Sử dụng thực phẩm không an toàn: Đừng để phải nói từ "giá như"...
Nguy cơ mất an toàn thực phẩm tại các chợ dân sinh tự phát TTTĐ - Mặc dù những loại hình kinh doanh như siêu thị, trung tâm thương mại và các kênh bán lẻ hiện đại rất phát ... |
Bài 1: Tự đầu độc từ thức ăn "bẩn" nhưng "tiện"
Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) luôn là nỗi lo của mọi người dân. Trong khi cả xã hội đang quyết liệt đấu tranh với vấn nạn thực phẩm bẩn len lỏi vào bữa cơm của mỗi gia đình thì nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn luôn hiện hữu hàng ngày, hàng giờ ngay tại các tuyến phố.
Người bán: Không màng quy định ATTP
Cứ vào mỗi giờ ra chơi hay tan học, tại các hàng quán trước cổng trường, học sinh lại chen nhau ăn quà vặt.
Xe xiên bẩn thu hút học sinh giờ ra về tại khu vực gần cổng trường THCS Dịch Vọng |
Tại trường THCS Dịch Vọng (Cầu Giấy) giờ tan học buổi sáng, các xe bán quà vặt, đồ ăn nhanh lại chật kín học sinh đứng vây quanh.
Nhóm bạn trẻ xúm quanh mẹt hàng mua xúc xích, thịt xiên nướng, cá viên, gà lắc. Anh Thế Bảo đang đứng chờ đón con chia sẻ: “Ngày nào cũng chờ đón con ở đây, nhiều lần tôi thấy, người ta dùng tay không đeo găng để bốc đồ ăn cho khách. Đã thế, bát đũa nhiều mà chỉ có 2 xô nước để rửa và tráng”.
Điều dễ nhận thấy, bất chấp khói bụi, những đồ ăn nhanh như xúc xích rán, bò viên chiên, cá viên vẫn được chiên đi chiên lại bằng một chảo dầu không đảm bảo vệ sinh ngay bên lề đường.
Cùng với thức ăn sẵn, tại nhiều cổng trường học, các sản phẩm bánh kẹo, nước uống được bày bán rất nhiều, với đầy đủ các màu sắc, bao bì bắt mắt. Tuy nhiên những thông tin cơ bản như nhà sản xuất nguyên liệu, hạn sử dụng thì gần như không có hoặc nếu có thì rất mập mờ.
Bánh mì nướng không được che đậy, bám khói bụi xe cộ tại khu chợ Nghĩa Tân (Cầu Giấy) |
Theo quy định tại Thông tư số 30 của Bộ Y tế thì người kinh doanh thức ăn đường phố phải được tập huấn về vệ sinh an toàn thực phẩm, có giấy xác nhận phải được khám sức khỏe và cấp giấy xác nhận đủ điều kiện sức khỏe. Người mắc các bệnh truyền nhiễm không được tiếp xúc trực tiếp trong quá trình chế biến thực phẩm, nguyên liệu để chế biến thức ăn đường phố phải đảm bảo an toàn thực phẩm, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có đủ nguồn nước đạt quy chuẩn kỹ thuật phục vụ việc chế biến kinh doanh.
Tuy nhiên, hầu như không có điểm bán thức ăn đường phố nào bảo đảm đúng theo quy định, thậm chí khi được hỏi về các quy định này hầu hết người bán đều không biết hoặc lắc đầu từ chối trả lời.
Người mua: Ăn ít chắc không sao...
Điều đáng nói là không chỉ học sinh mà không ít phụ huynh đưa đón con đi học cũng sẵn lòng mua những loại thức ăn “không sạch” này cho con. Nhiều cha mẹ không hề nghi ngại dù biết những món ăn bày bán ở cổng trường không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Học sinh Khánh Vy học sinh trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (Cầu Giấy) cho biết: “Mình thấy mấy xiên này vừa ngon vừa rẻ, các bạn trong lớp cũng đều ăn. Tuy người ta gọi xiên bẩn nhưng mà tiện và ăn nghiện lắm, mình ăn ít chắc không sao đâu”.
Đồ ăn nhanh luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của người dân, đặc biệt là giới trẻ |
Nhiều cha mẹ với tâm lý chiều con, thường xuyên cho con tiền tiêu vặt để tự mua đồ ăn sáng, nên không ít học sinh đã trở thành khách hàng quen thuộc của những hàng quán ăn vặt ngoài cổng trường. Ngoài ra, cũng có không ít người thấy mua đồ ăn sẵn khá tiện lợi và nhanh nên họ đã mua về để cả nhà cùng ăn đỡ mất công đoạn nấu nướng.
Những món ăn này hầu hết là "ba không": không nguồn gốc, không xuất xứ, không hạn sử dụng.
Khu vực chế biến xiên nướng tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm tại đoạn đường Dương Quảng Hàm (gần trường Đại học Thủ đô Hà Nội) |
“Dù biết đồ ăn không đảm bảo chất lượng nhưng lại là món khoái khẩu của sinh viên. Nhiều bạn còn cho rằng là sinh viên phải thử qua những món đó. Đối với mình, dù ngon, chế biến nhanh, tiện lợi nhưng mình cũng hạn chế ăn để bảo vệ sức khỏe”, Hà Anh – sinh viên Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho hay.
Xiên “bẩn” Phùng Khoang luôn là nơi thu hút các bạn trẻ |
Một hình ảnh quen thuộc của những hàng bán thức ăn sẵn là người bán dùng tay để chế biến thức ăn từ sống đến chín và cũng bàn tay đang nấu nướng đó lại chìa ra thu tiền của người mua rồi lại tiếp tục chăm chú vào công việc đang làm.
Mặc dù, cơ quan chức năng đã ban hành nhiều quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm nhưng hầu hết những người bán thức ăn đường phố đều "phớt lờ". Còn người tiêu dùng, dù họ biết những nguy cơ tiềm ẩn khi sử dụng thức ăn đường phố "ba không" nhưng họ vẫn nhắm mắt cho qua.
(Còn nữa)