Tăng cường kiểm tra, gia cố tuyến đê trọng yếu trước mùa mưa bão
Đẩy nhanh tiến độ thi công, khắc phục sự cố
Chỉ còn hơn một tháng nữa là bước vào cao điểm mùa mưa lũ năm 2025 với nhiều cảnh báo về thời tiết cực đoan, bất thường. Tuy nhiên, đến thời điểm này, không ít công trình khắc phục sự cố đê điều trên địa bàn thành phố Hà Nội xảy ra từ mùa mưa bão năm 2024 vẫn chưa hoàn thành.
Đơn cử, trên tuyến hữu Đà đoạn qua xã Tòng Bạt (huyện Ba Vì) đã xảy ra sự cố sạt lở với chiều dài khoảng 230m khu vực mái đê hạ lưu. Trên tuyến hữu Hồng, đoạn qua xã Cổ Đô (huyện Ba Vì) cũng ghi nhận sự cố sạt lở 220m mái đê phía hạ lưu.
Trong khi đó, tuyến đê hữu Đáy qua địa phận các xã: Sài Sơn, Đồng Quang, Cộng Hòa (huyện Quốc Oai) ghi nhận 3 điểm sụt lún. Tại phường Đồng Mai (quận Hà Đông), sạt lở bờ sông Đáy khiến nhiều hộ dân bị mất đất canh tác và đất ở, gây hư hại công trình, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt.
Theo đánh giá của các hạt quản lý đê, những sự cố trên không chỉ đe dọa trực tiếp an toàn tuyến đê, mà còn ảnh hưởng đến đời sống dân sinh và hệ thống giao thông khu vực. Tuy nhiên, ghi nhận thực tế cho thấy, tại các điểm xảy ra sự cố như đê hữu Đà, hữu Hồng (đoạn qua huyện Ba Vì), đê hữu Đáy (huyện Quốc Oai) và bờ sông Đáy (quận Hà Đông), vẫn chưa có công trình khắc phục nào được triển khai ngoài thực địa.
![]() |
Thời điểm này, các địa phương đang khẩn trương khắc phục hư hỏng, bảo đảm an toàn công trình đê điều, sẵn sàng ứng phó với lũ lớn |
Trong khi đó, Phó Giám đốc Đài khí tượng thủy văn khu vực đồng bằng và trung du Bắc Bộ Nguyễn Văn Hiệp cho biết: Từ nay đến tháng 7/2025, trên Biển Đông có thể xuất hiện 2-3 cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới, trong đó có ít nhất 1 cơn có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực Hà Nội.
Cùng thời gian này, thành phố có thể hứng chịu 2 - 4 đợt mưa vừa đến mưa to diện rộng kèm hiện tượng dông, lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.
Dự báo trong mùa mưa lũ năm nay, các sông: Tích, Bùi, Nhuệ, Cà Lồ có thể xuất hiện 3 - 5 đợt lũ với mực nước đỉnh lũ đạt mức báo động II, thậm chí báo động III, xuất hiện tập trung vào cuối tháng 7, tháng 8 và đầu tháng 9.
Trong khi đó, theo Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội, trong mùa mưa bão 2024, trên địa bàn thành phố phát sinh tới 76 sự cố đê điều. Cụ thể, có 35 sự cố liên quan đến thân đê, 11 sự cố về kè, 4 sự cố về cống và 22 sự cố về bờ, bãi sông.
Trước thực trạng đó, người dân và chính quyền các địa phương nơi có sự cố đê điều mong muốn các cấp, các ngành liên quan sớm vào cuộc quyết liệt hơn, khẩn trương khắc phục hư hỏng, bảo đảm an toàn công trình, sẵn sàng ứng phó với lũ lớn.
Phát huy vai trò của lực lượng tại chỗ
Nhằm phát huy hiệu quả lực lượng tại chỗ, tại mỗi thôn, tổ dân phố đều có tổ xung kích phòng chống thiên tai gồm dân quân tự vệ, công an, thanh niên tình nguyện và người dân nòng cốt. Đây là lực lượng nắm rõ địa bàn, có khả năng cơ động nhanh và hỗ trợ kịp thời khi thiên tai xảy ra.
Tại xã Minh Quang, huyện Ba Vì, người dân cho biết: “Chúng tôi nằm ven sông Đà, thường xuyên chịu ảnh hưởng của mưa lũ. Mỗi mùa mưa, tổ xung kích xã phối hợp với các hộ dân chủ động di dời tài sản, gia cố nhà cửa, nắm chắc các hộ trong vùng có nguy cơ cao để ứng cứu khi cần thiết.”
Bên cạnh đó, các địa phương cũng đã dự trữ đầy đủ vật tư thiết yếu như bao tải, tre luồng, bè mảng, áo phao, lương khô… để đảm bảo hậu cần tại chỗ. Việc tập huấn, diễn tập phương án phòng chống thiên tai theo từng kịch bản cụ thể cũng được triển khai thường xuyên nhằm nâng cao khả năng phối hợp liên ngành trong thực tế.
UBND Hà Nội cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong cảnh báo, chỉ đạo điều hành. Hệ thống loa truyền thanh cơ sở, mạng xã hội, ứng dụng Zalo của chính quyền các cấp đã được tận dụng để phát tin cảnh báo mưa lớn, dông lốc, sạt lở… đến từng người dân một cách nhanh chóng.
![]() |
Đại diện chủ đầu tư, nhà thầu, tư vấn giám sát thường xuyên có mặt tại hiện trường để kịp thời xử lý vướng mắc phát sinh, đẩy nhanh tiến độ thi công khắc phục sự cố đê Gò Khoăm (đoạn xã Mỹ Lương, huyện Chương Mỹ) |
Ngoài ra, thành phố đang phối hợp với các cơ quan nghiên cứu triển khai thí điểm các mô hình cảnh báo lũ quét, sạt lở theo thời gian thực ở khu vực miền núi như Ba Vì, Mỹ Đức, Chương Mỹ nhằm chủ động hơn trong công tác phòng ngừa, giảm thiểu thiệt hại.
Đặc biệt, với các khu dân cư mới ven sông, khu đô thị thấp trũng hoặc khu vực có nguy cơ ngập sâu, TP. Hà Nội yêu cầu các chủ đầu tư phải xây dựng phương án thoát nước và phòng ngập úng cụ thể, tránh tình trạng “đô thị hóa đi trước, hạ tầng đi sau”.
Bài học từ các đợt mưa lớn gây ngập úng diện rộng tại Hà Nội những năm gần đây cho thấy, chỉ một vài giờ mưa lớn với lưu lượng lớn cũng có thể làm tê liệt nhiều tuyến đường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và sản xuất. Do đó, Hà Nội xác định phương châm “phòng là chính, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương” là kim chỉ nam trong công tác phòng chống thiên tai.
Thành phố yêu cầu các quận, huyện, thị xã phải thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” với tinh thần trách nhiệm cao, không trông chờ vào lực lượng cấp trên. Chúng ta có thể không ngăn được thiên tai nhưng hoàn toàn có thể giảm thiểu thiệt hại nếu chủ động, quyết liệt ngay từ cơ sở.
Trước diễn biến thời tiết, thiên tai ngày càng cực đoan, trái quy luật, việc bảo đảm an toàn các công trình chống lũ cần được xem là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục của các cấp, các ngành. Trọng tâm hiện nay là khẩn trương hoàn thiện các công trình khắc phục sự cố đê điều, đồng thời rà soát, củng cố phương án ứng phó thiên tai theo hướng chủ động, thực chất và hiệu quả hơn.
Tin liên quan
Đọc thêm

Thời tiết ngày 27/5: Mưa trên diện rộng

Bà Rịa - Vũng Tàu tăng cường bảo vệ đê điều mùa mưa lũ

Hà Nội nhiều mây, mưa rào rải rác, có nơi có dông

Tập trung ứng phó nguy cơ sạt lở đất, lũ quét, ngập lụt cục bộ ở Bắc Bộ

Người dân phải là chủ thể trong giảm phát thải nhựa

Khu vực Bắc Bộ mưa rất to

Nguy cơ lũ quét, sạt lở tại Cao Bằng

Bắc Bộ ngày có nắng nóng, chiều tối và đêm mưa dông

Tập trung giải quyết dứt điểm các bức xúc về ô nhiễm môi trường
