Sống trọn vẹn với mùa thu Hà Nội
Hà Nội: Nam thanh niên dũng cảm cứu cụ bà đang chới với dưới sông |
Mùa nhớ của Hà Nội
Mùa thu chính là mùa nhớ của Hà Nội. Mùa này là sự giao thoa của thời tiết. Trong mấy tháng mùa thu ta có thể thấy cả dư âm của 3 mùa còn lại. Mùa thu, bắt đầu bằng những cơn gió mát mẻ dễ chịu, bầu trời trong xanh, khác hẳn với cái nóng gay gắt của mùa hè.
Mùa thu cũng vẫn có những ngày nắng hanh hao, tuy không nóng nực đổ mồ hôi như ngồi trong chảo lửa nhưng cũng khô rát da. Để rồi, cuối mùa thu, nhất là vào ban đêm, cái lạnh sâu sâu, se sẽ cũng có khi chúng ta thấy rùng mình như thể đã sang đông.
“Xuân người ta ấm mà cần tình, Thu người ta lạnh mà cần đôi”, thi sĩ Xuân Diệu đã nói về mùa thu như thế. Cái sẽ sàng ren rét “đã nghe rét mướt luồn trong gió” ấy luôn khiến tâm trạng con người cảm thấy nhớ nhung.
Mùa thu, mùa nhớ của Hà Nội |
Mùa thu là lúc những người ở xa Hà Nội thèm được trở về để thưởng thức cái se sẽ lạnh tinh khôi mới mẻ ấy. Còn những người đang ở Hà Nội thì hòa mình vào không khí thu rất đặc trưng, trầm tư hơn nhưng cũng chính vì thế mà lắng đọng hơn.
Thu Hà Nội, ấy là lúc ngước lên vòm không, bắt gặp những quả sấu chín vàng ươm tư lự giữa những tán xanh rì. Thấp thoáng trong những đốm lửa phượng đã thấy những quả phượng vươn dài như chiếc lược non mướt.
Trên phố, khuất trong những con đường nhỏ, hoa sữa chỉ chờ không khí mát mẻ của mùa thu để bung nở. Năm nay hoa sữa nở đúng mùa. Mặc dù dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp nhưng mùa hè đã trôi qua, mùa thu về đúng tiết trời như mọi năm và vì thế hoa sữa cũng theo về như để điệp cùng với khí thu rất trong lành đầy háo hức.
Những cơn mưa thu cũng khiến phố phường trở nên sạch sẽ, tươi mới hơn. Cứ mỗi sáng sớm ra, thấy vỉa hè, lòng đường là mỗi người lại thấy thư thái trong lòng. Vì thế, dù đang trong điều kiện phải giãn cách, đeo khẩu trang phòng chống dịch, tránh tiếp xúc gần, giữ khoảng cách tối thiểu 1 mét nhưng ai nấy đều cảm thấy tĩnh tại.
Phố Hà Nội dài xanh mát heo may |
Dịch bệnh không làm chúng ta hoang mang lo sợ như những ngày đầu nữa. Nỗ lực của Chính phủ, chính quyền, ngành Y tế và toàn thể hệ thống chính trị cũng như sự chung tay của người dân đã cho chúng ta sự vững tin, những kinh nghiệm để có thể làm tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19. Mùa thu về, không khí mát mẻ hơn cũng khiến cho những chiếc khẩu trang đeo trên mặt trở nên đỡ khó chịu hơn và mọi người đều đồng tình nhất trí với tác dụng của nó.
Sáng mùa thu, phụ nữ vẫn phải giấu vẻ đẹp của mình trong lớp áo chống nắng, và khẩu trang kín mít. Mới là đầu thu nên cốm chưa bán nhiều, chính vì thế mà khiến người ta háo hức, chờ đợi. Trên các con phố, thi thoảng thấy những bà, những chị đạp hoặc dắt chiếc xe nhè nhẹ, chở một chiếc thúng nho nhỏ, bên trên đậy lá sen, xung quanh giắt lá sen và rơm nếp, thế là thấy như chở mùa thu trên phố.
Còn gió heo may cũng chỉ mới thảng hoặc, dường như chúng ta phải đợi mùa thu đến sâu hơn. Có lẽ phải đến khuya đêm, đi dạo trên những con phố thưa vắng bóng người, hay trên mạn Hồ Tây may ra mới thấy cái không khí se lạnh mà nhiều người đi xa thấy thèm, thấy nhớ.
Sống trọn vẹn hơn với mùa thu
Tháng bảy mưa Ngâu cũng là tháng Vu Lan, tháng để người sống ngồi nhìn mưa thu man mác mà nhớ đến những người đã về cõi bên kia. Cũng như các đô thị phát triển khác, Hà Nội khác với làng quê ở chỗ, phần lớn những nhu cầu cho cuộc sống hàng ngày đều có thể được đáp ứng bởi các dịch vụ bầy tràn ra trên phố, trôi qua trước cửa nhà. Từ cuối tháng sáu âm lịch, cửa hàng vàng mã đã ngồn ngộn những thứ hàng đặc trưng dùng cho cõi âm.
Bước sang tháng bảy, “đội quân hàng rong” đã chia nhau gánh gồng ngựa xe quần áo tiền vàng mũ nón đồ trang điểm đủ mầu sắc, kích cỡ túa ra khắp phố phường Hà Nội. Người mua chỉ việc chờ người bán đi ngang qua nhà mình là lựa chọn cho một ngày tết lớn trong năm.
Việc cấm đốt vàng mã nơi công cộng và khuyến cáo hạn chế đốt vàng mã dường như là một việc vô cùng nhạy cảm vì từ xưa đến nay người ta đã quan niệm đây là “lòng thành” của người sống giành cho người chết. Dù mức phạt rất nặng, từ 500 đến 1 triệu đồng nhưng chưa hẳn người ta đã kiêng dè. Đó chính là lí do thi thoảng trên phố vẫn bắt gặp những hình ảnh người dân đốt vàng mã.
Nhiều năm trở lại đây, các cơ quan chức năng quyết liệt hơn trong việc xử phạt hành chính, cộng với việc văn hóa, văn minh Hà Nội được tuyên truyền sâu rộng hơn nên người dân đã ý thức hơn được về nguy cơ, tác hại của việc đốt vàng mã tràn lan.
Chớ để xảy ra những vụ hỏa hoạn đáng tiếc do đốt vàng mã như cửa hàng này |
Vì vậy, tình trạng suốt bao năm qua, ngã tư Văn Miếu và rất nhiều cây cối, đền chùa của Hà Nội cứ đến ngày sóc vọng là nghi ngút khói hương dù có bị ngăn hàng rào sắt hay cấm đoán bằng nhiều hình thức khác nhau đã được hạn chế rồi có nơi đã được dẹp bỏ. Người dân đã hiểu ra rằng, tất cả là thói quen.
Nếu một người thắp hương chỗ đó, người này, người khác rồi người khác nữa sẽ kéo đến cũng thắp hương đúng chỗ ấy nhưng nếu chẳng có ai thắp hương, chẳng ai đốt vàng mã tại đó thì lâu ngày địa điểm ấy cũng trở thành bình thường như bao chỗ khác mà thôi.
Dẫu vậy, theo thói quen từ ngàn năm nay, từ đầu tháng bảy trở đi, trong vòng nửa tháng ngắn ngủi đã trở thành “ngày hội” thực sự với cánh hàng rong, vì gánh hàng nhẹ mà lãi lờ lại hơn hẳn rau củ, hoa quả hay sắn khoai thường nhật. Đến khi hoạt động bán hàng rong được chính quyền kiểm soát gắt gao hơn thì các cửa hàng vàng mã lại “được mùa”. Đắt khách quanh năm, dịp tháng bảy Vu lan hoạt động buôn bán ở đây càng tấp nập.
Người ta đã nói quá nhiều về việc “phú quý sinh lễ nghĩa”, người thời nay nghĩ “trần sao âm vậy” nên sản xuất ra đủ thứ ô tô, điện thoại thông minh hay những đồ chơi công nghệ bằng vàng mã để đốt cúng cho người cõi âm. Các nhà văn hóa, nhà nghiên cứu cũng đã nói nhiều về chẳng có cơ sở nào chắc chắn người thân đã khuất của chúng ta có thể “dùng” được những vật ấy nhưng năm nào những mặt hàng này cũng vẫn đắt khách.
Nên chăng, mỗi ngày chúng ta dần hình thành cho mình những thói quen mới. Đốt vàng mã cũng vậy. Nếu đã “trần sao âm vậy” thì cái “Ngân hàng địa phủ” kia làm sao cho phép người dân in tiền bừa bãi ra, phải có một cơ quan chức năng làm nhiệm vụ in ấn, lưu hành tiền hợp pháp như trần gian.
Vì thế, thói quen đốt vàng mã hình thành nhiều năm khiến chúng ta cứ đốt mãi. Nếu bây giờ chúng ta bỏ bớt hoặc bỏ hẳn thì cũng chỉ vài năm nữa là hình thành nên một thói quen mới. Điều cuối cùng, nếu có đốt, mong mọi người Hà Nội hãy đảm bảo về an toàn cháy nổ, tránh để xảy ra những vụ hỏa hoạn đáng tiếc.
Có như thế thì sự báo hiếu người cõi âm trong tiết tháng 7 Vu lan mới trở nên trọn vẹn. Có như thế, mùa thu Hà Nội cũng mới thực sự trọn vẹn với mỗi người.
Chương trình nghệ thuật “Sao Độc lập”: Sống dậy một mùa Thu cách mạng |
Những khúc hùng ca vang mãi cùng mùa thu cách mạng |
Thu Hà Nội - sống chậm trong mùa dịch |