Tạo cơ chế, nguồn lực cho nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ
Đoàn đã giám sát tại Viện nghiên cứu rau quả, thị trấn Trâu Quỳ (Gia Lâm, Hà Nội); Cơ sở sản xuất tinh bò chất lượng cao Hà Nội, xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm - Công ty Cổ phần giống gia súc Hà Nội.
Tăng cường nghiên cứu, chuyển giao khoa học kỹ thuật mới
Tại buổi làm việc, báo cáo với đoàn công tác, đồng chí Đặng Văn Đông, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu rau quả cho biết: Viện được thành lập từ năm 1990. Toàn Viện có 239 người, 131 biên chế; Trong đó có 3 PGS.TS; 15 tiến sỹ; 90 thạc sỹ; 76 kỹ sư - cử nhân... Toàn Viện có 4 nghiên cứu viên cao cấp, 30 người là nghiên cứu viên chính và tương đương. Viện có 2 phòng quản lý; 5 bộ môn nghiên cứu; 3 trung tâm nghiên cứu.
Viện đang nghiên cứu 3 đối tượng chính gồm: Cây rau, cây hoa và cây ăn quả; Thực hiện nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ thuộc các lĩnh vực: Chọn tạo, khảo nghiệm và phát triển giống rau, quả, hoa, cây cảnh có giá trị hàng hóa cao, phù hợp với điều kiện tự nhiên của các vùng sinh thái; Kỹ thuật thâm canh tăng năng suất và chất lượng sản phẩm của rau, quả, hoa, cây cảnh; Công nghệ bảo quản, chế biến rau, hoa, quả; Kiểm nghiệm chất lượng rau quả; Nghiên cứu kinh tế và định hướng phát triển thị trường cho các sản phẩm về rau, hoa, quả; Nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học trong chọn tạo giống rau, quả, hoa...
Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Nguyễn Anh Tuấn thăm vườn lan công nghệ cao |
Giai đoạn 2016 - 2020 vừa qua, Viện được giao thực hiện 3 nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp quốc gia với tổng kinh phí 9,8 tỷ đồng; Được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao thực hiện 9 nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp Bộ với tổng kinh phí 52,770 tỷ đồng. Ngoài ra, Viện còn phối hợp thực hiện nhiều đề án với Sở KH&CN thành phố Hà Nội.
Bên cạnh những thuận lợi, theo đồng chí Đặng Văn Đông, Viện còn gặp các bất cập như vướng mắc về cơ chế, chính sách. Cơ sở hạ tầng, nhà làm việc, phòng thí nghiệm và hệ thống thủy lợi đã xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng. Đất đai phục vụ nghiên cứu còn thiếu. Bên cạnh đó, các hình thức chuyển giao tiến bộ kỹ thuật của Viện vào sản xuất chưa được đa dạng, chưa có các cơ chế khuyến khích các cán bộ khoa học chủ động tìm đến người sản xuất để giới thiệu, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất.
Đánh giá cao thành công, đóng góp của Viện nghiên cứu rau quả, trong đó, nổi bật là chọn vấn đề nghiên cứu đúng tạo hiệu quả kinh tế - xã hội lớn, các thành viên đoàn giám sát đề nghị Viện nghiên cứu trao đổi thêm về năng lực công nghệ, thiết bị, hợp tác quốc tế. Đồng thời tăng cường nghiên cứu về rau, nhất là rau trái vụ.
Viện phải tự chủ trong nghiên cứu và đề xuất ra giải pháp, chú trọng về quyền sở hữu trí tuệ; Tiếp tục có đề xuất, đóng góp với thành phố để các đề xuất gắn với nhu cầu thực tế địa phương, phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn và đời sống của dân, nhất là gắn với doanh nghiệp để sớm đưa vào chuyển giao, ứng dụng thực tế...
Tạo môi trường chính sách cho doanh nghiệp phát triển
Tại Công ty Cổ phần Giống gia súc Hà Nội, đại diện công ty cho biết đã tập trung đầu tư các hệ thống trang thiết bị, công nghệ sản xuất hiện đại, tiên tiến nhất trên thế giới như công nghệ sản xuất tinh bò đông lạnh dạng cọng rạ, công nghệ phân ly giới tính tinh trùng, công nghệ sản xuất phôi tạo ra các con giống thuần chủng…
Đoàn kiểm tra thăm quan cơ sở sản xuất tinh bò chất lượng cao Hà Nội |
Ngoài ra, công ty cũng thực hiện nhiều đề tài, dự án sản xuất thử nghiệm cấp nhà nước, bổ sung nguồn lực khoa học công nghệ cho ngành; Đào tạo và phát triển nguồn lực - kỹ sư, kỹ thuật chất lượng cao, chuyên sâu. Đặc biệt, công ty đã làm chủ công nghệ mới, sản xuất ra những sản phẩm mang hàm lượng chất xám cao - sản phẩm tinh bò đông lạnh dạng cọng rạ, phôi giống, con giống thuần chủng và chuyển đổi thành công nhanh thành dòng sản phẩm chủ lực và chiến lược (năm 2020, doanh thu của dòng sản phẩm này chiếm trên 30% tổng doanh thu công ty)…
Năm 2020, doanh thu công ty đạt 69.827 triệu đồng, tăng 140% so với năm 2013. Bình quân thu nhập/lao động/tháng đạt 9,5 triệu đồng (năm 2020) tăng hơn 220% so với năm 2013. Trong 10 tháng năm 2021, doanh thu đạt gần 50 tỷ đồng, tương đương so với cùng kỳ năm 2020.
Các thành viên đoàn kiểm tra đánh giá công ty đã chủ động trong ứng dụng khoa học công nghệ để tạo ra các sản phẩm có giá trị, làm chủ công nghệ hiện đại, mang lại doanh thu lớn. Trên cơ sở kiến nghị của công ty, đoàn giám sát sẽ có những đề xuất để tạo điều kiện phát triển cho doanh nghiệp.
Đồng thời, công ty cũng cần đẩy mạnh hợp tác với các nhà nghiên cứu, cơ sở đào tạo và chuyên gia nước ngoài để có sản phẩm đột phá hơn nữa; Có những hoạt động quảng bá sản phẩm, đổi mới cơ cấu quản lý để hoạt động ngày càng hiệu quả.
Để thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 6 khóa XI và thực hiện Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu rau quả Đặng Văn Đông kiến nghị Nhà nước cần có cơ chế đầu tư phù hợp cho các tổ chức khoa học và công nghệ đã chuyển đổi hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm để đầu tư cơ sở, tăng cường năng lực cho nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ.
Cùng với đó, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ cho các tổ chức KHCN công lập, đặc biệt là các tổ chức KHCN đã thực hiện cơ chế tự chủ trong việc thu hút, trọng dụng và đào tạo cán bộ nghiên cứu khoa học có trình độ chuyên môn cao, giảm hiện tượng chảy máu chất xám của các đơn vị nghiên cứu khoa học.
Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam Nguyễn Anh Tuấn phát biểu kết luận buổi làm việc |
Phát biểu kết luận buổi kiểm tra, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Nguyễn Anh Tuấn đánh giá cao hoạt động của Viện Nghiên cứu rau quả được thể hiện trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ, bám sát Nghị quyết Trung ương 6, các nội dung, định hướng và là động lực cho phát triển nền kinh tế.
Đồng chí đề nghị Viện tiếp tục bổ sung các ý kiến đóng góp về cơ chế tài chính, năng lực thiết bị, xu hướng phát triển... để đoàn tổng hợp. Ngoài ra, Viện cần quan tâm đến các Chương trình công tác trọng tâm của Thành ủy để phát huy trong lĩnh vực nghiên cứu, tạo ra các sản phẩm có giá trị thực tiễn, phục vụ nhu cầu trên địa bàn Thủ đô, đưa sản xuất nông nghiệp Thủ đô phát triển trong thời gian tới.
Đồng chí cũng đánh giá cao chiến lược phát triển của Công ty Cổ phần giống gia súc Hà Nội phù hợp với đặc điểm, tính chất, đặc tính chung trong phát triển nông nghiệp - doanh nghiệp vừa sản xuất kinh doanh, nghiên cứu khoa học và triển khai ứng dụng.
Trên cơ sở các ý kiến, đồng chí Nguyễn Anh Tuấn đề nghị công ty phải phát huy vai trò đầu tàu trong phát triển khoa học công nghệ để phát triển nông nghiệp của Thủ đô; Cần bám sát Chương trình 07 của Thành ủy.
Đồng thời, các đơn vị cần tiếp tục nghiên cứu đa dạng sản phẩm mới, tăng cường hoạt động chuyển giao xuống cơ sở và phối hợp chặt chẽ với các viện nghiên cứu, trường đại học để phát triển sản phẩm mới. Đặc biệt là đẩy mạnh hoạt động quảng bá và đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, đồng thời quan tâm, động viên các đối tượng làm nghiên cứu khoa học công nghệ.