Tạo cơ chế đột phá trong thu hút, trọng dụng nhân tài
Thu hút sử dụng nhân tài, khâu đột phá phát triển Thủ đô Môi trường làm việc dân chủ, thân thiện giữ chân người tài Cơ chế mới tạo đột phá thu hút, trọng dụng nhân tài |
Đó là nhận định của nhiều chuyên gia tại tọa đàm ''Sửa Luật Thủ đô: Tạo cơ chế đột phá trong thu hút, trọng dụng nhân tài'' do Báo Kinh tế và Đô thị tổ chức chiều 11/12.
Chính sách trọng dụng chưa đủ hấp dẫn
Phát biểu khai mạc tọa đàm, Phó Tổng biên tập Báo Kinh tế và Đô thị Nguyễn Xuân Khánh cho biết, chính sách về thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) là chính sách được kế thừa và phát triển từ quy định của Luật Thủ đô năm 2012.
Phó Tổng Biên tập Báo Kinh tế và Đô thị Nguyễn Xuân Khánh phát biểu khai mạc tọa đàm |
Trên cơ sở quy định đó cũng như việc áp dụng một số quy định khác của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức, ngày 17/7/2013, HĐND TP Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 14/2013/NQ-HĐND quy định về chính sách trọng dụng nhân tài trong xây dựng, phát triển Thủ đô. Tuy nhiên, qua quá trình thực hiện, các quy định này đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập.
Chính sách thu hút và trọng dụng nhân tài của TP chưa đủ sức hấp dẫn, về cơ bản chưa đáp ứng được mục tiêu như mong muốn. Vì vậy, để đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội Thủ đô, Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị định hướng phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đặt ra nhiệm vụ cần ''có cơ chế, chính sách phù hợp nhằm thu hút, trọng dụng nguồn nhân lực chất lượng cao trong nước và quốc tế''.
Để cụ thể hóa yêu cầu tại Nghị quyết 15, Điều 17 dự thảo Luật đã thiết kế 2 khoản về thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của Thủ đô.
Tuy nhiên, qua thực tế cho thấy, để quy định có tính khả thi hơn, cũng cần trao quyền cho HĐND TP Hà Nội ban hành văn bản quy định cụ thể hơn các đối tượng cần thu hút, có sự phân loại các đối tượng một cách rõ ràng để có quy định về chế độ, chính sách phù hợp trong tuyển dụng, bổ nhiệm và đãi ngộ.
Kỳ vọng về việc thu hút và giữ chân được người tài, cũng cần lưu ý đến một số điều kiện đảm bảo khác như xây dựng môi trường làm việc khuyến khích sự sáng tạo, đổi mới, tạo điều kiện cho người tài thăng tiến và cống hiến… đây là yếu tố quyết định để giữ chân và phát huy tiềm năng của nhân tài.
Các diễn giả chia sẻ tại tọa đàm |
Đồng quan điểm, TS Đoàn Thị Tố Uyên, Trưởng khoa Pháp luật hành chính nhà nước, Trường Đại học Luật Hà Nội đánh giá, thời gian qua, các cơ quan của Hà Nội đã chú trọng trong vấn đề thu hút, trọng dụng người tài, đã xây dựng các chính sách cho vấn đề này. Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận vẫn chưa đạt hiệu quả như mong muốn, mới chủ yếu thu hút người tài qua thành tích học tập xuất sắc. Việc thu hút người tài qua thực tiễn, quá trình làm việc trong các lĩnh vực chưa đạt hiệu quả như mong muốn.
Kết quả thực hiện chính sách thu hút, sử dụng nhân lực chất lượng cao theo quy định của Luật Thủ đô năm 2012 chưa thực sự hiệu quả có nhiều nguyên nhân, trong đó có cả nguyên nhân lớn là vị trí việc làm có thể chưa giúp người tài phát huy hết được năng lực, sở trường.
Cùng đó, chế độ chính sách dành cho những người tài chưa đủ hấp dẫn để giữ chân được họ vì còn những rào cản, điểm vướng về thể chế. Do đó, với lần sửa đổi Luật Thủ đô lần này, cần đánh giá rõ hơn về thực tế, để đưa ra các cơ chế, chính sách thực sự nổi bật, phù hợp hơn để Hà Nội có thể thu hút, trọng dụng được nguồn nhân lực chất lượng cao.
Công khai, minh bạch trong tuyển dụng
TS Đoàn Thị Tố Uyên nhận định, để thực sự thu hút được nhân tài, quan trọng nhất là tạo thể chế pháp luật cụ thể rõ ràng về những chính sách, các điều kiện, tiêu chuẩn, đúng vị trí việc làm, có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cho các người tài. Bên cạnh đó, chúng ta phải có môi trường, tạo điều kiện cho họ làm việc, cống hiến.
TS Đoàn Thị Tố Uyên, Trưởng khoa Pháp luật hành chính nhà nước, Trường Đại học Luật Hà Nội chia sẻ tại tọa đàm |
TS Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội khoa học hành chính Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ thì cho rằng, trách nhiệm cá nhân người đứng đầu có vai trò quan trọng trong nguyên tắc tập thể lãnh đạo cá nhân phụ trách. Trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) trình ra Quốc hội vừa rồi, chúng ta thấy những điểm rất quan trọng để tạo điều kiện cho Hà Nội phát triển.
Thứ nhất, là đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền trong vấn đề tuyển chọn. Thứ hai số lượng biên chế phân cấp cho Hà Nội bị hạn chế. Thứ ba, phương thức tuyển chọn, ký hợp đồng.
“Tôi nghĩ cần phải đẩy mạnh phân cấp để có tính đột phá. Một điểm nữa là cần thay đổi tư duy không lấy bằng cấp để tuyển chọn, không câu nệ tiêu chuẩn tuổi tác, kinh nghiệm. Chúng ta cần tiếp thu nhiều ý kiến về vấn đề này để tạo nên chính sách đột phá mạnh mẽ hơn”, TS Trần Anh Tuấn chia sẻ.
TS Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội (hiện là Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội) |
Ở góc nhìn khác, TS Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội (hiện là Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội) cho rằng, quy định càng kỹ, càng cụ thể thì thực hiện sẽ càng đúng.
“Tôi lưu ý phải dân chủ, công khai, minh bạch quyền và trách nhiệm, thậm chí tên của người tuyển dụng phải rõ ràng. Chọn được người tài, người giỏi là thước đo của người lãnh đạo quản lý. Người tài, giỏi ở cấp nào, giỏi mức nào là thước đo, gắn liền với người được tiến cử. Người tiến cử và người được tiến cử phải gắn liền với nhau.
Việc tuyển dụng ở Hà Nội phải khác, năng lực trình độ phải khác, lương khác... Vì thế cơ chế chính sách đặc thù cũng khác. Tất cả các vai lãnh đạo quản lý, chuyên môn giúp việc phải có trách nhiệm cụ thể khi tuyển dụng thì mới đào tạo bồi dưỡng đúng được người tài, người giỏi”, TS Nguyễn Viết Chức nhấn mạnh.