Tạo bứt phá mới từ phát triển khoa học, công nghệ
Yếu tố trụ cột mang tính nền tảng
Kết luận số 80-KL/TƯ về “Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và “Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065” của Bộ Chính trị nhấn mạnh, KHCN, đổi mới sáng tạo cùng nguồn nhân lực chất lượng cao và nhân tài là trụ cột mang tính nền tảng, nội dung cốt lõi trong chiến lược xây dựng và phát triển Thủ đô.
Quy hoạch Thủ đô đưa ra các giải pháp để khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trở thành trụ cột phát triển |
Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được xây dựng trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mở ra nhiều cơ hội, đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức đối với mỗi quốc gia, tổ chức và cá nhân.
Chính vì thế, thời gian qua, TP Hà Nội đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành đẩy mạnh ứng dụng, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nghiên cứu nắm bắt, nâng cao năng lực tiếp cận và chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Đến nay, việc triển khai chuyển đổi số của Hà Nội bước đầu đạt một số kết quả, Chính quyền số từng bước được triển khai. Việc xây dựng hạ tầng số được quan tâm đẩy mạnh bảo đảm các điều kiện phục vụ nhiệm vụ phát triển nền tảng số, dữ liệu số và các hoạt động chuyển đổi số khác.
Kinh tế số, xã hội số của Thủ đô phát triển tốt, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực thương mại điện tử và thanh toán không dùng tiền mặt. Cùng với đó, Hà Nội phấn đấu hình thành 10.000 doanh nghiệp công nghệ số vào năm 2025; hình thành 10 nhóm sản phẩm công nghệ số là sản phẩm công nghiệp chủ lực.
Việc triển khai các nhiệm vụ của Đề án số 06 trên địa bàn thành phố đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, được Chính phủ đánh giá cao với vai trò là đơn vị làm điểm của cả nước.
Cụ thể, đến nay, thành phố đã cơ bản hoàn thành việc triển khai thí điểm hồ sơ sức khỏe điện tử; đưa vào vận hành hệ thống thẻ vé điện tử trên xe buýt, thực hiện triển khai thí điểm thanh toán không dùng tiền mặt tại 57 điểm trông giữ xe trên địa bàn thành phố; đẩy mạnh triển khai cấp Lý lịch tư pháp qua VNeID…
Người dân tìm hiểu mô hình chuyển đổi số trên địa bàn quận Long Biên |
Đáng chú ý, theo dự kiến, ngày 28/6/2024, UBND thành phố Hà Nội sẽ tổ chức lễ công bố vận hành các ứng dụng nền tảng của Đề án 06 Chính phủ gồm: Ứng dụng Công dân Thủ đô số (iHaNoi), Hồ sơ sức khỏe điện tử trên VNeID, Cấp lý lịch tư pháp trên VNeID, Hệ thống E-Cabinet; đồng thời, sẽ công bố Quyết định ban hành Quy chế quản lý, vận hành các ứng dụng này và trình chiếu “Câu chuyện chuyển đổi số và một số kết quả trong triển khai Đề án 06 Chính phủ”.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải, thời gian tới, thành phố tăng cường hiệu lực, hiệu quả và tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động thương mại điện tử, hoạt động kinh doanh trên nền tảng số, kinh doanh xuyên biên giới, kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển thương mại điện tử, chống thất thu thuế… |
Bên cạnh một số kết quả ban đầu, quá trình triển khai chuyển đổi số của Hà Nội còn một số hạn chế như: Dữ liệu số chưa được hoàn thiện và khai thác hiệu quả, việc phân tích dữ liệu thông minh phục vụ chỉ đạo, điều hành chưa được triển khai; ứng dụng công nghệ thông tin trong một số cơ quan của thành phố còn hạn chế…
Thực tế, trong Quy hoạch Thủ đô, thành phố Hà Nội đã nhận diện được tiềm năng, thuận lợi và cả khó khăn để phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo. Thành phố hiện có khoảng 80% trường đại học, viện nghiên cứu cả nước và 278 tổ chức KHCN. Tuy nhiên, KHCN của thành phố vẫn chưa thu hút được đội ngũ nhân tài cùng hợp tác xây dựng và phát triển Thủ đô; các tổ chức KHCN hoạt động chưa thực sự hiệu quả, đầu tư cho hoạt động KHCN từ khu vực tư nhân còn hạn chế; hạ tầng KHCN chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng KHCN, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, sở hữu trí tuệ tuy phát triển nhưng chưa tương xứng tiềm năng.
7 giải pháp thể hiện tầm nhìn mới
Để giải quyết những “điểm nghẽn” kể trên, Quy hoạch Thủ đô đặt ra mục tiêu, giải pháp phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo nhằm đưa Hà Nội trở thành trung tâm đi đầu trong nghiên cứu, sáng tạo, ứng dụng và chuyển giao khoa học - công nghệ mới theo chủ trương, định hướng của Trung ương.
7 giải pháp đưa ra đã thể hiện tầm nhìn mới phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo của thành phố Hà Nội. Cụ thể, Quy hoạch Thủ đô hướng tới hoàn thiện thể chế, chính sách và pháp luật phù hợp cơ chế thị trường và thông lệ quốc tế để phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo, dỡ bỏ các rào cản hành chính hóa hoạt động KHCN trên địa bàn Thủ đô…
Cùng với đó, thành phố đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng cách mạng công nghiệp 4.0 vào xây dựng và thiết lập hạ tầng công nghệ thông minh, hạ tầng thông tin đô thị thông minh, sử dụng các công nghệ số mới, phục vụ đắc lực cho các cấp chính quyền trong công việc hàng ngày, đồng thời phục vụ cho toàn cộng đồng dân cư và doanh nghiệp trong cuộc sống và kinh doanh…
Đáng chú ý, Hà Nội đẩy mạnh thu hút nguồn lực phát triển KHCN Thủ đô; bảo đảm chi cho KHCN và đổi mới sáng tạo từ 2% trở lên trong tổng chi ngân sách Nhà nước hằng năm và tăng dần theo yêu cầu phát triển KHCN…
Quy hoạch Thủ đô cũng đặt ra giải pháp Hà Nội có chính sách ưu đãi đối với hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng chuyển giao các tiến bộ KHCN thực hiện theo quy định của pháp luật về KHCN. Thu nhập của chuyên gia, nhà khoa học từ việc chủ trì nhiệm vụ KHCN trọng điểm của Thủ đô được xác định là thu nhập không chịu thuế thu nhập cá nhân.
Doanh nghiệp, tổ chức KHCN được hỗ trợ từ ngân sách của thành phố để mua sắm, vận hành máy móc, thiết bị phục vụ nhiệm vụ KHCN trọng điểm của Thủ đô; được nhận chuyển giao không bồi hoàn tài sản, kết quả, sản phẩm hình thành từ nhiệm vụ KHCN và doanh nghiệp được hưởng ưu đãi tương tự như doanh nghiệp công nghệ cao trong thời gian thực hiện nhiệm vụ KHCN trọng điểm của Thủ đô…
Những giải pháp về KHCN trong Quy hoạch Thủ đô cho thấy, thành phố Hà Nội đã có “tầm nhìn mới - tư duy mới”. Khi hoàn thiện và được phê duyệt thông qua, Quy hoạch Thủ đô sẽ tạo ra “cơ hội mới - giá trị mới” đối với lĩnh vực KHCN và đổi mới sáng tạo với Hà Nội và cả nước. Điều này đã đi đúng với tinh thần Kết luận số 80-KL/TƯ ngày 24/5/2024 và Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.