Sớm mở rộng và hiện đại hóa mạng lưới đường sắt đáp ứng nhu cầu phát triển
Dự kiến khởi công dự án cải tạo 7 ga đường sắt phía Bắc
Theo lãnh đạo Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ Giao thông Vận tải), dự án cải tạo các ga trên tuyến đường sắt phía Bắc đang tiến hành lựa chọn nhà thầu, dự kiến khởi công vào tháng 4/2023.
Theo đó, dự án gồm 2 gói thầu xây lắp, đến nay Cục Quản lý đầu tư xây dựng đã hoàn thành thẩm định thiết kế, dự toán 2 gói thầu này. Chủ đầu tư cũng đã phát hành hồ sơ mời thầu gói thầu XL01 ngày 6/3 vừa qua, dự kiến hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu thi công trước ngày 10/4 và khởi công dự án trong tháng 4/2023.
Dự án cải tạo các ga trên tuyến đường sắt phía Bắc có tổng mức đầu tư dự kiến là hơn 475 tỷ đồng. Nguồn vốn đầu tư sử dụng ngân sách nhà nước trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 với thời gian thực hiện đến 2025.
Dự kiến khởi công dự án cải tạo 7 ga đường sắt phía Bắc vào tháng 4/2023. Ảnh minh họa |
Về quy mô, dự án thực hiện cải tạo nâng cấp 3 ga hành khách gồm: Ga Gia Lâm (tuyến Hà Nội - Đồng Đăng), ga Cẩm Giàng và ga Hải Dương (tuyến Gia Lâm - Hải Phòng);
Bốn ga hàng hóa gồm: Ga Vật Cách, cảng Vật Cách (tuyến Gia Lâm - Hải Phòng), ga Đồng Đăng và ga Lạng Sơn (tuyến Hà Nội - Đồng Đăng), ga Xuân Giao (tuyến Yên Viên - Lào Cai). Bao gồm các hạng mục cải tạo nhà ga, ke ga, xây mới mái che ke ga; Làm mới, sửa chữa đường sắt; Làm mới, sửa chữa nhà kho; Các công trình phụ trợ đồng bộ...
Theo Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ Giao thông Vận tải), gói thầu XL01 gồm cải tạo các ga Xuân Giao, Hải Dương, Gia Lâm, Cẩm Giàng, Đồng Đăng, Lạng Sơn có giá dự toán gần 194 tỷ đồng đồng, lựa chọn nhà thầu thông qua đấu thầu rộng rãi. Gói thầu XL02 gồm cải tạo ga Vật Cách và cảng Vật Cách (thành phố Hải Phòng), giá dự toán hơn 168 tỷ đồng.
Đến năm 2030, sẽ xây mới 16 tuyến đường sắt
Ngoài việc nâng cấp các tuyến đường sắt hiện hữu, Chính phủ cũng sẽ đầu tư xây mới để mở rộng mạng lưới đường sắt nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải.
Bộ Giao thông Vận tải thông tin, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế, đảm bảo an ninh quốc phòng, Đại hội Đảng lần thứ XIII có chủ trương phát triển hệ thống đường sắt và được Chính phủ cụ thể hóa trong quy hoạch mạng lưới đường sắt; Trong đó đến năm 2030 sẽ xây dựng mới 16 tuyến đường sắt quốc gia với tổng chiều dài khoảng 4.802 km.
Cụ thể, về đường sắt quốc gia, Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1769/QĐ-TTg nêu rõ sẽ nâng cấp, cải tạo để khai thác có hiệu quả 7 tuyến đường sắt hiện có (chiều dài 2.440km).
Ngoài ra, Chính phủ cũng sẽ đầu tư xây mới để mở rộng mạng lưới đường sắt; Trong đó đến năm 2030, xây dựng mới 16 tuyến đường sắt với tổng chiều dài khoảng 4.802 km; Đến năm 2050, xây dựng mới 25 tuyến đường sắt với tổng chiều dài khoảng 6.354 km.
Với đường sắt đô thị, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành liên quan phối hợp Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội đẩy nhanh tiến độ triển khai đầu tư xây dựng các dự án theo quy hoạch được phê duyệt nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải công cộng tại các thành phố này. Các địa phương khác, cũng đang triển nghiên cứu đề xuất mạng lưới đường sắt đô thị trong quy hoạch tỉnh.
Ngoài việc nâng cấp các tuyến đường sắt hiện hữu, Chính phủ cũng sẽ đầu tư xây mới để mở rộng mạng lưới đường sắt nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải |
Về đường sắt chuyên dùng, theo Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 sẽ tiếp tục duy trì, cải tạo, mở rộng các ga có kết nối đường sắt chuyên dùng, đáp ứng nhu cầu vận tải.
"Như vậy, sau khi mạng lưới đường sắt được đầu tư hoàn chỉnh theo quy hoạch sẽ kết nối các vùng, hành lang kinh tế chiến lược, trung tâm đô thị, cảng biển cửa ngõ quốc tế, cửa khẩu quốc tế, sân bay quốc tế, đầu mối giao thông lớn… của cả nước," lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải khẳng định.
Bộ Giao thông Vận tải cũng chỉ ra thế mạnh của giao thông vận tải đường sắt với ưu thế là loại hình vận tải chiếm dụng ít đất đai, ít tác động đến môi trường; Vận chuyển hành khách, hàng hóa khối lượng lớn, tốc độ nhanh, an toàn, chi phí tương đối thấp, ít bị ảnh hưởng của thời tiết khí hậu… phù hợp với hành lang, đầu mối giao thông có nhu cầu vận tải lớn nên mang lại lợi ích kinh tế rất lớn cho nền kinh tế cả nước nói chung và khu vực có tuyến đường sắt đi qua nói riêng.
Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải thừa nhận kinh phí đầu tư đường sắt rất lớn, nguồn lực ngân sách Nhà nước còn hạn chế, hiệu quả tài chính đầu tư đường sắt thấp nên khó thu hút vốn từ xã hội hóa.
Do đó, để sớm mở rộng và hiện đại hóa mạng lưới đường sắt theo chủ trương của Đảng và Nhà nước, Bộ Giao thông Vận tải rất mong được sự quan tâm, ủng hộ và phối hợp các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể và Nhân dân các tỉnh, thành trong quá trình lập quy hoạch tỉnh, nghiên cứu quy hoạch khu đô thị, khu công nghiệp, cảng biển, cảng cạn, trung tâm logistics… gắn kết với các khu ga để phát huy hiệu quả, tạo nguồn lực đầu tư phát triển đường sắt; để dành quỹ đất, giải phóng mặt bằng, đảm bảo trật tự an toàn giao thông và sử dụng dịch vụ đường sắt.