Rằm tháng 7, cẩn thận với "giặc lửa" do thắp hương, đốt vàng mã
Tình hình cháy nổ tiếp tục phức tạp
Thờ cúng, đốt vàng mã là truyền thống văn hóa tâm linh của người Việt từ xa xưa đến nay, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán, Rằm tháng Giêng, Rằm tháng 7 người dân có xu hướng làm lễ lớn, đốt nhiều vàng mã để tỏ lòng tưởng nhớ, tri ân tổ tiên, người đã khuất.
Tuy nhiên, thời gian qua trên địa bàn Hà Nội đã xảy ra nhiều vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Gần đây nhất là khoảng 10h30 sáng 27/7, một số người dân phát hiện lửa trong ngôi nhà 5 tầng có địa chỉ số 2 ngõ 20 đường Trần Quý Kiên, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.
Ngay khi phát hiện cháy, mọi người đã hô hoán, đồng thời sử dụng các phương tiện chữa cháy tại chỗ để phá cửa, dập lửa. Theo một số người dân, lửa khởi phát từ phòng thờ, lan ra nhiều vật dụng và cháy lớn. Nhận được tin báo, lực lượng cảnh sát PCCC và CNCH đã điều động 4 xe chuyên dụng cùng nhiều cán bộ, chiến sỹ đến hiện trường, phun nước dập lửa.
Đến khoảng 11h30, hỏa hoạn được khống chế, không để vụ cháy lan rộng. Tại hiện trường, nhiều vật dụng ở tầng 4 bị thiêu rụi, sức nóng làm cửa kính vỡ tung, rơi xuống đất. Tầng 5 (tầng tum) bị ám khói đen do lửa bao trùm.
Trước đó vào khoảng 4h20 sáng 3/7, lửa bùng lên tại tầng 1 của ngôi nhà 4 tầng vừa ở vừa kinh doanh đồ chơi, xe điện, xe đạp tại phố Tô Hiệu, phường Dịch Vọng (quận Cầu Giấy, Hà Nội). Phát hiện khói, lửa, người đi đường hô hoán và thông báo cho lực lượng chức năng. 4 người ở trong ngôi nhà đã thoát ra ban công tầng 3 rồi trèo sang nhà bên cạnh.
Lực lượng cảnh sát PCCC và CNCH Công an quận Cầu Giấy đã huy động 4 xe chữa cháy đến hiện trường. Lúc này cửa cuốn tầng 1 vẫn đóng kín, bên trong có nhiều hàng hóa, xe máy. Cảnh sát phải sử dụng máy cắt để phá cửa, phun vòi rồng dập lửa.
Vụ cháy ở 207 phố Định Công Hạ, phường Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội đã cướp đi sinh mạng của 4 người trong một gia đình |
Còn nhớ, chiều 16/6, một vụ hoả hoạn nghiêm trọng đã xảy ra tại ngôi nhà vừa ở vừa kinh doanh vật liệu xây dựng có địa chỉ số 207 phố Định Công Hạ, phường Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Vụ cháy đã cướp đi sinh mạng của 4 người trong một gia đình, đồng thời tiếp tục dóng lên hồi chuông cảnh báo về nguy cơ cháy nổ cũng như những thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về người và tài sản.
Thống kê của Công an TP Hà Nội cho thấy, trong 6 tháng đầu năm, trên địa bàn thành phố xảy ra 594 vụ cháy làm 20 người chết, 9 người bị thương, ước tính thiệt hại 5,1 tỷ đồng, trong đó có 4 vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng. So với cùng kỳ năm 2023 số vụ cháy tăng hơn 76%; tăng 15 người chết. Số vụ cháy nhà, công trình, cơ sở chiếm gần 75% tổng số vụ cháy.
Nguyên nhân cháy do sự cố hệ thống, thiết bị điện chiếm trên 73%; còn lại là các nguyên nhân do sơ suất khi sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt trên 10%; do vi phạm về quy định phòng cháy chữa cháy 0,34% và các nguyên nhân khác. Lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH trực tiếp triển khai chữa cháy 289 vụ chiếm trên 48% tổng số vụ cháy. Hơn 51% số vụ cháy còn lại do lực lượng tại chỗ dập tắt...
Trước diễn biến phức tạp về tình hình cháy nổ, lãnh đạo thành phố Hà Nội đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết, công văn tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với công tác PCCC và CNCH trên địa bàn thành phố Hà Nội trong tình hình mới.
Cùng với đó, TP Hà Nội triển khai đầu tư trên 670 trụ nước chữa cháy và 31 hố thu nước chữa cháy trên địa bàn 7 quận nội thành (Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Ba Đình, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Nam Từ Liêm), thời gian thực hiện đến năm 2025; xây dựng, duy trì 86 mô hình an toàn về PCCC và CHCN, phát động các phong trào mở lối thoát nạn thứ 2; thành lập trên 8.500 tổ liên gia an toàn phòng cháy chữa cháy... ; xây dựng trên 23.600 điểm chữa cháy công cộng tại các ngõ sâu trên 50 mét.
Cán bộ Đội Cảnh sát PCCC và CHCN Công an quận Hoàn Kiếm phối hợp với phường Hàng Mã thường xuyên kiểm tra, tuyên truyền phòng cháy tại các hộ kinh doanh |
Phòng cháy phải thường xuyên liên tục
Trao đổi với PV báo Tuổi trẻ Thủ đô về công tác tuyên truyền PCCC và CNCH tại địa bàn quận Hoàn Kiếm, một chỉ huy Đội Cảnh sát PCCC và CNCH Công an quận Hoàn Kiếm cho biết: "Không chỉ có dịp lễ, tết chúng tôi mới tuyên truyền, kiểm tra phòng cháy mà công tác này được thực hiện thường xuyên, liên tục trong thời gian qua.
Cán bộ của Đội đã nắm tình hình, điều tra cơ bản về PCCC, trên cơ sở đó chủ động báo cáo Ban Chỉ huy Công an quận tham mưu Quận ủy, UBND quận triển khai đầy đủ, toàn diện và hiệu quả các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của cấp trên trong công tác PCCC và CNCH trên địa bàn quản lý.
Nổi bật là, tham mưu UBND quận ban hành và triển khai thực hiện Kế hoạch tuyên truyền, hướng dẫn triển khai phương án chữa cháy, thoát nạn tại nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh và nhà ở hộ gia đình trên địa bàn quận. Đây là kế hoạch đã góp phần giải quyết được nhiều khó khăn, hạn chế cũng như mang tính chiến lược, lâu dài trong công tác PCCC và CNCH trên địa bàn quận.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng luôn bám sát chỉ đạo của cấp trên, chủ động phối hợp, hướng dẫn cơ sở tổ chức kiểm tra an toàn phòng cháy, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định về phòng cháy; triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, quyết liệt đợt cao điểm tổng rà soát, kiểm tra an toàn PCCC và CNCH đối với nhà trọ theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP Hà Nội.
Công an quận phối hợp kiểm tra, xử lý vi phạm quy định về PCCC đối với các cơ sở nguy cơ cháy nổ cao trên địa bàn như: Bãi trông giữ xe; các cơ sở đình, đền, chùa; karaoke, nhà hàng; các hộ gia đình để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn…
Công an quận tuyên truyền, xây dựng phong trào toàn dân tham gia PCCC và CNCH với nhiều hình thức, cách làm hay, phong phú, đa dạng, như: Triển khai các buổi tuyên truyền PCCC, niêm yết tờ rơi, khuyến cáo, phát loa tuyên truyền về PCCC và CNCH, vận động mở lối thoát nạn thứ 2, tuyên truyền qua các nhóm Zalo, trang Facebook đến các cơ sở, hộ gia đình, hộ kinh doanh, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn quản lý; tổ chức tuyên truyền, trải nghiệm kiến thức PCCC tại tuyến phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm.
UBND phường Cửa Đông đưa nghiệp vụ chữa cháy cơ sở vào thi đấu thể thao |
Nhiều phường trên địa bàn quận đã luôn chủ động tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh, tờ rơi, khuyến cáo cảnh báo để người dân hiểu và nắm được các quy định về phòng cháy, trở thành điểm sáng trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc như phường Cửa Đông".
Phường Cửa Đông tổ chức tuyên truyền phòng cháy vào buổi tối để nhiều người có thời gian tham gia |
Để phòng tránh hỏa hoạn trong dịp lễ vu lan rằm tháng bảy, Đội Cảnh sát PCCC và CHCN đã phân công cán bộ thường xuyên bám địa bàn, phối hợp với chính quyền, cảnh sát khu vực tăng cường kiểm tra, tuyên truyền, cảnh báo chủ cơ sở kinh doanh, người đứng đầu các đơn vị, chủ hộ gia đình về phòng cháy; kịp thời xử lý và hạn chế thấp nhất thiệt hại khi cháy nổ xảy ra.
Cùng với quận Hoàn Kiếm, thời gian qua các cơ quan chức năng cũng đã tuyên truyền, khuyến cáo phòng ngừa hỏa hoạn do thắp hương thờ cúng, đốt vàng mã chủ yếu xuất phát từ những nguyên nhân như: Việc bố trí bàn thờ, lư hương gần các vật liệu dễ cháy, không đảm bảo khoảng cách an toàn về PCCC; thắp quá nhiều chân hương hoặc bố trí vàng mã gần lư hương, đèn dầu, nến nên dễ gây cháy lan, cháy lớn.
Nơi đốt vàng mã gần với các vật liệu dễ cháy, trong quá trình thắp hương thờ cúng, đốt vàng mã không có người trông coi, nguy cơ cháy lan qua các vật dụng dễ cháy xung quanh, nếu phát hiện cháy muộn, việc chữa cháy ban đầu của người dân sẽ không hiệu quả dẫn đến cháy lan, cháy lớn… Để đảm bảo an toàn PCCC trong việc thắp hương thờ cúng, đốt vàng mã vào dịp rằm tháng bảy, người dân cần nâng cao ý thức chấp hành các quy định về PCCC; tuân thủ việc đốt vàng mã tại nơi quy định.