Sẽ triển khai phương án mới để giảm chênh lệch giá vàng
Cử tri lo lắng về tội phạm lừa đảo, giá vàng tăng cao Nhu cầu vàng vẫn tăng mạnh đẩy giá vàng tăng cao kỷ lục Người dân đổ xô tích trữ vàng, tiền đâu sản xuất kinh doanh? |
Bỏ quy định độc quyền vàng miếng
Ngày 29/5, tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, vấn đề thị trường vàng được nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) quan tâm, đề cập.
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Thuỷ (Bình Định) lo ngại giá cả một số mặt hàng dịch vụ tăng cao, nhất là giá vàng, tỷ giá USD, giá dịch vụ hàng không, dẫn đến những tác động tiêu cực. Vàng, USD trở thành ưu tiên lựa chọn dự trữ của nhiều hộ gia đình, cá nhân.
"Nếu chúng ta không có giải pháp tốt, không sớm kiềm chế sẽ dẫn đến hiện tượng "vàng hóa, USD hóa" trong các giao dịch mua, bán trong xã hội. Thêm vào đó, giá dịch vụ hàng không nội địa tăng cao, khó mua, du lịch nội địa khó cạnh tranh được với các tour du lịch của nước ngoài", đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo các ngành nghiên cứu giải pháp, sớm bình ổn giá trong thời gian tới.
Đại biểu Trịnh Xuân An - Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng, An ninh |
Đại biểu Trịnh Xuân An - Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng, An ninh đề nghị sớm sửa đổi, thay đổi Nghị định 24, trong đó bỏ quy định về độc quyền vàng miếng.
"Đất nước còn rất nhiều việc phải làm, do đó Nhà nước không nên quá tập trung vào một sản phẩm không khuyến khích kinh doanh, cất trữ", ông An bày tỏ.
Chung quan điểm, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng, đấu thầu vàng miếng chỉ là giải pháp tạm thời, giá vẫn không giảm mà tăng; cần giải pháp dài hạn quản lý ổn định thị trường vàng, bỏ độc quyền vàng miếng và cho phép nhập khẩu mặt hàng này của Nhà nước.
Đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị nhà chức trách sửa, bổ sung Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Trong đó, cho phép doanh nghiệp nhập vàng nguyên liệu, in vàng miếng dưới sự quản lý của Ngân hàng Nhà nước.
Ngoài các giải pháp cho thị trường kim loại quý, theo ông Hòa, lãi suất tiền gửi cũng cần hấp dẫn hơn, để "người dân chọn gửi tiền vào ngân hàng, thay vì mua vàng".
Dừng đấu thầu và xây dựng phương án mới
Phát biểu giải trình tại phiên thảo luận kinh tế - xã hội của Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho biết, giá tăng vàng cao và biến động phức tạp cũng là diễn biến chung của các nước trên thế giới, chứ không chỉ tại Việt Nam. Trong nước, giá vàng diễn biến cùng chiều với giá vàng thế giới, tuy nhiên, sự chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế đã nới rộng, đặc biệt là vàng SJC.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng phát biểu giải trình |
"Chính phủ đã chỉ đạo NHNN và các bộ ngành liên quan thực hiện nhiệm vụ chức năng theo Nghị định 24 để thu hẹp chênh lệch giá vàng. Đây cũng là một nhiệm vụ thách thức bởi giá vàng quốc tế vẫn liên tục biến động cao và phức tạp. Trước tình hình đó, NHNN đã thực hiện tăng cung ra thị trường.
Kế thừa cách làm từ năm 2013, NHNN đã thực hiện đấu thầu nhằm tăng cung vàng ra thị trường để giá vàng giảm dần. Tuy nhiên, qua 9 phiên đấu thầu, chênh lệch giá vàng giảm không được như kỳ vọng. Do vậy, chúng tôi đã dừng đấu thầu, đánh giá lại tình hình, tìm ra nguyên nhân và xây dựng phương án mới để triển khai trong tuần tới. Đặc biệt, cùng với đó sẽ thực hiện minh bạch các giao dịch vàng trên thị trường", Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định.
Lãnh đạo NHNN khẳng định, đã tổ chức đoàn liên ngành để thanh tra toàn diện về mọi mặt, từ hóa đơn chứng từ đến phòng chống rửa tiền liên quan đến giao dịch vàng, chống các hành vi đầu cơ, găm giá, đẩy giá.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu |
Cũng giải trình và làm rõ ý kiến liên quan đến giá vàng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, từ tháng 6/2022, Chính phủ, Thủ tướng đã chỉ đạo rất sát sao NHNN, với 25 văn bản, trong đó có những công cụ để can thiệp nhằm bình ổn thị trường vàng. Đồng thời tiến hành thanh tra, kiểm tra, kiểm soát.
Theo Phó Thủ tướng, NHNN vừa qua đã tích cực đưa ra các giải pháp, tuy nhiên, khi thực hiện can thiệp hiệu quả lại chưa cao. Hiện nay NHNN đang đánh giá lại và sẽ có những phương án mới để bình ổn thị trường vàng về mặt ngắn hạn.
Về mặt lâu dài, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái để nghị NHNN nghiên cứu sửa đổi Nghị định 24: "Trước mắt, chúng ta dùng công cụ thuộc quản lý Nhà nước là thanh tra, kiểm tra để đánh giá một cách thực chất hoạt động của thị trường vàng. Từ đó, có những giải pháp để xử lý theo quy định, để bình ổn thị trường vàng trong nước theo tinh thần đại biểu Quốc hội mong muốn là tiến sát với thị trường thế giới".