Tăng cường kỹ năng đàm phán, phòng vệ thương mại cho doanh nghiệp
Bà Nguyễn Thị Mai Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội cho biết, tình hình bối cảnh thế giới có nhiều biến động về dầu mỏ, xung đột căng thẳng giữa Nga - Ukraina, vấn đề suy thoái nền kinh tế Châu Âu và một số nước trên thế giới cũng như vấn đề lạm phát… khiến nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng gặp nhiều khó khăn; Qua đó ảnh hưởng đến việc sản xuất, kinh doanh cũng như xuất khẩu của doanh nghiệp, đặc biệt là sau hơn 2 năm chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Theo bà Nguyễn Thị Mai Anh, dù gặp khó khăn như vậy nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn thành công. Việc kinh doanh, xuất khẩu hay tiêu thụ hiện nay của doanh nghiệp không chỉ dừng ở giao dịch trực tiếp mà được phát triển rất mạnh trên nền tảng số, trên các giao dịch số.
Cần tăng cường hướng dẫn các doanh nghiệp xử lý các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam |
Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội đã có chuỗi các hoạt động, tổ chức các hội nghị chuyên đề để nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp trong vấn đề tiêu thụ, quảng bá, phân phối thông qua các kênh phân phối thương mại điện tử xuyên biên giới, kênh phân phối thương mại điện tử trong nước.
"Hội nghị ngày hôm nay sẽ tập trung cung cấp cho doanh nghiệp kiến thức về đàm phán trong giao dịch thương mại, trang bị kỹ năng ký kết hợp đồng; Nâng cao nhận thức, hiểu biết của doanh nghiệp và hiệp hội về các biện pháp phòng vệ thương mại, hiểu được quy trình, thủ tục điều tra phòng vệ thương mại; Rút ra được các bài học kinh nghiệm và từ đó nắm được phương hướng, cách thức xử lý các vụ việc phòng vệ thương mại của nước ngoài đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam một cách chủ động và hiệu quả", Phó Giám đốc HPA Nguyễn Thị Mai Anh nhấn mạnh.
Đây cũng là cơ hội dành cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa nâng cao nhận thức và năng lực xử lý các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh xu hướng bảo hộ trên thế giới đang gia tăng.
Bà Trịnh Thị Ngân, Trưởng ban cố vấn Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội cho rằng, sau hơn 2 năm đại dịch COVID-19, các doanh nghiệp cũng đã được thừa hưởng nhiều chính sách hỗ trợ từ Chính phủ, TP Hà Nội. Tuy nhiên, các doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn còn thiếu và yếu, nhất là những doanh nghiệp khởi nghiệp. Nhiều doanh nghiệp vẫn chưa nắm được các nội dung, kiến thức về pháp luật, những hiệp định, những rào cản kỹ thuật trong giao dịch thương mại điện tử.
"Cơ hội xuất khẩu, mở rộng thị trường không chỉ danh cho các doanh nghiệp lớn mà còn mở ra những cánh cửa mới cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Do đó, chúng tôi đánh giá cao việc HPA tổ chức các hội nghị tập huấn cho doanh nghiệp nắm vững các kỹ thuật trong đàm phán, giao dịch thương mại; điều này có ý nghĩa không nhỏ cho sự phát triển của các doanh nghiệp nhỏ và vừa", bà Trịnh Thị Ngân khẳng định.
Các doanh nghiệp mong muốn được học hỏi nhiều hơn những kỹ năng đàm phán, phòng vệ thương mại qua đó tăng kim ngạch xuất khẩu |
Tại hội nghị, đại diện một số doanh nghiệp ngành gốm sứ chia sẻ: Trong những năm gần đây, thị phần xuất khẩu gốm sứ sụt giảm. Nguyên nhân do phải cạnh tranh giá thành với hàng Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan; Đồng thời, kỹ năng đàm phán ký kết hợp đồng xuất khẩu chưa chuyên nghiệp nên thường đối mặt với các vụ kiện phòng vệ thương mại. Do đó, các doanh nghiệp mong muốn được học hỏi nhiều hơn những kỹ năng đàm phán, phòng vệ thương mại qua đó tăng kim ngạch xuất khẩu.
Trong khuôn khổ hội nghị, TS Hoàng Hải Yến (trường Đại học Ngoại thương) chia sẻ những nội dung về lý luận, kỹ thuật đàm phán trong giao dịch thương mại; Tổng quan về những biện pháp phòng vệ thương mại trong quá trình thực thi các FTA và pháp luật của Việt Nam; Đồng thời hướng dẫn xử lý các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Qua đó, các doanh nghiệp Việt Nam duy trì và thúc đẩy xuất khẩu một cách bền vững và hiệu quả; Giảm thiểu tác động bất lợi từ các vụ kiện phòng vệ thương mại của nước ngoài, bảo đảm sự cạnh tranh cạnh tranh so với hàng hóa xuất khẩu của các quốc gia khác.
Sau hơn 2 tiếng lắng nghe, các doanh nghiệp đã phần nào hiểu và trang bị được những kiến thức chuyên sâu về tổ chức các cuộc đàm phán và trao đổi giao dịch kinh doanh với các đối tác trong và ngoài nước… nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam duy trì và thúc đẩy xuất khẩu một cách bền vững và hiệu quả. Đặc biệt sau tác động của đại dịch COVID-19, giảm thiểu tác động bất lợi do các biện pháp phòng vệ thương mại của nước ngoài gây ra, bảo đảm sự cạnh tranh cạnh tranh so với hàng hóa xuất khẩu của các quốc gia khác.