Sức chống chịu của doanh nghiệp đã suy giảm bởi dịch bệnh
Đồng loạt ngân hàng giảm lãi vay hỗ trợ người dân, doanh nghiệp |
Chính phủ vừa có báo cáo gửi Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện 6 tháng cuối năm 2021.
Theo báo cáo của Chính phủ, mặc dù trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2021 tiếp tục có những chuyển biến tích cực, nhưng kinh tế vĩ mô vẫn giữ được ổn định, lạm phát được kiểm soát.
Trong đó, chỉ số giá tiêu dùng bình quân 6 tháng chỉ tăng 1,47%, thấp nhất kể từ năm 2016, tạo dư địa trong điều hành giá theo mục tiêu dưới 4%; thu ngân sách Nhà nước 6 tháng đạt trên 58% dự toán, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm 2020; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng trên 32% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo đánh giá, tốc độ tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2021 ước đạt khoảng 5,64%, thấp hơn mục tiêu đề ra, song đây là mức tăng tích cực trong bối cảnh khó khăn toàn cầu do tác động của dịch bệnh Covid-19.
Mặc dù vậy, cũng như tất cả các nền kinh tế trên thế giới, Việt Nam đã và đang bị tác động tiêu cực bởi đại dịch Covid-19 khiến tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm chưa đạt mục tiêu kịch bản đề ra; hàng hóa xuất nhập khẩu có thời điểm bị ùn ứ.
Công ty Cổ phần sản xuất hàng thể thao Tân Đệ vừa phòng chống dịch bệnh vừa phục hồi sản xuất. |
Trong đó, hoạt động xuất nhập khẩu vẫn phụ thuộc vào một số ít thị trường, tỷ trọng xuất khẩu khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục áp đảo khu vực trong nước khi chiếm trên 74% tổng kim ngạch xuất khẩu; cán cân thương mại sau nhiều năm xuất siêu, trong 6 tháng đầu năm 2021 đã nhập siêu trở lại.
Bên cạnh đó, hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng gần 25% so với 6 tháng đầu năm 2020. Đáng chú ý, số lượng doanh nghiệp quy mô lớn rút lui khỏi thị trường tăng phản ánh sức chống chịu của họ đã suy giảm bởi dịch bệnh.
Trước đó, theo công bố của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong 6 tháng đầu năm nay, Việt Nam có 70,2 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 24,9% so với cùng kỳ năm 2020.
Cụ thể, chỉ trong nửa năm nay đã có 35,6 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 22,1% so với cùng kỳ năm trước; 24,7 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 25,7%; 9,9 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 33,8%.
Như vậy, tính trung bình mỗi tháng có 11,7 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Trong báo cáo gửi Quốc hội, Chính phủ dự báo 6 tháng cuối năm 2021, tình hình thế giới, khu vực diễn biến phức tạp, khó lường sẽ ảnh hưởng sâu sắc tới môi trường an ninh, phát triển của Việt Nam.
Với tốc độ tăng trưởng kinh tế GDP nửa đầu năm 2021 chỉ đạt 5,64% so với cùng kỳ, để mức tăng trưởng năm nay đạt 6% thì quý III phải tăng 6,2% và quý IV tăng 6,5%. Trong khi đó, đối với kịch bản GDP năm 2021 đạt 6,5% thì tốc độ tăng trưởng kinh tế quý III và IV lần lượt 7% và 7,5%.
Các kịch bản này đều phụ thuộc lớn vào khả năng khống chế Covid-19, nhất là tại các tỉnh, thành phố trọng điểm kinh tế, khu công nghiệp, khu kinh tế. Tuy nhiên, để đạt cao nhất mục tiêu tăng trưởng kinh tế, Chính phủ nhấn mạnh kiên định mục tiêu kép, vừa quyết liệt phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, bảo vệ sức khoẻ Nhân dân, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội...
Theo dự kiến, trong tuần này (ngày 22/7/2021), lãnh đạo Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội khoá XV tại kỳ họp thứ nhất về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện 6 tháng cuối năm 2021.