Tác giả Mây: "Cứ hết lòng yêu trẻ thơ thì tác phẩm sẽ được đón nhận"
Tác giả Mây giao lưu với độc giả trong buổi ra mắt cuốn sách "Quái thú răng thỏ và khu nhà gỗ"
Lời tâm sự đầu sách, tác giả Mây viết để tặng cô con gái Muối khi bắt đầu cầm chiếc bút chì và viết nên những nét chữ đầu tiên. “Mẹ viết cuốn truyện này lúc mẹ đang chênh vênh trong cuộc sống, nhiều lo âu, suy nghĩ nhưng câu chuyện tuổi thơ như một liều thuốc giúp mẹ trấn tĩnh lại. Có những lúc vui, có những lúc buồn, có những mất mát nhưng mẹ luôn trân trọng những phút giây đó. Mẹ cũng nhận ra rằng điều quan trọng nhất trong lúc này mẹ cần làm đấy là tạo ra một kí ức thật đẹp cho con, giống như các cụ và ông bà ngoại đã làm cho mẹ vậy”.
Tác giả Mây (thứ hai từ phải qua) và khách mời họa sĩ Lê Huyền Trang (ngoài cùng bên phải) và nhà văn Nguyễn Văn Thọ (bên trái) |
Đây cũng chính là lý do tại sao sau nhiều tác phẩm ở thể loại phim tài liệu và phim truyền hình, Mây mới bắt tay vào viết truyện đầu tiên dành cho thiếu nhi. Có ý kiến cho rằng trẻ em ngày nay sinh ra và lớn lên trong thời đại công nghệ số, liệu có hiểu và bị thu hút bởi cuốn sách viết về thời hậu bao cấp như vậy? Tác giả Mây đã hết sức chân thành: “Đúng là thế hệ nào cũng có tuổi thơ của riêng mình như tôi tự tin với những gì mình viết ra. Bởi lẽ, cứ hết lòng yêu trẻ thơ thì tác phẩm của mình sẽ được các em đón nhận”.
Là một trong những vị khách mời của buổi ra mắt “Quái thú răng thỏ và khu nhà gỗ”, nhà văn Nguyễn Văn Thọ nhấn mạnh: “Đây là cuốn sách đầu tay viết cho thiếu nhi của tác giả Mây nhưng đã hết sức chững chạc. Viết về trẻ con bằng ngôn ngữ, suy nghĩ của trẻ con không phải là dễ. Rất nhiều nhà văn lớn tuổi như tôi không dám viết về trẻ con. Mình viết sẽ mang tâm thức của người lớn áp đặt cho trẻ con là không đúng. Cái thành công lớn nhất của Mây là đã tái hiện một không khí đúng tâm lý lứa tuổi của thiếu niên, từ 12 tuổi trở lên”.
Nhà văn Nguyễn Văn Thọ (ngoài cùng bên trái) khích lệ tác giả Mây hãy đi theo con đường viết cho thiếu nhi |
Nguyễn Văn Thọ cho rằng vùng trời kỉ niệm của tác phẩm đã gợi lên quá khứ không chỉ có tích cực. Quá khứ có vui có buồn, có cả những kỉ niệm đau đớn của người lớn chen vào đây nữa nhưng được dõi theo với con mắt không phải của người lớn.
“Cha đẻ” của “Quyên”, cũng dành những lời tâm huyết: “Thông qua buổi ra mắt sách này, tôi muốn nhờ các bạn hãy lan tỏa thông điệp mà tôi trăn trở bấy lâu. Đó là những người viết trẻ, những người đang tìm cách đổi mới hình thức, cố gắng tìm những vấn đề khác biệt nhưng để thành công được thì không nhiều và không phải dễ.
Trong khi đó, mảng viết cho thiếu nhi, để cùng với xã hội, cùng với học đường biến ước mơ của các bậc cha mẹ, làm sao cho con mình trở thành người tử tế, nhân hậu, có ích cho xã hội thì lại ít được quan tâm. Đây là mảng rất thiếu. Các tác giả trẻ nên tập trung vào vấn đề này nhiều hơn là tìm kiếm đâu xa”.
Nhà văn Nguyễn Văn Thọ cũng đề nghị tác giả Mây tiếp tục viết bằng tình yêu của mình, vì nếu không có tình yêu thì không viết được. Hãy tiếp tục đi theo vệt đường này bởi ông hy vọng chị sẽ trở thành một nhà văn đích thực.
“Quái thú răng thỏ và khu nhà gỗ” là những kí ức tuổi thơ của một cô bé với biệt danh Quái thú răng thỏ và hai người bạn Ngọc Rùa, King Kong ở khu tập thể Bệnh viện Bạch Mai gần 30 năm trước.
Ở đó, có những kỉ niệm tuổi thơ hồn nhiên với những buổi trưa hè trốn ngủ, ngồi trên sân thượng tòa nhà bệnh viện hái nhãn ăn; là sự ngỡ ngàng xen lẫn thấp thỏm lo âu của lần đầu được dùng chiếc điều khiển ti-vi; là những cuộc tranh cãi nảy lửa của trẻ con; những lần bơi lội tung tăng ở cái “bể bơi” sân bệnh viện ngày mưa lớn...
Ngoài những kỉ niệm vui, tác phẩm cũng có không ít những kí ức buồn. Đó là những cuộc gặp gỡ rồi chia li và cả “sóng gió đầu đời” khi cô bé Răng Thỏ gặp chàng hoàng tử của mình.
Tất cả đều tái hiện trong cảm xúc ắp đầy của Mây. Không tô vẽ, không cầu kì về cách kể, lối viết, những câu chuyện vui buồn của ba đứa trẻ ở khu nhà gỗ cứ tự nhiên lôi cuốn người đọc.
Qua những câu chuyện của Mây, độc giả được trở lại một góc Hà Nội những năm 90 của thế kỉ trước, dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng luôn thấm đượm tình người.
Trong phần “Thay lời giới thiệu”, nhà báo Trương Anh Ngọc chia sẻ: “Đây là một tác phẩm mà tôi thích và tôi tin, ai trong số chúng ta cũng có rất nhiều những kỉ niệm ấu thơ gắn bó với một ai đó, một hoàn cảnh nào đó, ở một nơi nào đó đáng nhớ, đáng yêu và đáng để kể lại. Để rồi một ngày nào đó quay lại nhìn chặng đời đã qua, có thể mỉm cười và nói "ngày ấy, mình đã sống như thế".
Tác giả Mây tên thật là Nguyễn Thu Hằng, sinh ra và lớn lên tại Hà Nội. Chị tốt nghiệp khoa Đạo diễn Truyền hình, trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội năm 2009.
Chị là biên kịch kiêm đạo diễn phim tài liệu "Chuyện của Nhã", tác phẩm đoạt giải C, Giải Báo chí Quốc gia năm 2010.
Chị cũng là biên kịch của các bộ phim truyền hình "Nếu chỉ là giấc mơ" và "Chân trời trắng"