Tái hiện nét đẹp văn hoá gia đình của người Hà Nội
Không khí gần gũi, thân thương của gia đình Hà Nội Hà Nội tặng hơn 12 nghìn suất quà tới gia đình người có công Nhiều gia đình bật khóc khi nhận di ảnh liệt sĩ được phục dựng |
Trong “quen có lạ” là cách đạo diễn tạo nên bối cảnh sinh động về đời sống của một gia đình Hà Nội, đưa nếp sống của thành phố vào cách ăn mặc, giao tiếp đến việc duy trì mối quan hệ đời thường thông qua các nhân vật.
Không khí gia đình đầm ấm, đậm nét văn hóa người Hà Nội trong phim "Hoa sữa về trong gió" |
Bộ phim kể về cuộc sống gia đình của bà Trúc (NSƯT Thanh Quý) và hai người con của bà là Hiếu (NSƯT Bá Anh) và Thuận (Huyền Sâm). Với sự đầu tư chỉn chu về kịch bản và dàn diễn viên tài năng, đạo diễn Bùi Tiến Huy đã khéo léo dẫn dắt khán giả vào những câu chuyện đời thường, để đồng cảm được nhiều bài học sâu sắc về tình cảm gia đình trong xã hội ngày nay.
Sự thấu hiểu và sẻ chia qua nhiều thế hệ
Bà Trúc, nhân vật chính, là một người mẹ mang nhiều nét tính cách của người phụ nữ Hà Nội - thanh lịch, nền nã, nhẹ nhàng, sâu sắc. Ở tuổi 70, bà vẫn chăm sóc và lo lắng cho gia đình con trai, con gái cùng cháu nội. Đây là hình ảnh phổ biến trong văn hóa Việt Nam, nơi người phụ nữ được xem như cầu nối gắn kết tình cảm của gia đình.
Bà Trúc mang những nét tính cách đặc trưng của người phụ nữ Hà Nội (Ảnh: VFC) |
Nhờ vào cách tiếp cận mới lạ, bộ phim đã vượt qua những định kiến một màu, không chỉ dừng lại ở những mâu thuẫn gia đình thông thường, mà còn khám phá sự kết nối giữa các thế hệ thông qua những chi tiết tinh tế và nhẹ nhàng.
Trong những bộ phim Việt trước, mối quan hệ giữa mẹ chồng nàng dâu hay được khai thác dựa trên những mâu thuẫn, khoảng cách thế hệ không được giải quyết dẫn tới nhiều hậu quả tiêu cực.
Tình cảm giữa mẹ chồng - nàng dâu được thể hiện một cách nhẹ nhàng, tích cực |
Thay vì vậy, trong mối quan hệ giữa bà Trúc và cô con dâu Linh (do Thanh Hương đảm nhận) lại được thể hiện một cách nhẹ nhàng, chan chứa tình yêu thương và sự thấu hiểu.
Bà Trúc luôn nhìn vào những mặt tích cực của con cô dâu như biết quan tâm gia đình. Cụ thể, Linh luôn chăm sóc chu đáo cho mẹ chồng, thậm chí còn tinh tế nhận ra và lo lắng từng chút cho sức khỏe của bà Trúc.
Coi cô như là phiên bản thứ hai của chính mình, bà mẹ chồng Hà Nội càng trân trọng điều đó thông qua việc đứng ra bảo vệ Linh khi có một số điều không hay đến với cô. Sự thay đổi trong cách kể chuyện này không chỉ mang lại sự mới mẻ mà còn giúp khán giả cảm thấy thoải mái và dễ chịu.
Nhờ những thay đổi nhỏ trong cách xây dựng nội dung, bộ phim trở lên khác biệt, thu hút khán giả tập trung vào những điều giản dị, chân thành trong tình cảm gia đình.
Tình cảm vô bờ bến của bà Trúc dành cho cô cháu gái |
Sự gắn kết giữa bà Trúc và người cháu gái Trang cũng là điểm sáng trong suốt cả bộ phim. Trong khi, "Hoa sữa về trong gió" khắc họa những vấn đề thực tiễn mà không ít gia đình Việt Nam đang gặp phải, đặc biệt là việc cha mẹ áp đặt ước mơ của họ lên con cái.
Trong phim, Trang là nhân vật bị bố sắp xếp cho đi theo con đường mà bố cô cho là an toàn. Đây là một hiện tượng phổ biến trong nhiều gia đình hiện đại, nhất là khi những bậc phụ huynh thế hệ trước thường ưu tiên sự ổn định trong sự nghiệp, trong khi thế hệ trẻ Gen Z lại tìm kiếm sự tự do và đam mê cá nhân.
Những lúc đó, bà Trúc lại xuất hiện với sự chăm sóc, thể hiện qua những lời khuyên nhủ nhẹ nhàng nhưng sâu sắc. Bà Trúc vẫn là người mà các con, các cháu tìm đến mỗi khi gặp khó khăn, và luôn đón nhận chúng với một tình yêu vô điều kiện, không phán xét.
Qua đó, bộ phim đã khéo léo nhấn mạnh giá trị của gia đình Hà Nội, nơi mỗi thành viên luôn tìm thấy sự bình yên, ấm áp trong tình yêu thương của cha mẹ, ông bà dù cuộc sống bên ngoài có nhiều thử thách.
Mỗi thành viên trong gia đình, dù có khúc mắc, làm nhiều hành động khiến cho tình cảm trở nên xa cách. Song, trải qua mỗi cuộc cãi vã, hiểu lầm như vậy họ lại càng thấu hiểu, gắn bó hơn. Gia đình là vậy, chính là nơi giúp mỗi đứa trẻ trưởng thành qua bao thăng trầm.
Chất Hà Nội đến từng chi tiết nhỏ
"Hoa sữa về trong gió" thu hút người xem không chỉ bởi nội dung mà còn nhờ vào khung cảnh bình yên và lãng mạn của Hà Nội. Phim không chỉ tập trung vào mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình bà Trúc mà còn khéo léo tái hiện không khí gia đình Hà Nội truyền thống, từ những chi tiết nhỏ nhặt nhất.
Hình ảnh ngôi nhà cổ giữa phố phường Hà Nội, với cánh cửa gỗ và những bức tường cũ kỹ, mang lại cho khán giả cảm giác quen thuộc về một Hà Nội thanh bình, yên ả. Những bữa cơm gia đình quây quần, với các món ăn truyền thống như đã khắc sâu vào tâm trí khán giả về sự gắn kết của những người con Hà Nội.
Nét mộc mạc Hà Nội được thể hiện trong từng bối cảnh của bộ phim |
“Hoa sữa về trong gió” không chỉ là câu chuyện về một gia đình, giống như cuộc sống có vạn điều đương nhiên quen thuộc, như mẹ yêu con, như hết ngày nắng sang ngày mưa, như vòng đời suy rồi lại thịnh, như tình người lạnh rồi lại ấm như mùa thu đến, hoa sữa quay về.
Đó còn là lời tri ân gửi đến Hà Nội - thành phố của những kỷ niệm và truyền thống. Hình ảnh cây hoa sữa nở trắng trên các con phố nhỏ vào mùa thu, hay những buổi sáng Hà Nội tĩnh lặng với âm thanh của xe đạp và tiếng rao hàng rong, đều mang đến cho khán giả cảm giác thân thương.
“Hoa sữa về trong gió” không chỉ là một câu chuyện gia đình thông thường mà còn là lời tri ân dành cho văn hóa Hà Nội và giá trị gia đình truyền thống.
Qua hình ảnh bà Trúc, các con và các cháu, bộ phim đã khắc họa sâu sắc sự gắn kết đa thế hệ trong gia đình Hà Nội, đồng thời nhấn mạnh vai trò quan trọng của tình yêu thương và sự thấu hiểu.
Bộ phim như một tấm gương phản chiếu, giúp khán giả không chỉ nhìn thấy hình ảnh của gia đình mình, mà còn cảm nhận được những giá trị văn hóa tinh tế mà Hà Nội luôn trân trọng và gìn giữ.