Tăng cường chăm sóc, bảo vệ vật nuôi trong mùa mưa bão
Theo đó, chuồng nuôi phải đảm bảo chắc chắn, không dột, không ngập úng, có tấm che chắn mưa tạt, gió lùa để bảo vệ gia súc khi mưa to, gió lớn; Phù hợp với số lượng, đặc tính, lứa tuổi gia súc. Ở những vùng đất trũng, nền chuồng phải tôn lên cao để tránh ngập úng. Có đủ bạt để che mưa hắt.
Người chăn nuôi phải thường xuyên kiểm tra hệ thống thoát nước chung của cả khu vực, đặc biệt phải củng cố hệ thống thoát nước thải, nơi chứa chất thải để hạn chế ô nhiễm khi mưa to hoặc ngập lụt. Khu chứa chất thải (phân, rác và nước thải) phải xa chuồng nuôi, đặt cuối hướng gió, vị trí thấp và xa nguồn nước ngầm, trường học, bệnh viện…
Người chăn nuôi cần tăng cường chăm sóc, bảo vệ vật nuôi trong mùa mưa bão |
Để tăng cường vệ sinh phòng bệnh cho gia súc, thường xuyên quét dọn, vệ sinh sạch sẽ trong và ngoài chuồng nuôi; Định kỳ vệ sinh máng ăn, máng uống, các dụng cụ chăn nuôi; Phun khử trùng trong và ngoài chuồng nuôi gia súc để diệt mầm bệnh có trong môi trường. Chuẩn bị dự phòng một số thuốc thú y thiết yếu như thuốc trợ sức, trợ lực, kháng sinh phổ rộng, thuốc sát trùng…
Đặc biệt, người chăn nuôi cần đảm bảo nguồn thức ăn cho vật nuôi. Thức ăn xanh là nguồn thức ăn chính cho gia súc nhai lại. Vì vậy cần chú ý chủ động dự trữ nguồn thức ăn xanh, có thể phơi khô (rơm và cỏ), ủ chua thức ăn xanh để đảm bảo nguồn thức ăn cho gia súc trong mùa mưa bão. Đặc biệt nên lưu ý cung cấp thêm cho gia súc ăn cỏ và thức ăn tinh để chúng có thêm nguồn dinh dưỡng cần thiết giúp chống chọi với điều kiện thời tiết bất lợi. Với thức ăn, cần cung cấp đầy đủ về số lượng và chất lượng, thức ăn cần bảo quản ở những nơi khô ráo để tránh bị ẩm mốc.