Tai nạn khiến bảo vệ khu đô thị tử vong: Tài xế điều khiển xe ô tô sẽ bị xử lý tội danh gì?
Hiện trường vụ tai nạn khiến nhân viên bảo vệ khu đô thị bị thương nặng rồi tử vong |
Theo thông tin điều tra bước đầu, khoảng 16h45’ ngày 28/3, Trịnh Bá Trọng - tài xế điều khiển xe ô tô taxi (BKS: 29E-012.42) đỗ tại ngã tư đường Hải Đăng 3, Hải Đăng 9 (thị trấn Trâu Quỳ, Gia Lâm), thì bị anh Vũ Trung Dũng (SN: 1997), là nhân viên bảo vệ Khu đô thị cùng một số bảo vệ khác khoá bánh xe ô tô vì đỗ sai quy định.
Khi anh Dũng cùng tổ bảo vệ yêu cầu Trọng viết cam kết không tiếp tục đỗ xe trái quy định thì sẽ mở khoá nhưng Trọng không viết mà lên xe nổ máy phong di. Anh Vũ Trung Dũng sử dụng xe mô tô đuổi theo và đi lên trước xe Trọng yêu cầu tài xế dừng lại để xử lý theo quy định.
Khi đi đến đoạn đường Hải Đăng 3, anh Dũng gặp xe ô tô đang dừng đỗ phía trước ở mép đường bên phải nên điều khiển xe mô tô láng sang bên trái để tránh xe ô tô đang dừng đỗ. Cùng lúc này, Trọng tăng ga tiếp tục bỏ chạy nên đã đâm vào phía sau xe mô tô khiến anh Dũng ngã văng vào đuôi xe ô tô đỗ bên đường, và bị thương tích nặng. Xe ô tô của Trọng tiếp tục đâm va vào 2 xe ô tô đỗ bên đường mới dừng lại hẳn.
Lực lượng bảo vệ Khu đô thị đã khống chế, đưa Trọng đến Công an thị trấn Trâu Quỳ trình báo sự việc, đồng thời đưa nạn nhân Dũng đi bệnh viện cấp cứu. Do bị chấn thương quá nặng nên anh Dũng đã tử vong vào hồi 21h25’ cùng ngày.
Ngay sau khi tiếp nhận tin báo, Cơ quan CSĐT- Công an huyện Gia Lâm đã phối hợp với lực lượng chức năng tiến hành khám nghiệm hiện trường, pháp y tử thi nạn nhân theo quy định. Đồng thời tạm giữ hình sự đối với Trịnh Bá Trọng để điều tra xử lý theo quy định.
Lực lượng chức năng phong tỏa hiện trường, điều tra làm rõ vụ tai nạn |
Trao đổi với PV báo Tuổi trẻ Thủ đô về vụ việc trên, Tiến sỹ, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) nêu quan điểm: Đây là vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, tước đi tính mạng của một nhân viên bảo vệ tại khu đô thị. Cơ quan chức năng sẽ làm rõ nhận thức, ý thức chủ quan của người điều khiển chiếc xe ô tô để xác định hành vi là vô ý hay cố ý.
Với những gì diễn ra trong clip cho thấy người lái xe ô tô đã đâm vào phía sau xe máy khiến người điều khiển xe máy thương tích nặng, được đưa đi bệnh viện cấp cứu và đã tử vong, bởi vậy bước đầu xác định đây là vụ việc tai nạn giao thông nghiêm trọng và có lỗi của người lái xe ô tô.
Theo quy định của luật giao thông đường bộ thì người tham gia giao thông phải làm chủ tốc độ, chú ý quan sát. Khi gặp chướng ngại vật phải giảm tốc độ đến mức thấp nhất để đảm bảo an toàn. Bởi vậy tất cả những vụ việc mà người tham gia giao thông không làm chủ tốc độ, thiếu chú ý quan sát, đâm vào đuôi xe của phương tiện di chuyển cùng chiều thì người điều khiển phương tiện phía sau có lỗi.
Hành vi có lỗi khi tham gia giao thông đường bộ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng như chết người, thương tích của nạn nhân từ 61 % trở lên hoặc thiệt hại về tài sản từ 100 triệu đồng đồng trở lên thì người vi phạm giao thông đường bộ sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự theo điều 260 Bộ luật hình sự.
“Cần lưu ý là tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ là có lỗi cố ý hoặc vô ý đối với với hành vi tham gia giao thông đường bộ và vô ý đối với hậu quả. Nếu trong trường hợp vụ tai nạn giao thông mà người thực hiện hành vi cố ý đối với hậu quả vụ tai nạn giao thông: Nhận thức được hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội nhưng vẫn cố ý thực hiện hành vi, mong muốn hoặc bỏ mặc hậu quả xảy ra thì hành vi này là cố ý gây thương tích hoặc giết người chứ không còn là hành vi vi phạm về tham gia giao thông đường bộ.
Về mặt lý luận thì hành vi vi phạm pháp luật chỉ thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm nếu như hành vi thỏa mãn đầy đủ các dấu hiệu cấu thành tội phạm bao gồm mặt chủ quan, mặt khách quan, chủ thể và khách thể của tội phạm. Trong những vụ tai nạn giao thông, nếu người gây ra tai nạn mà vô ý đối với hậu quả thì sẽ bị xử lý về hành vi vi phạm về giao thông đường bộ.
Trường hợp vụ tai nạn giao thông xảy ra do lỗi cố ý đối với hành vi và cố ý đối với hậu quả, người thực hiện hành vi vi phạm giao thông đường bộ mong muốn hoặc bỏ mặc hậu quả nạn nhân thương vong thì phải xử lý hình sự về tội giết người hoặc tội cố ý gây thương tích, tùy thuộc vào hành vi và hậu quả cụ thể”, luật sư Đặng Văn Cường phân tích.
Cảnh sát bắt giữ tài xế điều khiển xe taxi gây tai nạn |
Cũng theo vị Tiến sỹ luật học, trong vụ tai nạn giao thông nêu trên, hành vi vi phạm giao thông đường bộ, hậu quả là đã rõ, đây là vấn đề thỏa mãn mặt khách quan của tội phạm. Cơ quan điều tra sẽ tiếp tục làm rõ mặt chủ quan của tội phạm. Trong đó, sẽ làm rõ nhận thức, ý thức chủ quan của người điều khiển phương tiện.
Trường hợp có căn cứ cho thấy người này do thù tức với bảo vệ khu đô thị và đã sử dụng phương tiện giao thông (nguồn nguy hiểm cao độ) đâm thẳng vào nạn nhân, bỏ mặc hậu quả chết người xảy ra hoặc mong muốn hậu quả chết người xảy ra thì đây là hành vi giết người, người thực hiện hành vi này sẽ bị xử lý hình sự theo điều 123 bộ luật hình sự mà không phụ thuộc vào hậu quả nạn nhân có tử vong hay không.
Dù kết quả giải quyết vụ việc này như thế nào, xử lý về tội gì thì người điều khiển phương tiện gây tai nạn vẫn phải bồi thường toàn bộ thiệt hại cho gia đình nạn nhân, thiệt hại bao gồm chi phí cứu chữa, tiền công người chăm sóc đối với nạn nhân trước khi chết, tiền chi phí mai táng theo phong tục địa phương, tiền nghĩa vụ cấp dưỡng đối với người mà nạn nhân có nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định pháp luật và một khoản bồi thường tổn thất về tinh thần không quá 100 tháng lương cơ bản.