Tạo thế và lực cho Thủ đô phát triển xứng tầm
Năng động, sáng tạo đồng hành cùng Thủ đô phát triển Tăng cường xây dựng cơ quan báo chí văn hóa và văn hóa người làm báo Tư duy Hà Nội, giá trị Thủ đô |
Đầu tư, phát triển Hà Nội như một đô thị đặc biệt
Với phạm vi điều chỉnh khá toàn diện, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) được kỳ vọng sẽ góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật; đồng thời bảo đảm thực thi pháp luật đồng bộ, thống nhất, hiệu lực, hiệu quả với các cơ chế, chính sách ưu tiên, vượt trội để phát triển Thủ đô.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến về việc giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) |
Trình Quốc hội lần đầu tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023), đến nay, dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) đã cơ bản được các đại biểu Quốc hội tán thành về sự cần thiết, mục đích, quan điểm sửa đổi luật và nội dung chính của dự thảo luật.
Đại biểu Khương Thị Mai (Đoàn Nam Định) đánh giá, hồ sơ dự thảo Luật đã chuẩn bị rất công phu, đầy đủ theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Đặc biệt, dự thảo thể hiện được tinh thần chỉ đạo của Trung ương tại Nghị quyết số 06, Nghị quyết số 15, Kết luận số 80 của Bộ Chính trị về quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đó là tăng cường phân cấp, phân quyền, có cơ chế thí điểm phù hợp, hiệu quả cho Thủ đô.
Đại biểu Khương Thị Mai cho rằng, với tính chất, yêu cầu, vị trí đặc biệt quan trọng của Thủ đô, cần chú trọng đầu tư và phát triển Hà Nội như một đô thị đặc biệt, một đơn vị hành chính đặc biệt.
Đồng quan điểm, đại biểu Trần Chí Cường (Đoàn Đà Nẵng) nhận định, Hà Nội có vị trí, vai trò là Thủ đô của cả nước, khối lượng công việc về quản lý đầu tư phát triển rất lớn, phức tạp, yêu cầu ngày càng cao. Quy định giao quyền chủ động cho thành phố trong quyết định, chịu trách nhiệm bảo đảm điều kiện thực hiện thành lập, tổ chức lại, giải thể cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính thuộc chính quyền thành phố và cấp huyện để có được tổ chức bộ máy linh hoạt, hiệu quả, phù hợp với yêu cầu quản lý trong từng giai đoạn là rất cần thiết.
Góp ý về quy định biên chế tại Khoản 4, Điều 9 của dự thảo Luật, đại biểu Hà Sỹ Đồng (Đoàn Quảng Trị) cho rằng, theo chủ trương của Đảng là đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phát huy vai trò tự chủ, tự quản của chính quyền Thủ đô. Do đó, Quốc hội nên đẩy mạnh phân cấp quản lý về biên chế, giao cho Hà Nội được quyền quyết định về biên chế cán bộ, công chức, viên chức. Đi liền với đó, phải có cơ chế báo cáo, kiểm tra, kiểm soát của Trung ương trong quá trình thực hiện.
Đại biểu Khương Thị Mai - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định |
Về phân cấp, ủy quyền tại Điều 14 của dự thảo, đại biểu Hà Sỹ Đồng đề nghị tập trung vào những quy định liên quan đến vấn đề phân cấp, ủy quyền của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ cho chính quyền Thủ đô. Qua đó, chính quyền Thủ đô có đủ thẩm quyền để chủ động, linh hoạt, năng động trong thực hiện các chính sách phát triển kinh tế, xã hội và văn hóa.
Đại biểu cũng cho rằng, việc phân cấp, ủy quyền giữa các cấp chính quyền Thủ đô là thuộc thẩm quyền điều hành của chính quyền Thủ đô, thực hiện theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Vì thế, Quốc hội không nên phân cấp gộp cho Thủ đô việc này.
Hiện thực hóa trục cảnh quan sông Hồng
Góp ý kiến về Điều 17 quy hoạch xây dựng, phát triển Thủ đô, Điều 18 về biện pháp bảo đảm thực hiện quy hoạch, đại biểu Đào Chí Nghĩa (Đoàn Cần Thơ) đồng tình với nội dung Quy hoạch Thủ đô.
Trong đó, Điểm 2, Điều 17 phân quyền cho thành phố tập trung nguồn lực, ưu tiên tổ chức thực hiện quy hoạch phân khu sông Hồng và sông Đuống phù hợp với Quy hoạch Thủ đô và Quy hoạch chung Thủ đô đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; cho phép xây dựng các tuyến đê mới dọc theo hành lang thoát lũ để khai thác hiệu quả quỹ đất xây dựng.
Cử tri quận Long Biên phát biểu ý kiến tại hội nghị tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV |
Trong khu vực hành lang thoát lũ, thành phố được phép tồn tại một số khu vực dân cư hiện hữu và được phép xây dựng mới với tỷ lệ thích hợp theo quy hoạch phòng, chống lũ được duyệt. Các công trình xây dựng mới trong khu vực hành lang thoát lũ bảo đảm yêu cầu không làm cản trở dòng chảy, không tôn cao bãi sông và chỉ dành cho không gian công cộng, công trình phục vụ mục đích công cộng và các công trình được phép xây dựng ngoài bãi sông theo pháp luật về đê điều.
Theo đại biểu, quy định này bảo đảm tính chặt chẽ, tạo điều kiện về mặt thời gian và quy trình để Hà Nội giải quyết nhu cầu của người dân về không gian cảnh quan sông Hồng, phù hợp với định hướng Nghị quyết số 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị.
Về quản lý sử dụng không gian ngầm được quy định tại Điều 19, theo đại biểu, quy định của dự thảo Luật đã tiếp thu ý kiến góp ý của các đại biểu, giúp phát triển nguồn tài nguyên của Hà Nội.
Cùng góp ý kiến về Điều 17 và 18 dự thảo Luật, đại biểu Tạ Văn Hạ (Đoàn Quảng Nam) nêu quan điểm, Hà Nội ở trong lòng du khách thế giới với nhiều công trình kiến trúc cổ kính, truyền thống. Tuy nhiên, thành phố chưa có công trình kiến trúc đương đại mang tầm cỡ quốc tế, trở thành điểm đến, thu hút khách du lịch.
“Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) phải quy định cụ thể, rõ ràng các nội dung mang tính chiến lược về quy hoạch, ưu tiên đầu tư quỹ đất, vốn và cơ chế để thu hút các kiến trúc sư tầm cỡ quốc tế, giúp cho Hà Nội có công trình trở thành điểm nhấn, dấu ấn của khu vực”, đại biểu Tạ Văn Hạ nêu.
Nhân dân Thủ đô mong ngóng
Thông qua tiếp xúc cử tri định kỳ trước kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với 18 buổi tại 30 đơn vị, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội tổng hợp 25 nhóm ý kiến của cử tri gửi đến Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương xem xét giải quyết.
Trong đó, cử tri mong muốn Quốc hội xem xét, thông qua dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) nhằm tạo cơ sở pháp lý và tiền đề kiến tạo không gian phát triển cho Hà Nội trong giai đoạn tới.
Cử tri Lê Đình Nghĩa (quận Nam Từ Liêm) nhận định, Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ khắc phục những tồn tại, hạn chế, tạo cơ sở pháp lý thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội, huy động mọi nguồn lực, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, với mục tiêu xây dựng Thủ đô Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”; trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao trong khu vực và trên thế giới... Từ đó, cử tri kiến nghị, Quốc hội thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 7, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô trong thời gian tới.
Anh Nguyễn Duy Huấn (ở quận Long Biên, Hà Nội) bày tỏ: “Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) có rất nhiều điểm mới, tạo cơ chế đột phá cho Hà Nội, đặc biệt là về vấn đề quy hoạch và phân cấp, phân quyền. Vì thế, Luật được thông qua sẽ mở ra một cơ hội phát triển lớn cho Thủ đô của chúng ta”.
Có thể khẳng định, qua những lần xin ý kiến, cơ bản việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật được các cơ quan Trung ương, đại biểu Quốc hội đánh giá cao và tán thành nhiều nội dung của dự thảo. Khi được thông qua, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) được kì vọng sẽ giúp Thủ đô “gỡ rào” phát triển mạnh mẽ và bền vững.