Sách giáo khoa lớp 1 mới chỉ có 8 cuốn bắt buộc
Ảnh minh họa |
Trước thềm năm học mới 2020 – 2021, nhiều phụ huynh bày tỏ “bối rối” trước các danh mục sách phải mua sắm cho con. Sách giáo khoa mới năm nay ghi nhận tăng từ 3 – 4 lần so với sách giáo khoa cũ.
5 bộ sách giáo khoa mới lớp 1 được sử dụng trong trường học được các nhà xuất bản bán với giá từ 179.000 - 199.000 đồng/bộ, trong khi bộ sách giáo khoa năm học 2019-2020 là 54.000 đồng/bộ.
Tuy nhiên, điều khiến phụ huynh băn khoăn là ngoài danh mục sách giáo khoa bắt buộc, có nhiều đầu sách thuộc danh mục sách tham khảo, sách bổ trợ cũng được kê vào. Chi số tiền gần 1 triệu đồng mua sách giáo khoa, đồ dùng học tập cho con vào lớp 1, chị Nguyễn Thị H (ở quận Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi thấy nhà trường kê những quyển nào thì mua nguyên như thế thôi vì năm nay chương trình mới, mỗi trường lại một bộ sách khác nhau nên cũng chẳng biết hỏi han, tham khảo ở đâu. Tôi cũng không được giải thích cụ thể đâu là sách giáo khoa (bắt buộc phải mua) và đâu là sách bổ trợ (không bắt buộc phải mua)”.
Tương tự, chị Q ở quận Tây Hồ, Hà Nội cũng cho biết: “Sách giáo khoa và đồ dùng học tập của con tôi mua hết hơn 700 nghìn đồng. Trong đó, bộ sách giáo khoa Cánh Diều của NXB Đại học Sư phạm và một số quyển trong bộ Kết nối tri thức với cuộc sống của NXB Giáo dục Việt Nam có giá khoảng 350.000 đồng, chưa kể các đồ dùng học tập khác. Chia sẻ lên các diễn đàn, chị Q còn “sốc” hơn khi biết ở nhiều địa phương khác, phụ huynh cũng phải bỏ ra số tiền tương tự, thậm chí nhiều hơn để mua sắm sách vở, đồ dùng học tập cho con năm nay.
Chị Q chia sẻ: “Ở thành phố lớn, tôi còn thấy giật mình thế này thì không hiểu ở vùng sâu vùng xa, những nơi khó khăn hơn, cha mẹ phải gồng mình lên thế nào khi con học sách mới?”.
Giải đáp những băn khoăn về sách giáo khoa, sách tham khảo lớp 1, TS Thái Văn Tài – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT) cho biết: Theo quy định, bộ sách giáo khoa lớp 1 mới (Chương trình giáo dục phổ thông 2018) có 8 cuốn bắt buộc và 1 môn tự chọn gồm: Toán, Tiếng Việt, Đạo đức, Tự nhiên - Xã hội, Giáo dục thể chất, Hoạt động Trải nghiệm, Âm nhạc, Mỹ thuật và sách Tiếng Anh tự chọn.
Ngoài các cuốn sách giáo khoa chính thức trên đây, những tài liệu bổ trợ tham khảo khác cho học sinh, phụ huynh có thể tự mua sắm theo nhu cầu thực tế và quyền tự chọn, không bắt buộc.
“Như vậy, ngoại trừ sách giáo khoa là bắt buộc, các tài liệu bổ trợ đều phải theo nhu cầu thực tế của việc dạy - học và trên tinh thần tự nguyện của phụ huynh, học sinh mà trang bị cho các em; nhà trường. Giáo viên không được ép buộc học sinh mua tài liệu tham khảo. Quy định này, các phụ huynh cần nắm rõ để việc phối hợp với nhà trường trong mua sắm sách và đồ dụng học tập cho con em”, TS Thái Văn Tài nhấn mạnh.
Trên thị trường hiện nay, nguồn cung các tài liệu tham khảo khá đa dạng và cho nhiều đối tượng, hoàn cảnh khác nhau. Vì vậy giáo viên, nhà trường cố gắng cung cấp thông tin một cách chính xác để phụ huynh học sinh trang bị đồ dùng, học liệu học tập cho học sinh sát nhu cầu, hỗ trợ tích cực việc dạy - học nâng cao hiệu quả, chất lượng.
Được biết, trong thời gian qua, Bộ GD&ĐT có nhiều công văn chỉ đạo: Công văn số 6176/TH về việc hướng dẫn thực hiện mục tiêu, kế hoạch dạy học lớp 1 theo chương trình và sách giáo khoa mới (chương trình hiện hành theo Quyết định số 16/2006/BGDĐT); Công văn số 6631/BGDĐT-GDTrh về việc sử dụng sách giáo khoa và tài liệu giảng dạy, học tập đều quy định rõ các cơ quan quản lí giáo dục, các trường không bắt buộc học sinh mua sách tham khảo, sách bổ trợ, các đơn vị liên quan phải thông báo rõ điều này cho giáo viên, học sinh và gia đình học sinh biết.
Điều lệ Trường Tiểu học ban hành kèm theo Thông tư số 41/2010/TT-BGDĐT tại Điều 28. SGK và tài liệu tham khảo cũng quy định rõ SGK là tài liệu bắt buộc sử dụng trong dạy và học theo Chương trình GDPT cấp tiểu học được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quy định. Nhà trường trang bị tài liệu tham khảo phục vụ cho hoạt động giảng dạy và nghiên cứu của giáo viên; khuyến khích giáo viên sử dụng tài liệu tham khảo để nâng cao chất lượng giáo dục. Mọi tổ chức, cá nhân không được ép buộc học sinh phải mua tài liệu tham khảo.
Như vậy, các văn bản hướng dẫn của Bộ đã rõ ràng, được ban hành sớm và thường xuyên cập nhật, nhắc nhở, quán triệt nội dung này, yêu cầu các trường thực hiện nghiêm, đúng theo quy định; đề nghị phòng GD&ĐT, sở GD&ĐT và cơ quan liên quan tại các địa phương cần tăng cường kiểm tra giám sát để nhà trường thực hiện đúng theo quy định.
Trường học nào đưa các loại sách, tài liệu không đúng quy định vào sử dụng hoặc bán cho phụ huynh học sinh là vi phạm. Người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra sai phạm trên.