“Sát thủ giấu mặt” trên đường phố - Bài 1: Những con số biết nói
Cảnh sát giao thông kiểm tra nồng độ cồn của lái xe (Ảnh minh họa)
Bài liên quan
Hà Nội: Bắt giữ tài xế xe Mercedes đâm 2 phụ nữ tử vong trong hầm Kim Liên rồi bỏ chạy
4 ngày nghỉ lễ, toàn quốc xảy ra 111 vụ tai nạn giao thông, làm chết 80 người, bị thương 79 người
Hà Nội: Xe ô tô “điên” tai nạn liên hoàn khiến nữ công nhân quét rác tử vong
Xe máy va chạm ô tô “hổ vồ”, nam thanh niên bị cán tử vong tại chỗ
Mỗi người Việt Nam tiêu thụ khoảng 6,6 lít cồn mỗi năm
"Chống đối khi bị kiểm tra, xử phạt nồng độ cồn có thể bị bắt giam..."
Mặc dù dư luận đã lên tiếng cảnh báo, nhắc nhở, đồng thời lực lượng cảnh sát giao thông cũng tăng cường kiểm tra nồng độ cồn của người tham gia giao thông nhưng những vụ "ma men" lái xe gây tai nạn giao thông vẫn liên tục xảy ra. Vừa qua, chỉ trong một tuần trên địa bàn Hà Nội xảy ra liên tiếp hai vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, khiến ba người tử vong. Nguyên nhân đều do tài xế điều khiển xe trong tình trạng say rượu, bia.
Nỗi lo không của riêng ai
Đêm 22/4/2019, một nữ công nhân Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội bị một chiếc xe đâm tử vong trong lúc đang cặm cụi làm đẹp đường phố. Sự việc trên khiến dư luận cả nước không khỏi bàng hoàng, lo lắng mỗi khi tham gia giao thông. Trong đám tang của chị, hình ảnh cậu con trai ngồi khóc nức nở bên thi thể mẹ đã làm lay động biết bao người dân. Hầu hết tất cả mọi người đều thấu hiểu và đồng cảm với nỗi đau của hai cậu con trai bị mất mẹ và căm phẫn với hành động của tài xế điều khiển xe gây tai nạn khi đang say rượu.
Nỗi đau xót ấy chưa kịp nguôi thì chỉ một tuần sau, vào đêm 30/4, người dân Thủ đô lại chứng kiến cảnh hai phụ nữ tử vong sau khi bị ô tô đâm tại hầm cầu vượt Kim Liên (Đống Đa, Hà Nội). Đáng nói, nguyên nhân của vụ tai nạn thương tâm này cũng bắt nguồn từ bia, rượu.
Sự ra đi quá đột ngột của hai phụ nữ khiến người thân, gia đình của họ suy sụp hoàn toàn. Cả hai người đều có hoàn cảnh rất khó khăn, lại có con nhỏ đang trong độ tuổi ăn, học. Vậy mà, chỉ sau tai nạn giao thông, những đứa trẻ tội nghiệp vĩnh viễn mất đi người mẹ của mình. Mọi gánh nặng cuộc sống mưu sinh đã trút hết lên đôi vai của người cha và những đứa con nhỏ.
Tai nạn giao thông luôn là gánh nặng của xã hội, là nỗi ám ảnh của người dân mỗi khi tham gia giao thông. Vậy mà vẫn có không ít tài xế bất chấp tính mạng của mình và những người dân vô tội điều khiển xe trong tình trạng say rượu và gây tai nạn trong lúc không còn tỉnh táo.
Rượu, bia được coi là "kẻ sát nhân giấu mặt" trong các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng |
Chị Vũ Thị Thanh Huyền (43 tuổi, ở Trâu Quỳ, Gia Lâm, Hà Nội) bức xúc nói: "Tôi rất hiểu cảm giác của những gia đình có người thân mất do tai nạn giao thông, lại càng đau đớn hơn khi nguyên nhân của vụ tai nạn bắt nguồn từ bia, rượu. Bản thân tôi cũng từng là nạn nhân của một vụ tai nạn giao thông do rượu, bia. Cách đây hơn chục năm, trong một lần về quê bằng xe máy vào dịp nghỉ lễ, tôi đã bị một người say rượu đâm làm chấn thương cột sống và gãy một chân. Tôi phải nằm điều trị tại bệnh viện gần một năm. Cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của tôi và con cái đều do một tay chồng lo liệu. Lúc đó nhìn chồng vất vả, các con nheo nhếch vì không được mẹ chăm chút, nhiều lúc tôi cảm thấy mình bất lực. Cũng may sau thời gian tích cực trị liệu, tôi đã hồi phục được trên 90%. Giờ mỗi khi ra đường, tôi vẫn bị ám ảnh".
Top 10 châu Á về tiêu thụ rượu, bia
Theo thống kê, Việt Nam thuộc nhóm quốc gia có tỷ lệ người uống rượu, bia cao và gia tăng ở cả nam và nữ giới. Nước ta hiện đứng thứ hai khu vực Đông Nam Á, thứ 10 châu Á và thứ 29 thế giới về tiêu thụ rượu, bia. Ước tính mỗi năm, chi phí tiêu thụ rượu, bia của cả nước khoảng 3,4 tỷ USD. Những dịp lễ Tết, tình trạng sử dụng rượu bia lại tăng vọt, kéo theo nguy cơ tai nạn giao thông cao.
Hậu quả của tai nạn giao thông do bia, rượu gây ra rất khủng khiếp, điều đó ai cũng biết nhưng không phải ai cũng có bản lĩnh để kiềm chế, làm chủ bản thân. Khi đã say, họ giống như những con thú hành động theo bản năng, đến khi xảy ra sự cố mới bừng tỉnh, lúc đó đã quá muộn. Thậm chí như trường hợp tài xế Đỗ Xuân Tuyên (49 tuổi) điều khiển xe gây tai nạn liên hoàn vào đêm 22/4 làm một nữ công nhân quét rác đang làm việc trên đường Láng tử vong, sau khi gây tai nạn gần một ngày mà vẫn chưa tỉnh táo để biết mình đã gây họa lớn.
Tiên sĩ Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho biết, trong năm 2018, cả nước đã xảy ra 18.736 vụ tai nạn giao thông, làm 8.248 người tử vong và làm bị thương 14.802 người. Trung bình mỗi ngày có 22 người ra khỏi nhà mà không quay trở về vì tai nạn giao thông. Đáng nói, ít nhất 40% số nạn nhân tai nạn giao thông là do người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn.
"Có rất nhiều lý do để người dân uống rượu. Vấn đề chính ở đây là phải nâng cao ý thức của đội ngũ tài xế khi tham gia giao thông để tránh gây hậu quả đáng tiếc", Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia nhận định.
Tai nạn giao thông do rượu, bia đang ở mức báo động, đồ uống có cồn đang trở thành "kẻ sát nhân giấu mặt". Đây là nguyên nhân gây ra nhiều vụ tai nạn thương tâm. Nhiều cảnh báo đã được đưa ra nhưng vẫn còn nhiều người chủ quan hoặc phớt lờ không tuân thủ quy định. Để giảm đi những đau thương mất mát, ý thức của người tham gia giao thông là yếu tố quyết định.
137 vụ tai nạn giao thông trong 5 ngày nghỉ lễ
Lãnh đạo Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho hay, tính chung 5 ngày nghỉ lễ (27/4 - 1/5), cả nước xảy ra 137 vụ tai nạn giao thông, làm chết 96 người, bị thương 96 người. Trong đó, đường bộ xảy ra 135 vụ, làm chết 94 người, bị thương 96 người; đường sắt xảy ra 2 vụ làm chết 2 người.
Cũng trong thời gian này, lực lượng cảnh sát giao thông đường bộ cả nước xử lý 11.968 trường hợp vi phạm, phạt tiền 15,262 tỷ đồng; tạm giữ 138 ô tô, 2.288 mô tô và 2.274 giấy tờ các loại. Ngoài việc xử lý vi phạm trực tiếp trên đường, thông qua đường dây nóng, lực lượng cảnh sát giao thông trên cả nước đã liên tiếp bắt giữ, xử lý nhiều xe nhồi nhét khách trên các tuyến đường như: Xe khách BKS 36B 002.22 tuyến Hà Nôi - Nghi Sơn (Thanh Hóa) chở quá quy định 19 người, bị xử phạt 15 triệu đồng; xe khách 43 chỗ BKS 21B 006.43 tuyến Mỹ Đình - Nghĩa Lộ (Yên Bái) chở quá quy định 31 người, bị xử phạt 40 triệu đồng; xe khách 42 chỗ BKS 37B 005.35 chở quá quy định 15 người, bị xử phạt 20 triệu đồng…
Theo ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, nhiều vụ tai nạn xảy ra trong dịp nghỉ lễ do lái xe vi phạm nồng độ cồn, chạy quá tốc độ, lấn làn đường, chở quá số người quy định; đi xe máy không đội mũ bảo hiểm...
(Còn nữa)