Sắc cờ đỏ trên vùng đất cố đô
Rợp sắc đỏ đón mừng Quốc khánh 2/9 Thông báo treo cờ Tổ quốc dịp 19/8 và Quốc khánh 2/9 Áo dài Huế trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia |
Lá cờ Tổ quốc phấp phới tung bay trên đỉnh Kỳ đài Đại nội Huế (Ảnh Đ.Minh) |
Những ngày cuối tháng 8, tại Thừa Thiên - Huế từ những con phố chính đến những con đường bê tông nông thôn tràn ngập sắc cờ đỏ sao vàng thẳng hàng, tung bay phấp phới, tạo nên không khí vui tươi trong ngày trọng đại của dân tộc, chào mừng kỷ niệm 79 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9.
Mỗi năm luôn có một ngày, một ngày thật đặc biệt và ý nghĩa đối với những người con đất Việt, đó là ngày Quốc khánh 2/9 hay còn gọi thân thương là Tết Độc lập, bởi ngày Tết ấy là biểu tượng cho sự hòa bình, độc lập và tự do, trong trái tim mỗi người Việt Nam lại bùng lên những cảm xúc thiêng liêng, niềm kiêu hãnh và lòng tự hào dân tộc.
Những tấm panô có kích thước lớn được dựng lên tại các tuyến phố, các địa điểm công cộng có đông người qua lại, nhắc nhớ về không khí đấu tranh và giành chính quyền về tay cách mạng của 79 năm trước.
Ngọ Môn - biểu tượng kiến trúc cung đình Huế |
Theo người dân, việc treo cờ, băng rôn, khẩu hiệu vào mỗi dịp trọng đại của đất nước không chỉ là trang hoàng, làm đẹp đường phố mà còn thể hiện niềm tự hào về những năm tháng chiến đấu, hy sinh của toàn quân và toàn dân để giành lại độc lập dân tộc, toàn vẹn lãnh thổ.
Tại thành phố Huế, gần 8 thập kỷ qua, lá cờ đỏ sao vàng phấp phới tung bay trên đỉnh Kỳ đài - Đại Nội Huế là biểu tượng thiêng liêng gắn liền với lịch sử đấu tranh của Nhân dân Thừa Thiên - Huế, giữ vững độc lập dân tộc và công cuộc đổi mới phát triển của đất nước.
Kỳ đài nằm vị trí trung tâm thành phố Huế, chứng kiến bao sự đổi thay của đất nước qua từng giai đoạn lịch sử. Đây là một trong những công trình triều Nguyễn nằm trong hệ thống di sản được UNESCO công nhận Di sản văn hóa thế giới năm 1993. Hằng năm, đến các ngày lễ quan trọng, lá cờ Tổ quốc trên Kỳ đài sẽ được thay mới, đặc biệt dịp lễ Quốc khánh 2/9.
Khách du lịch tham quan Đại Nội Huế |
Đại diện Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế cho biết, để giữ được màu tươi và không bị rách do thời tiết mưa nắng, đơn vị phân công nhiệm vụ cho 4 nhân viên bảo vệ thuộc Tổ bảo vệ Kỳ đài (tổ 6 người) có khả năng trèo cao và cẩn trọng chuyên làm nhiệm vụ chăm sóc, bảo quản, treo và hạ cờ Tổ quốc dài 12m, rộng 9m ở cột cờ Kỳ đài.
Vừa cẩn thận kéo lá cờ Tổ quốc treo trước hiên nhà, anh Mai Văn Lợi (trú phường Phước Vĩnh, TP Huế) chia sẻ: “Tôi sinh ra và lớn lên khi đất nước đã hòa bình, chỉ biết chiến tranh qua sách báo, những bộ phim tài liệu và những câu chuyện đặc biệt của ông bà kể lại. Những ký ức đau thương, sự hy sinh anh dũng của các thế hệ cha anh đó khiến thế hệ trẻ như tôi càng khâm phục, trân trọng những giá trị của ngày Tết Độc lập”.
“Đối với những người trẻ, những người được sinh ra trong hòa bình, họ chỉ biết về mùa thu Độc lập qua những câu chuyện kể của ông bà, cha mẹ. Sự kiện ngày độc lập vẫn luôn sống động, gần gũi khi trở thành nét văn hóa thường niên, nhắc nhở thế hệ sau về đạo lý uống nước nhớ nguồn, có trách nhiệm đối với lịch sử dân tộc. Bằng nhiều cách khác nhau, thế hệ trẻ chúng tôi đã đang thể hiện tình yêu đất nước theo những cách riêng, từ những công việc đơn giản, thiết thực nhất” anh Lợi bộc bạch.
Không chỉ trong nước, nhiều bạn trẻ đang sinh sống, học tập tại nước ngoài đều bày tỏ cảm xúc tự hào trong ngày Quốc khánh 2/9. Cát Tường (SN 2001) du học sinh tại Mỹ chia sẻ: “Đây là năm thứ 2 em tham dự ngày lễ Quốc khánh 2/9 cùng với cộng đồng người Việt ở đây. Đối với em, Quốc khánh của Việt Nam là ngày vô cùng thiêng liêng, bởi để có ngày tuyên bố Việt Nam là nước độc lập, đất nước ta đã trải qua một chặng đường rất dài với sự đấu tranh và hy sinh của biết bao thế hệ”.
Ngày Quốc khánh 2/9 được xem là một cột mốc chói lọi trong hành trình nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, dù thời gian đã trôi qua nhưng những chiến tích vẻ vang của dân tộc vẫn còn mãi với thời gian, với bản tuyên ngôn độc lập bất hủ mà các thế hệ sẽ không thể nào quên.
Những lá quốc kỳ đỏ thắm được Nhân dân Thừa Thiên - Huế trân trọng treo trước hiên nhà, không chỉ thể hiện sự tri ân với Tổ quốc trong những thăng trầm của lịch sử, mà còn là tinh thần yêu nước, tình đoàn kết dân tộc, là động lực để người dân hăng say thi đua lao động sản xuất, xây dựng đời sống văn hóa.