Sáng tạo, đổi mới vì học trò thân yêu
Học trò Hà Nội sáng tạo đồ dùng trong dạy và học lịch sử |
Tốt nghiệp cử nhân khoa Quản lý văn hóa và thạc sĩ ngành Văn hóa học, chị Trang dự định về làm cán bộ phụ trách mảng văn hóa tại 1 đơn vị thuộc phường hoặc quận. Trong thời gian chờ việc, chị được về thực tập mảng phong trào tại trường THCS Ngô Sĩ Liên.
“Quá trình làm việc tại trường, mình được tiếp xúc với các em học sinh, thầy cô giáo và thể hiện năng lực của bản thân trong các hoạt động phong trào. Mình cảm thấy nơi đây, công việc này có rất nhiều điều thú vị, phù hợp với bản thân và muốn gắn bó lâu dài. Vì vậy, mình quyết định chuyển hướng để có thể về công tác chính thức tại trường”, chị Trang kể.
Chị Phùng Thu Trang |
Chị Trang nhận nhiệm vụ vào năm học 2020- 2021, đúng thời điểm dịch COVID-19 bùng phát, việc học tập, sinh hoạt ở trường gần như bị đảo lộn. Bên cạnh đó, nhà trường đang trong giai đoạn xây dựng cơ sở vật chất… Đây chính là thử thách không nhỏ đối với chị, một người còn rất non nớt về kinh nghiệm. Phải làm sao để các hoạt Đội vẫn được duy trì, phải làm sao thu hút các em học sinh… Một loạt câu hỏi khiến chị trăn trở tìm lời giải.
Bên cạnh đó, chị Trang cũng luôn cố gắng học hỏi, thay đổi từng ngày, linh hoạt trong mọi hoạt động. Đặc biệt, chị nhận ra, nếu không liên tục đổi mới, sáng tạo các cách triển khai các họat động, nhất là nội dung giáo dục thì việc tham gia phong trao Đội sẽ là sự đối phó, ép buộc với học sinh. Chị chú trọng tạo nhiều hoạt động để học sinh trực tiếp thực hiện, từ đó các em học thật, hiểu thật.
Ngoài hoạt động tập trung ở trường, chị Trang triển khai về các chi đội để học sinh làm quen với việc tự tổ chức chương trình từ khâu lên kế hoạch, phân công và thực hiện. Dưới sự gợi ý, hướng dẫn của giáo viên Tổng phụ trách, các chi đội đã đa dạng các hình thức tổ chức như: Xem clip, hình ảnh, phim tư liệu hoặc chơi trò chơi ô chữ, bốc thăm câu hỏi, nối chữ… để các kiến thức lịch sử đến với học sinh1 cách dễ nhớ, vui vẻ mà không khô khan.
Chị Phùng Thu Trang, Tổng phụ trách Đội trường THCS Ngô Sĩ Liên |
Cũng chính cán bộ liên đội đã tự biên tập clip về sự tàn khốc của cơn bão yagi, những mất mát đau thương sau cơn bão và gửi về các chi đội xem trong giờ sinh hoạt lớp. “Những dòng tâm thư do bạn Liên đội trưởng viết và đọc đã chạm vào trái tim của toàn thể học sinh và phụ huynh toàn trường. Điều này khiến buổi quyên góp của liên đội thật sự ý nghĩa và nhiều cảm xúc. Các em học và sẻ chia với cộng đồng từ trái tim của mình”, chị Trang chia sẻ.
Chị Trang tổ chức nhiều hoạt động sáng tạo dành cho các em học sinh |
Bên cạnh đó, phòng Đội thường xuyên kết hợp với tổ văn thể mỹ để đưa học sinh tham gia các chương trình, cuộc thi về văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao nằm nâng cao thể lực, tinh thần cho học sinh… Chính việc lấy học sinh làm trung tâm và để các em được thể hiện năng lực đã khiến các hoạt động Đội hấp dẫn hơn.
Theo chị Trang, trong xã hội hiện đại như bây giờ, khi có quá nhiều trò chơi, mạng xã hội, kênh giải trí cho giới trẻ thì các phong trào Đội càng khó là sự lựa chọn của học sinh. Chính vì vậy, nếu không liên tục đổi mới, sáng tạo các cách triển khai hoạt động Đội sẽ không hấp dẫn học sinh.
5 năm gắn bó với công tác Đội để lại cho chị Trang nhiều kỷ niệm đáng nhớ, đó là những ngày cô trò cùng tập luyện chuẩn bị cho chương trình của trường, thành phố hay hoạt động hướng đến cộng đồng. “Điều khiến mình vui, hạnh phúc là khi thấy học sinh ngày càng trưởng thành. Đó là nguồn động lực để mình cố gắng, có thêm nhiều hoạt động đổi mới, sáng tạo”, chị Trang tâm sự.