Sinh viên ngành du lịch chật vật ra trường mùa dịch
Nâng cao nhận thức cho sinh viên du lịch về nghề nghiệp trong tương lai |
Khó ra trường đúng thời hạn
Là lĩnh vực cần thực hành nhiều, sinh viên thuộc nhóm ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành luôn được nhà trường tạo điều kiện thực tập, đi thực tế tại các địa điểm du lịch phổ biến. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên năm nay các em không có cơ hội thăm quan và trải nghiệm thực tiễn. Thậm chí, kỳ thực tập của sinh viên năm cuối cũng bị hoãn vô thời hạn.
Sinh viên Hồ Thị Quỳnh (năm cuối chuyên ngành Hướng dẫn du lịch quốc tế, trường Đại học Văn hóa Hà Nội) chia sẻ: “Các cơ sở lữ hành, nhất là du lịch ngoại quốc vẫn đóng cửa. Khách sạn, nhà hàng cũng hạn chế số lượng nhân viên nên sinh viên như mình càng không có nhiều cơ hội thực tập cũng như tìm việc làm thêm đúng ngành để trau dồi kinh nghiệm và mở rộng quan hệ xã hội. Đến nay, kỳ thực tập của mình vẫn bị hoãn cho tới khi dịch bệnh ổn định hơn. Sau kỳ thực tập 5 tháng mới được xét tốt nghiệp nên rất có thể mình phải lùi tới kỳ xét tốt nghiệp năm sau”.
Sinh viên Hồ Thị Quỳnh trong những chuyến đi thực tế khi dịch bệnh chưa bùng phát |
Không chỉ có Quỳnh, lúc này, nhiều sinh viên ngành Du lịch đang phải tìm những công việc không mấy liên quan tới ngành học để trang trải cuộc sống trong lúc chờ được xét tốt nghiệp.
May mắn hơn các sinh viên khác, Phạm Thị Ngọc Mừng (năm thứ 4 khoa Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành tại trường Đại học Thăng Long) vừa trở về sau 1 năm thực tập tại khách sạn lớn ở Nhật Bản. Mừng cho biết: “Khi mình sang Nhật hồi cuối năm 2019, dịch bệnh chưa diễn biến phức tạp như hiện nay. Hết kỳ thực tập mình phải chờ tới 4 tháng mới có chuyến bay về nhưng thật may mắn khi đã hoàn thành kỳ thực tập của mình, học được nhiều kinh nghiệm làm khách sạn từ thực tiễn. Về nước muộn hơn so với dự kiến và phải mất thêm thời gian cách ly, thời gian ra trường của mình cũng bị lùi lại đáng kể”.
Chật vật tìm việc sau tốt nghiệp
Khó ra trường là nỗi lo trước mắt nhưng tìm việc làm sau tốt nghiệp là nỗi băn khoăn khó giải quyết của hầu hết sinh viên các ngành dịch vụ, du lịch lúc này. Ấp ủ ước mơ trở thành hướng dẫn viên du lịch quốc tế từ lâu, Quỳnh không nghĩ rằng mình sẽ phải tạm gác lại hay từ bỏ giấc mơ này. “Dịch bệnh khiến cơ hội việc làm thu hẹp, dịch vụ du lịch là ngành bị ảnh hưởng nhiều nhất. Hàng ngàn lao động ngành này làm việc lâu năm rồi vẫn bị cho nghỉ việc thì sinh viên mới ra trường như chúng mình càng khó được tuyển dụng. Thay đổi định hướng nghề nghiệp bây giờ là điều hiển nhiên vì miếng cơm manh áo. Đam mê cũng đành gác lại chờ khi hết dịch”, Quỳnh tâm sự.
Đợt dịch đầu tiên bùng phát đầu năm ngoái, sinh viên còn nuôi hy vọng dịch sẽ sớm qua. Nhưng tình hình diễn biến khó lường như hiện nay buộc các em phải tính đến những kế hoạch dài hơi. Các nhóm ngành du lịch quốc tế càng kém khả quan khi đường bay vẫn chưa được mở lại và dịch bệnh tại các quốc gia khác vẫn căng thẳng.
Dù còn khoảng 1 năm nữa mới ra được trường nhưng Mừng đã học thêm chụp ảnh để nếu khi tốt nghiệp mà du lịch chưa phục hồi thì em sẽ theo nghề mới. Mừng cho biết: “Dịch bệnh đã kéo dài hơn 1 năm với diễn biến ngày càng phức tạp. Dù rằng đã có vắc xin phòng bệnh nhưng vẫn chưa thể nói trước điều gì nên những sinh viên gắn bó với ngành du lịch như mình cần chuẩn bị những hành trang tốt nhất để đối phó với mọi hoàn cảnh”.
Học sinh “ái ngại” chọn ngành du lịch
Dịch bệnh không chỉ là thách thức với sinh viên đã, đang và sắp ra trường mà nó còn là nguyên nhân khiến nhiều học sinh cuối cấp “ái ngại” với ngành học này.
Dự định năm nay sẽ thi lại ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành của Đại học Kinh tế Quốc dân, em Nguyễn Khánh Linh (Hải Dương) đang do dự trong những ngày cuối cùng nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển.
Linh tâm sự: “Dành ra 1 năm để ôn luyện, chuẩn bị thi vào ngành này nhưng đến nay,mình lại đang lo lắng và phải suy xét lại quyết định. Dịch bệnh trên thế giới diễn biến phức tạp khiến ngành du lịch gặp khó, cơ hội việc làm cho người trẻ gần như không có. Nếu theo học ngành này, mình cũng cần tìm các công việc liên quan để học hỏi từ những năm đầu nên rất khó. Dù đã chờ đợi suốt 1 năm nhưng có lẽ mình đành chọn một hướng đi khác”.
Theo Sở Lao động - Thương binh &Xã hội Hà Nội, thống kê của tất cả các quận huyện trên địa bàn TP Hà Nội, từ tháng 4 năm 2020, có khoảng 65.000-67.000 lao động tạm hoãn, ngừng, mất việc làm, chủ yếu là các ngành dịch vụ, du lịch. Trên cơ sở thống kê của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội trong thực hiện chính sách Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), qua trong 6 tháng đầu năm 2020, gần 40.000 người lao động tạm hoãn, ngừng, mất việc làm. Riêng quý II/2020, con số tăng thêm 70,8% so với quý I/2020.