Sáng nay, Quốc hội chất vấn Phó Thủ tướng Lê Minh Khái
Sáng 8/6, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 5, dưới sự chủ trì và trực tiếp điều hành của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội khóa XV họp phiên toàn thể tại hội trường tiếp tục chất vấn nhóm vấn đề thứ tư thuộc lĩnh vực giao thông vận tải.
Đồng thời, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái sẽ làm rõ các vấn đề liên quan và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.
Trước khi Quốc hội chất vấn Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng sẽ tiếp tục trả lời các câu hỏi chất vấn và ý kiến tranh luận của các đại biểu Quốc hội đã nêu trong phiên họp chiều qua.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái. |
Trước đó, cuối buổi chiều 7/6, tranh luận với Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (đoàn Bình Định) cho biết, chi phí logistic rất cao, trung bình 16,8 - 17% trên giá trị hàng hóa, thậm chí có mặt hàng doanh nghiệp phải trả đến 20 - 25%.
Theo đại biểu, để giảm gánh nặng này cần giải quyết từng khâu một, những vấn đề dù rất nhỏ nhưng nếu lưu tâm có thể tìm ra cách tốt hơn giảm chi phí, nâng cao hiệu quả.
Đại biểu lấy ví dụ số lần cất cánh, hạ cánh của sân bay Tân Sơn Nhất sau khi sửa chữa ít hơn trước khi sửa. Đại biểu cho rằng, bỏ mấy nghìn tỷ nâng cấp đường băng sân bay là sự lãng phí, do vậy Bộ trưởng cần lưu ý trong việc giảm chi phí logistic ở Việt Nam.
Sáng nay, trả lời tranh luận của đại biểu Nguyễn Lân Hiếu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, theo thông lệ quốc tế chi phí logistic đều được so sánh với GDP.
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng trả lời chất vấn. |
Theo Bộ trưởng, năm 2022 ở mức 16,8% GDP, tỷ lệ này còn cao so với bình quân chung trên thế giới, nhưng đã tiệm cận chỉ tiêu chỉ tiêu tối thiểu mà Chính phủ đề ra tại chiến lược phát triển logistics của Việt Nam đến năm 2025, chi phí logistic chiếm khoảng từ 16 - 20%.
"Chúng ta đang xếp ở vị trí thứ 43 trong tổng số 139 nước tham gia xếp hạng và trong ASEAN, Việt Nam đứng thứ 4. Đây cũng kết quả ban đầu để tiếp tục phấn đấu và thực tế dư địa để giảm chi phí logistic còn rất nhiều", Bộ trưởng nói.
Trước đó, trả lời về hoạt động đăng kiểm, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải cho biết, những vụ việc xảy ra trong hoạt động đăng kiểm vừa qua hết sức nghiêm trọng, gây ra hệ lụy lớn, khi doanh nghiệp, người dân phải chờ đợi trong hoạt động đăng kiểm.
"Có tới 600 lãnh đạo, công chức, viên chức, đăng kiểm viên bị khởi tố, trong 281 đơn vị đăng kiểm thì có tới 106 trung tâm đăng kiểm phải đóng cửa. Vừa qua, Bộ Giao thông vận tải đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an để tập trung tháo gỡ, khôi phục hoạt động đăng kiểm phục vụ cho người dân và doanh nghiệp", ông Thắng nói.
Bộ trưởng cho biết, ngay từ khi nhận công tác đã có nỗ lực nghiên cứu, điều chỉnh lại các quy định đăng kiểm cho phù hợp với thông lệ quốc tế, tiết kiệm thời gian và chi phí cho người dân. Bộ Giao thông vận tải đang triển khai khắc phục, khôi phục hoạt động đăng kiểm, đồng thời rà soát lại toàn bộ hoạt động đăng kiểm để đảm bảo yêu cầu hiện đại, thông thoáng, chặt chẽ.
Theo ông Thắng, Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Thông tư 02, trong đó đề cập đến việc miễn đăng kiểm lần đầu, giãn chu kỳ đăng kiểm để phù hợp với các quy định của các nước trong khu vực.
"Bộ Giao thông vận tải cũng ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh khi giãn chu kỳ đăng kiểm thì không cần thiết phải khám xe rồi mới cấp tem kiểm định. Việc làm này đã làm tiết kiệm thời gian cho hơn 1 triệu lượt xe", ông Thắng nói thêm.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cũng cho biết, còn một số việc cần làm để khôi phục hoạt động đăng kiểm. Bộ Giao thông vận tải đã phối hợp với Bộ Tài chính đưa vào dự thảo Luật Giá để loại bỏ giá đăng kiểm ra khỏi danh mục giá Nhà nước quản lý, để thị trường quyết định, đảm bảo thu nhập cho các đăng kiểm viên.
"Bộ cũng đang tập trung tuyển dụng, đào tạo cán bộ đăng kiểm, để có đủ lực lượng bố trí trở lại tất cả các trung tâm đăng kiểm, để tất cả dây chuyền đăng kiểm khi có đủ lực lượng sẽ trở lại hoạt động bình thường", Bộ trưởng nói thêm.