họ với sự hài hước và dí dỏm. Tuy cuốn sách chủ yếu tập trung vào những kiểu người trên, nhưng người đọc vẫn hiểu được phần nào công việc kinh doanh của ông.
Khách đến hiệu sách được chia thành 7 kiểu người. Đôi khi khách hàng sử dụng hiệu sách như một dịch vụ trông trẻ, hoặc đơn giản là để đưa con họ đi chơi trong một hoặc hai giờ. Kiểu "Chuyên gia" thích giáo dục bất kì ai đang lắng nghe họ. Một số "Người thần bí" thích thuyết âm mưu, ma quái và đọc bài tarot.
Những khách hàng khác thực sự không có mục đích đi chơi ở hiệu sách nhưng họ không còn nơi nào khác để đi và chắc chắn họ không ở đó để mua sách. Ngoài ra còn có "Nhà sử học gia đình", đây là kiểu khách hàng khá kì quặc. Họ là những người Mỹ gốc Scotland, họ đến hiệu sách để tìm hiểu về lịch sử gia đình khi tổ tiên của họ là người Scotland và mong đợi nhân viên cửa hàng sách có thể hiểu rõ về lịch sử gia đình mình.
Bên cạnh đó, cuốn sách cũng đề cập đến một kiểu người đặc biệt thú vị khác, đó là "Nhân viên". Bạn đọc sẽ thấy thu hút bởi những người làm việc trong hiệu sách, gồm các sinh viên với những kiến thức đa dạng về việc kinh doanh sách. Hơn nữa, tác giả Shaun Bythell còn mô tả cả những "Người bán sách cũ" và "Người quản lí cửa hàng". Họ cảm thấy mệt mỏi khi phải trả lời 12 câu hỏi giống hệt nhau mỗi ngày...
Cuối cùng, tác giả đưa ra một số nhận xét tích cực về khách hàng của mình, đặc biệt là "Người hâm mộ khoa học viễn tưởng", những người không bao giờ gây thất vọng cho ông.
Với con mắt quan sát độc đáo và giọng văn hài hước, Shaun Bythell khiến tác phẩm trở thành cuốn sách hoàn hảo cho bất kì ai yêu sách và yêu những hiệu sách. Cuốn tự truyện thú vị này được Shaun Bythell viết trong những ngày giãn cách của đại dịch Covid-19 và nó như một lời cảm ơn chân thành của tác giả đối với các khách hàng của anh, những người mà sẽ giúp cho những cửa hàng sách thú vị có thể tồn tại vượt qua cuộc khủng hoảng. Cuốn sách cũng là một món quà thú vị dành cho những người yêu sách.
Shaun Bythell là chủ của The Bookshop, hiệu sách cũ lớn nhất ở Scotland. Với giọng văn hài hước và phong cách mới lạ, sách của anh nằm trong số những cuốn sách bán chạy nhất theo bình chọn của tờ Sunday Times. Bên cạnh cuốn "Bảy kiểu người tôi gặp trong hiệu sách", hai cuốn sách bán chạy khác của "Shaun là The Diary of a Bookseller" (tạm dịch: Nhật kí của một chủ hiệu sách) và "Confessions of a Bookseller" (tạm dịch: Tự thú của một chủ hiệu sách) đã được dịch sang hơn 20 thứ tiếng. |