Sân khấu Thủ đô sáng đèn, thắp lên nhiều triển vọng mới
NSND Trung Hiếu dựng "Làng song sinh" đưa sân khấu sáng đèn trở lại |
Sân khấu đã có những bước đi đầu khi từ giữa tháng 10 nhiều nhà hát đã sáng đèn trở lại. Tuần lễ kỷ niệm “100 năm sân khấu kịch nói Việt Nam” với hàng loạt vở diễn được trình diễn tại sân khấu Nhà hát Lớn thực sự là “màn trở lại” đầy ấn tượng, có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng nghệ sĩ.
Những vở diễn liên tiếp được dàn dựng, biểu diễn giúp cho hoạt động nghệ thuật ở Hà Nội sôi nổi, mang đến những tín hiệu vui |
Niềm vui của những người làm sân khấu Thủ đô như được thổi bùng lên sau những dồn nén của chuỗi ngày giãn cách. Nhà hát Lớn Hà Nội lại sôi nổi trong loạt hoạt động chào mừng, đặc biệt là những đêm diễn với những vở được đánh giá xuất sắc như: “Chén thuốc độc” (Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam), “Người tốt nhà số 5” (Nhà hát Kịch Việt Nam), “Ai là thủ phạm” (Nhà hát Tuổi trẻ), “Bạch đàn liễu” (Sân khấu Lucteam), “Phải có ba đồng” (Nhà hát Kịch Hà Nội), “Chí Phèo - Thị Nở” (Sân khấu Lệ Ngọc).
Không chỉ người làm nghề mà cả công chúng cũng cảm thấy phấn khích, như được tiếp thêm niềm tin vào tương lai của sân khấu.
Tiếp đó, một số đơn vị cũng lần lượt cho ra mắt hoặc công bố kế hoạch ra mắt vở mới. Có thể kể đến vở “Tình mẹ” của Hội Sân khấu Hà Nội do Nghệ sĩ Nhân dân Tuấn Hải dàn dựng; Dự án sân khấu Antigone do Viện Goethe phối hợp cùng Nhà hát Tuổi trẻ và hợp tác cùng các đạo diễn sân khấu Trần Lực, Bùi Như Lai, Hà Nguyên Long...
Vở "Thúy Kiều - Một kiếp đoạn trường" cũng vừa được Nhà hát Kịch Hà Nội khởi công dàn dựng. Qua những mâu thuẫn xung đột, tác phẩm sẽ giúp khán giả hiểu rõ hơn về cuộc đời và thân phận chìm nổi của nàng Kiều, người con gái tài hoa nhưng bạc mệnh, đã phải bán mình lấy tiền chuộc cha.
Vở kịch do tác giả Nhật Linh viết dựa trên câu chuyện về thân phận nàng Kiều trong tác phẩm “Truyện Kiều” của đại thi hào Nguyễn Du và được đạo diễn NSND Tuấn Hải dàn dựng.
Nói về ý tưởng khi dàn dựng “Thuý Kiều - Một kiếp đoạn trường” trên sân khấu kịch Hà Nội, đạo diễn NSND Tuấn Hải chia sẻ, tác phẩm này chỉ có một mục đích duy nhất là miêu tả thật trung thực và đầy đủ nội dung “Truyện Kiều”, giúp cho khán giả hiểu rõ nhất về cuộc đời và thân phận chìm nổi của nàng Kiều - người con gái tài hoa nhưng bạc mệnh, đã phải bán mình lấy tiền chuộc cha. Dự kiến, vở diễn sẽ ra mắt khán giả vào tháng 12/2021.
Dù bận bịu với vai trò Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội, NSND Trung Hiếu thu xếp thời gian dàn dựng “Làng song sinh” nhằm đưa sân khấu sáng đèn trở lại. “Làng song sinh” do nhà văn Xuân Đức viết kịch bản, NSND Trung Hiếu gấp rút dàn dựng trong bối cảnh vừa hết giãn cách xã hội.
Vở kịch có sự góp mặt của NSƯT Quang Thắng và những gương mặt quen thuộc của Nhà hát Kịch Hà Nội như Phùng Tiến Minh, Thiện Tùng, Thùy Dương, diễn viên trẻ như Thùy Anh, Mạnh Hưng, Quốc Đam, Việt Dũng. Những ẩn dụ trong vở diễn còn được sự cộng hưởng từ thiết kế sân khấu của NSƯT Doãn Bằng, họa sĩ Đăng Khoa, âm nhạc Tiến Minh và biên đạo múa Thanh Nam.
Việc tái khởi động hoạt động nghệ thuật biểu diễn với những hoạt động sôi nổi thực sự là tín hiệu vui. Nghệ sĩ được trở lại với sàn diễn, diễn viên được quay lại với màn ảnh và công chúng có cơ hội để thưởng thức nghệ thuật trực tiếp, được thưởng thức điện ảnh đầy đủ hơn, trọn vẹn hơn, được “xả hơi” sau những ngày giãn cách căng thẳng...
Nhiều nghệ sĩ chia sẻ rằng, thời gian giãn cách cũng là lúc họ được lắng lại, có thời gian đầu tư nhiều hơn cho sáng tác, ấp ủ những dự định mới. Giờ đây, khi dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, có thể đã tới thời điểm để họ biến ý tưởng thành hiện thực. Đó là cơ hội, là niềm hy vọng mới của nghệ thuật.
Thật tuyệt vời là trong bối cảnh này, Hà Nội ưu tiên đưa ca kịch truyền thống vào khai thác du lịch khi UBND thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch số 250/KH-UBND về bảo tồn và phát huy nghệ thuật ca kịch truyền thống, giai đoạn 2021-2025.
Kế hoạch tập trung vào 8 nội dung để bảo tồn và phát huy nghệ thuật ca kịch truyền thống Thủ đô trong giai đoạn tới nhằm nâng cao nhận thức, ý thức, vai trò trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị các cấp và nhân dân thành phố, nhất là thế hệ trẻ Thủ đô trong nhiệm vụ bảo tồn, phát triển nghệ thuật ca kịch truyền thống.
Theo đó, song song công tác tuyên truyền về 4 loại hình nghệ thuật trên, sưu tầm và xây dựng danh mục các loại hình nghệ thuật ca kịch truyền thống chuyên nghiệp và không chuyên, các sở, ngành thành phố được giao triển khai thực hiện việc bảo tồn, phát huy nghệ thuật ca kịch truyền thống sẽ tập trung phục dựng một số vở diễn cổ, trích đoạn, làn điệu tiêu biểu thuộc loại hình nghệ thuật: Chèo, cải lương, múa rối, kịch để lưu trữ, trưng bày, giới thiệu trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Thành phố cũng sẽ ưu tiên nghiên cứu, đưa nghệ thuật ca kịch truyền thống vào các hoạt động dịch vụ du lịch để phục vụ du khách, giới thiệu, quảng bá các loại hình nghệ thuật truyền thống của Thủ đô tới bạn bè quốc tế. Đầu tư kinh phí sưu tầm, tư liệu hóa, in ấn, phát hành thành nhằm lưu giữ các tài liệu, nhạc cụ, vở diễn cổ, tích trò, đoạn trích đặc sắc.
Để tạo điều kiện cho các đơn vị thực hiện tốt nhiệm vụ trên, thành phố cũng sẽ bố trí nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, nâng cấp: Nhà hát Cải lương Hà Nội, Nhà hát Chèo Hà Nội, Nhà hát Kịch Hà Nội, Nhà hát Múa rối Thăng Long.
Như vậy, có rất nhiều yếu tố thuận lợi để sân khấu Thủ đô sáng đèn trở lại, giúp nghệ sĩ thỏa mãn đam mê với nghề, tiếp tục cống hiến cho khán giả, đồng thời cũng đưa loại hình nghệ thuật này đến đông đảo khán giả hơn, là một yếu tố thúc đẩy du lịch phát triển.
“Cô gái à, ngừng than vãn” hãy thay đổi bản thân... |
"Nhật kí của chú bé Phil Mọt Sách" đến với độc giả Việt |
Ra mắt tác phẩm thể hiện góc nhìn thú vị về những người yêu sách |