Sẻ chia để ai cũng có Tết
Thành đoàn TP HCM: Mang Tết yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn Ai bảo Tết Sài Gòn không vui? |
“Cho đi là còn mãi”
Một sớm ngày cuối năm, trời còn chưa kịp sáng, điểm hoạt động của nhóm “Hội quán cộng đồng Bình Thái” đã rộn ràng tiếng cười, nói. Hơn 10 người đang tất bật, luôn tay chuẩn bị cho việc nấu nướng. Nhìn những chiếc chảo, nồi to, khối lượng thức ăn cao nghệu, thoạt nhìn như một nhà hàng đang chuẩn bị cho một bữa tiệc lớn.
“Nay chúng tôi chuẩn bị tới hơn 550 phần ăn nên công việc hơi nhiều, thông cảm chờ chút nghen…”, anh Nguyễn Anh Tuấn, người được xem là Trưởng nhóm, nói vội rồi quay qua công việc.
Để chuẩn bị cho những khẩu phần ăn thiện nguyện vào buổi sáng sớm, cả nhóm anh Tuấn đã phải thức và làm việc từ 2h sáng để sơ chế, 5h sáng đã phải bắt tay vào nấu để kịp 8h là những chuyến xe giao cơm đầu tiên lăn bánh.
Những suất ăn được chuẩn bị sạch sẻ, công phu bằng tấm lòng của những người thực hiện |
Người “khai sinh” ra nhóm cộng đồng này là vợ chồng anh Tuấn và chị Tôn Nữ Tuyết Anh. Chồng làm giảng viên đại học, vợ là kế toán Công ty Lilama, công việc, cuộc sống ổn định. Năm 2018, trong thời gian chăm con nhỏ, chị Tuyết Anh bỗng nhiên muốn làm gì đó để giúp đỡ những người khó khăn xung quanh mình.
Nghĩ là làm, chị bắt tay vào nấu cháo ăn sáng cho những người khó khăn cơ nhỡ khu vực Bệnh viện Thủ Đức. Việc làm của chị cũng kéo anh Tuấn tham gia. Miếng đất mua dành dụm trước đây chưa dùng đến được anh chị cải tạo lại, mở quán cơm 3.000 đồng dành cho sinh viên, người bán vé số, ve chai xung quanh khu vực ngã 4 Bình Thái (TP Thủ Đức). “Cho đi là còn mãi” được dựng trên tấm bảng trước quán, như một lời nhắc nhở mục đích của 2 vợ chồng.
“Để quán có thể hoạt động được, tụi tôi chắt chiu những khoản thu nhập của mình, giảm bớt những khoản không cần thiết để chia sẻ với những người đang gặp khó. Mới làm cũng lăn tăn lắm, nhưng khi thấy những người xung quanh mình vơi bớt đi được chút lo toan, tự nhiên cảm thấy vui và hạnh phúc, cứ vậy đến giờ cũng được mấy năm rồi”, anh Tuấn kể.
Anh Nguyễn Anh Tuấn đang đưa thức ăn và nước uống lên xe để chuyển đên Bệnh viện Ung Bướu |
Với tiêu chí là không kêu gọi đóng góp, không áp đặt trách nhiệm, thời gian, tất cả là tự nguyện, là cái tâm. Chỉ sau thời gian ngắn, cái “quán cơm 3.000” của anh chị bắt đầu thu hút những người cùng chí hướng. Gạo tự nhiên được gửi tới, rồi rau, củ quả… rất nhiều thứ được các nhà hảo tâm gửi đến ủng hộ. Sức lan tỏa của “Cộng đồng Bình Thái” ngày càng lớn.
Hội Phụ nữ phường Trường Thọ cũng tìm đến hỗ trợ tham gia, các em sinh viên cũng đến phụ giúp. Cái địa chỉ “cộng đồng” ngày càng được nhiều người khó khăn biết đến. Các phương tiện chuyên chở tự nguyện bỗng nhiên xuất hiện.
“Chúng tôi cảm thấy việc làm ý nghĩa nên tự nguyện tham gia, góp một tay để tấm lòng được lan tỏa ngày lớn hơn. Mỗi ngày làm cơm, chị em chúng tôi tham gia cả chục người để nấu nướng, sắp xếp phần ăn để chuyển giao đến những nơi đang cần”, chị Yến, một thành viên của Hội Phụ nữ phường Trường Thọ, hồ hởi nói.
Làm theo sức nên giờ bữa ăn “cộng đồng” được tổ chức vào mỗi thứ 7. Lực lượng tại chỗ thì nấu nướng, còn rất nhiều người làm nghề giao hàng thì tham gia để lan tỏa. Anh Hiếu, một người giao sữa cho khách tại chung cư kế bên, nhiều lần quan sát hoạt động của nhóm cũng đề xuất đi giao vài suất cơm cho người già neo đơn ở khu vực quận Gò Vấp. Nhiều người giao hàng khác cũng nhận giao cơm cho những trường hợp khó khăn neo đơn ở khu vực xa khác.
Các thành viên Hội Phụ nữ phường Trường Thọ đang chuẩn bị những suất ăn |
Trong lúc cả nhóm đang túi bụi cho hàng lên xe chuyển qua Bệnh viện Ung Bướu, nhiều người lớn tuổi đến nhận cơm mang về. “Tôi nhận dùm mấy người hàng xóm không ra được…”, bà Nguyễn Thị Cúc, 76 tuổi, cười móm mém bảo vậy.
Bà bán vé số nên tự nguyện đi nhận phần cơm giúp mấy người “đồng nghiệp” chưa về kịp. Ngay khi giao cơm cho bà Cúc, một chiếc xe lôi đến nhận 20 suất cơm cho những người khó khăn ở xóm ve chai. Một lúc sau, có hơn 10 sinh viên cũng tìm đến như thường lệ.
Bà Nguyễn Thị Cúc đang nhận những suất cơm nghĩa tình cho mình và những người bạn |
Gần 600 suất cơm chuẩn bị thì lâu nhưng chia sẻ thì chưa đầy 30p đã được các thiện nguyện viên chuyển đến nơi cần phải đến. Địa chỉ của “Hội quán cộng đồng Bình Thái” từ nhiều năm nay đã và đang trở thành điểm đến của nhiều tấm lòng. “Tết này khó khăn hơn nhưng chúng tôi sẽ có những phần quà thiết thực để chia sẻ. Giờ còn quá sớm để biết có được gì nhưng tôi tin tấm lòng sẽ kết nối được với những tấm lòng”, anh Tuấn cười tự tin bảo vậy.
Ai cũng có Tết
Tính đến cái Tết này, gia đình ông Phan Văn Hòa đã có “thâm niên” gần 20 năm làm công việc cho thuê phòng trọ. Ngần ấy thời gian cũng giúp ông nhìn thấy được nhiều hoàn cảnh vui buồn của những người đến thuê. Khó khăn thấy cũng nhiều nhưng có lẽ năm nay cái khó nhiều hơn những năm vừa qua.
Ngay từ giữa năm, nhiều công nhân không tìm được việc làm đã phải quay trở về quê. Người cố gắng bám trụ lại cũng rơi vào nhiều tình cảnh, khi cuối năm nhiều công ty phải ngưng ký tiếp hợp đồng với người lao động.
“Mọi năm khó mấy cũng có khoảng 8 phòng không về quê, vậy mà năm nay, tôi ước có khoảng 20 phòng sẽ không thể về vì khó khăn. Với lại, họ muốn ở lại để tranh thủ thời gian Tết có thể kiếm thêm thu nhập, sau Tết có thể tìm được việc làm ngay. Khó là vậy nhưng tôi cũng sẽ chuẩn bị Tết cho họ, xa nhà buồn lắm, ai cũng phải có Tết mà…”, ông Hòa bảo vậy.
Thành viên nhóm Cộng đồng Bình Thái chuyển các suất ăn lên chuyến xe thiện nguyện để chia sẻ với những người khó khăn |
Trong 44 căn phòng trọ nhà ông Hòa, mỗi căn là một hoàn cảnh. Trong căn phòng trọ nhỏ, anh Diệp Thanh Tao (33 tuổi, quê Cà Mau) đang nằm nghỉ vì bệnh. Năm nay anh không thể về quê vì phải ở lại để chạy thận. “Sau khi nhiễm COVID, đi làm thấy người cứ yếu dần, đến khi đi khám thì bác sĩ nói thận bị khô hết, giai đoạn cuối rồi, giờ cứ cách ngày phải đi chạy thận 1 ngày. Tôi mới làm đơn xin nghỉ việc rồi”, anh Tao nói, giọng buồn buồn.
Đứa con anh Tao giờ phải gửi về bên nội nhờ nuôi giúp, giờ thu nhập chính gia đình trông chờ vào khoản lương công nhân 7 triệu/tháng của vợ. Khoản lương vừa đủ tiền chạy thận hàng tháng của anh Tao. Bế tắc nên năm nay vợ chồng anh quyết định ở lại để đỡ chi phí.
Cách phòng trọ anh Tao không xa, bé Trâm Anh (12 tuổi) đang cắm cúi vo gạo chuẩn bị bữa ăn cho cha mẹ. Theo lời Trâm Anh thì quê cha ở Quảng Nam, quê mẹ ở Nghệ An. Cha làm thợ hồ, mẹ thì mới mất việc cách đây 1 tháng nên giờ đi may thuê cho một cơ sở tư nhân. “Em trai con đi học mẫu giáo rồi. Quê xa quá nên năm nay không về, cha mẹ nói ăn Tết ở TP HCM. Hôm nay con được nghỉ nên ở nhà nấu cơm”, Trâm Anh nói vậy.
Theo ông Hòa, trong dãy nhà trọ, nhiều thanh niên còn trẻ nhưng lại bệnh nặng nên năm nay sẽ có nhiều người không về để giảm chi phí. “Năm nay, phòng nào tôi cũng chuẩn bị 1 phần quà gồm 10 ký gạo, dầu ăn, nước mắm, bánh kẹo để họ có cái quà ăn Tết. Với những người vì hoàn cảnh ở lại thì sẽ có thêm phần thịt, bánh, mứt. Quà có thể không nhiều nhưng tôi muốn dù ở nơi nào, họ cũng sẽ có một cái Tết”, ông Hòa bộc bạch.
Ông Phan Văn Hòa ngồi chơi với hàng xóm trong khu trọ |
Kinh tế khó khăn, ai cũng cảm nhận được nhưng giữa cái khó luôn lóe lên tình người. Trong những ngày đi thực tế tìm hiểu về chuyện chuẩn bị cái Tết cho người có hoàn cảnh khó khăn giữa lúc khó khăn, chúng tôi nghe và thấy rất nhiều câu chuyện về tinh thần tương trợ của cá nhân, của các hội đoàn, chính quyền sở tại…
Mỗi người một tay, mỗi người một câu chuyện, họ đang bằng nội lực cố gắng để vẽ lên bức tranh tươi hồng, ấm áp. Trong đó, mọi người bất kể sang hèn đều có một cái Tết hạnh phúc, ấm no.