Tập trung chỉ đạo xử lý dứt điểm những khâu yếu, việc khó trong phòng, chống tham nhũng
Kiểm soát quyền lực là việc căn cơ trong phòng, chống tham nhũng Hà Nội là địa phương sớm nhất cả nước thành lập Ban Chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực |
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đại biểu dự Hội nghị. Ảnh: TTXVN |
Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực chủ trì hội nghị.
Cùng dự và chủ trì hội nghị có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Trương Thị Mai, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Tổ chức Trung ương, Phó Trưởng ban Chỉ đạo; Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo; Trần Cẩm Tú, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Phó Trưởng ban Chỉ đạo; Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, Phó Trưởng ban Chỉ đạo.
Đại biểu thành phố Hà Nội tham dự tại điểm cầu Trung ương có: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đinh Tiến Dũng, Trưởng ban Chỉ đạo thành phố về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; Các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy: Trưởng ban Nội chính Thành ủy Nguyễn Quang Đức (Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo thành phố về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực); Trung tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an thành phố; Trung tướng Nguyễn Quốc Duyệt, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô.
Dự hội nghị tại điểm cầu Thành ủy Hà Nội có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến, Phó Trưởng ban Chỉ đạo thành phố về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Trưởng ban Chỉ đạo: Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hoàng Trọng Quyết, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo; Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Nguyễn Lan Hương.
Tập trung kiểm tra các lĩnh vực, địa bàn dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực
Báo cáo tóm tắt sơ kết 1 năm hoạt động của Ban Chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cho thấy, ngày 10/5/2022, Hội nghị Trung ương 5 (khóa XIII) đã thống nhất chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh. Chỉ sau gần ba tháng từ khi có Nghị quyết của Trung ương, 63/63 Ban Chỉ đạo tỉnh, thành phố đã nhanh chóng được thành lập, trong đó có 3 địa phương thành lập sớm nhất là Hà Nội, Đà Nẵng và Thanh Hóa.
Sau 1 năm hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, đã đạt được những kết quả bước đầu quan trọng. Các kết luận của Ban Chỉ đạo Trung ương, của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương được các Ban Chỉ đạo cấp tỉnh thực hiện nghiêm túc, kịp thời và hiệu quả hơn trước. Đã có 2.196 văn bản được các Ban Chỉ đạo tham mưu, ban hành, chỉ đạo ban hành để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở địa phương.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến cùng các đồng chí lãnh đạo dự hội nghị tại điểm cầu Thành ủy Hà Nội |
Các Ban Chỉ đạo cũng đã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra và công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, qua đó đã kịp thời uốn nắn, chấn chỉnh nhiều việc làm sai, phát hiện, chỉ đạo xử lý nghiêm nhiều tổ chức Đảng và cán bộ, đảng viên vi phạm. Các Ban Chỉ đạo đã tập trung kiểm tra, thanh tra các lĩnh vực, địa bàn dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực…
Qua kiểm tra, giám sát, thanh tra đã xử lý, kiến nghị xử lý kỷ luật nhiều tổ chức Đảng, đảng viên có hành vi tham nhũng, tiêu cực, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; Chuyển 286 vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật, tăng gấp gần 3 lần so với thời điểm 1 năm trước khi thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh.
Bên cạnh việc chỉ đạo các ngành chức năng, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đã tiến hành 147 cuộc kiểm tra, giám sát các cấp ủy, tổ chức Đảng trực thuộc trong việc thực hiện các chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; Đã đưa 444 vụ án, 156 vụ việc tham nhũng, tiêu cực phức tạp, dư luận xã hội quan tâm vào diện theo dõi, chỉ đạo; Khởi tố mới 530 vụ án/1.858 bị can phạm tội về tham nhũng. Số cán bộ, đảng viên bị khởi tố do hành vi tham nhũng, tiêu cực là 1.132 bị can. Trong đó, xử lý kỷ luật 15 tổ chức Đảng, gần 80 cán bộ, công chức các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực sai phạm về tham nhũng, tiêu cực, thực hiện nghiêm chủ trương xử lý không có vùng cấm, không có trường hợp ngoại lệ.
Công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được quan tâm; Vai trò của Mặt trận Tổ quốc, của báo chí và Nhân dân trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã được các Ban Chỉ đạo phát huy.
Đặc biệt, sau Hội nghị toàn quốc do Ban Nội chính Trung ương chủ trì, đã có 37/63 tỉnh, thành phố tổ chức phổ biến, quán triệt nội dung và giá trị cốt lõi của tác phẩm "Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh" của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương với hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến đến cấp xã, nên số người dự hội nghị lên đến hàng chục nghìn người/hội nghị.
Việc phối hợp cung cấp thông tin, công khai kết quả xử lý cán bộ, đảng viên sai phạm cũng như tiến độ giải quyết các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực được các địa phương rất quan tâm; Vừa định hướng dư luận, tạo điều kiện để báo chí, Nhân dân tham gia giám sát, vừa góp phần đấu tranh, phản bác các luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc của các thế lực thù địch, phần tử xấu.
Ban Nội chính các tỉnh ủy, thành ủy cũng đã bước đầu phát huy tốt vai trò là Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh; Tham mưu, thực hiện, hoàn thành nhiều công việc quan trọng, phục vụ triển khai hoạt động của Ban Chỉ đạo. Cơ chế phối hợp xử lý các vụ án, vụ việc theo "5 cấp độ", cơ chế "tài liệu, chứng cứ rõ đến đâu xử lý đến đó" được nhiều địa phương áp dụng, tạo bước đột phá trong xử lý vụ án, vụ việc ở các địa phương; Từng bước khắc phục tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” trước đây.
Xây dựng lề lối làm việc khoa học theo hướng "đúng vai, thuộc bài"
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, chỉ sau một năm thành lập, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đã triển khai tương đối toàn diện các mặt công tác theo đúng chức năng, nhiệm vụ được giao và đạt được những kết quả bước đầu rất quan trọng, góp phần tạo chuyển biến ngày càng rõ nét hơn trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở địa phương, cơ sở, qua đó có thể đúc kết lý luận về phòng, chống tham nhũng.
Quang cảnh Hội nghị |
Nhiều Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đã vận dụng sáng tạo các kinh nghiệm của Ban Chỉ đạo Trung ương, khẩn trương xây dựng Quy chế làm việc, phân công nhiệm vụ các thành viên Ban Chỉ đạo, hoàn thiện các quy trình, quy định nội bộ, hoạt động rất nền nếp, bài bản. Đây là kết quả tích cực bước đầu, thể hiện đúng tinh thần "Tiền hô hậu ủng, trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt".
Chỉ trong một năm, sau khi được thành lập, các Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đã rà soát, đưa 600 vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực vào diện theo dõi, chỉ đạo để tập trung chỉ đạo xử lý. Nhiều địa phương đã phát hiện, khởi tố, điều tra, xử lý nhiều vụ án lớn, nhiều cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ tỉnh ủy, thành ủy quản lý, trong đó có nhiều lãnh đạo cấp cao của các địa phương.
Có thể thấy, kết quả phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực ở địa phương đã có sự chuyển biến rõ nét từ sau khi các Ban Chỉ đạo cấp tỉnh được thành lập và đi vào hoạt động; Số vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực được phát hiện, khởi tố mới tăng cao. Tính từ khi thành lập đến nay, các địa phương trong cả nước đã khởi tố 530 vụ án, 1.858 bị can về tội tham nhũng, tăng gấp 1,5 lần về số vụ án và tăng hơn 800 bị can so với năm 2021.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo Hội nghị. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN |
Đồng chí Tổng Bí thư cũng nhận định: Số vụ, việc có tính chất nghiêm trọng, phức tạp và số cán bộ giữ cương vị lãnh đạo, quản lý, cả đương chức và đã nghỉ hưu vi phạm bị phát hiện, xử lý cũng nhiều hơn, không còn tình trạng "nhẹ trên, nặng dưới", "hạ cánh an toàn" như trước đây; Góp phần quan trọng từng bước khắc phục tình trạng "trên nóng, dưới lạnh", giờ đây "trên nóng" dưới cũng ngày càng nóng lên. Đây cũng là câu trả lời thuyết phục nhất đối với những băn khoăn, lo lắng của một số cán bộ, đảng viên và Nhân dân về hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh…
Trưởng ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cũng đánh giá, mặc dù mới đi vào hoạt động, nhưng Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đã phát huy được vai trò, trách nhiệm của Thường trực Ban Chỉ đạo và các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo, tạo ra sức mạnh tổng hợp, khiến không ai có thể đứng ngoài cuộc.
Để tiếp tục nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị các Ban Chỉ đạo cấp tỉnh kế thừa, tiếp nối kinh nghiệm sau 10 năm hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; Xây dựng lề lối, cách thức làm việc khoa học, chặt chẽ, bài bản, nền nếp theo hướng "đúng vai, thuộc bài".
Thứ hai, phải bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất, chặt chẽ, quyết liệt của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh; Phát hiện và chỉ đạo xử lý kịp thời, dứt điểm những khâu yếu, việc khó, có nhiều vướng mắc; Kịp thời điều chuyển, thay thế cán bộ nào không hoàn thành nhiệm vụ và bố trí cán bộ phù hợp….
Thứ ba, phải thực sự đoàn kết, phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa các cơ quan chức năng trong việc thực hiện các nhiệm vụ theo chương trình, kế hoạch, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo; Kịp thời chấn chỉnh những khâu, mắt xích yếu…
Thứ tư, phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, nhất là phát huy đầy đủ vai trò, trách nhiệm của các cơ quan và đại biểu dân cử, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội; Cơ quan truyền thông và báo chí; Doanh nghiệp, doanh nhân; Sự đồng tình, ủng hộ của Nhân dân trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Phải dựa vào dân, lắng nghe dân, phải tập trung giải quyết những phản ánh, kiến nghị, những khiếu nại, tố cáo, bức xúc của Nhân dân về tham nhũng, tiêu cực.
Thứ năm, phải phát huy vai trò và trách nhiệm Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh trong tham mưu triển khai, phục vụ hoạt động của Ban Chỉ đạo.
Nhấn mạnh những yêu cầu và nhiệm vụ thời gian tới, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu, các Ban Chỉ đạo cấp tỉnh nghiêm túc, thẳng thắn nhìn lại những việc đã làm tốt, những việc làm chưa tốt, phân tích kỹ nguyên nhân để thấy rõ hơn trách nhiệm của mình và tìm ra những giải pháp hữu hiệu để khắc phục tồn tại, hạn chế.
Trong đó, các Ban Chỉ đạo cần tập trung thực hiện 5 nhiệm vụ trọng tâm. Đầu tiên, cần quán triệt, nhận thức sâu sắc hơn nữa về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh. Ban Chỉ đạo phải hết sức khoa học, chặt chẽ, bài bản, nền nếp, bảo đảm thực chất, có kết quả cụ thể, rõ ràng, tránh phô trương, hình thức, "thành lập cho có", "được chăng hay chớ"; Nhất là tránh tình trạng "đầu voi, đuôi chuột", lúc ra mắt thì rầm rộ, nhưng sau cứ thưa thớt, nguội lạnh dần.
Thứ hai, phải tiếp tục chỉ đạo nâng cao hơn nữa trách nhiệm của cấp ủy Đảng, tính tiền phong, gương mẫu, kiên trì xây dựng văn hóa liêm chính của cán bộ, đảng viên; Chỉ đạo chấn chỉnh, khắc phục tư tưởng sợ sai, đùn đẩy, né tránh, làm việc cầm chừng của một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Người đứng đầu cấp ủy, tổ chức Đảng và tập thể lãnh đạo các cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương phải luôn luôn gương mẫu, quyết liệt; Tự soi, tự sửa; Nói đi đôi với làm; Trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, chủ động phòng ngừa, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh các hành vi tham nhũng, tiêu cực; Tránh tình trạng "chân mình còn lấm bê bê, lại cầm bó đuốc đi rê chân người!".
“Cơ quan, đơn vị, địa phương nào nếu tự kiểm tra, giám sát không phát hiện tham nhũng, tiêu cực, mà sau đó các đoàn kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán của Trung ương lại phát hiện có tham nhũng, tiêu cực, thì người đứng đầu cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị, địa phương đó phải chịu trách nhiệm và phải có hình thức xử lý nghiêm khắc”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh.
Thứ ba, cần tập trung chỉ đạo phát hiện, xử lý kịp thời, dứt điểm những khâu yếu, việc khó, điểm nghẽn; Những vấn đề cấp bách, bức xúc, dư luận xã hội quan tâm; Tạo chuyển biến tích cực hơn nữa trong công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực ở địa phương, cơ sở với phương châm: Không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai và không chịu sự tác động không trong sáng của bất kỳ tổ chức, cá nhân nào.
Thứ tư, cần lãnh đạo, chỉ đạo phát huy mạnh hơn nữa vai trò của các cơ quan, đại biểu dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, báo chí và Nhân dân trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; Tăng cường các phiên chất vấn, giải trình về việc phát hiện và xử lý tham nhũng, tiêu cực; Chú trọng giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống và nêu gương của người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý và đảng viên… Ban Chỉ đạo cấp tỉnh cần lập đường dây nóng hoặc phương thức phù hợp để tiếp nhận những thông tin về công tác chống tham nhũng, tiêu cực của Nhân dân.
Thứ năm là, tiếp tục tham mưu, chỉ đạo kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo. Trong đó, các đồng chí, thành viên Ban Chỉ đạo trước hết phải là những người thực sự gương mẫu, trong sạch, liêm - dũng - chính - trực, không bị cám dỗ bởi bất cứ lợi ích nào và cũng không ngại bất cứ lực cản không trong sáng nào, dám nói, dám làm, kiên quyết làm vì lợi ích chung.
Trưởng ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cũng nhấn mạnh: Phải phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành liêm chính ngay trong các cơ quan phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; Đồng thời, có chính sách đãi ngộ hợp lý; Tạo điều kiện thuận lợi và động lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nỗ lực phấn đấu, toàn tâm, toàn ý với công việc.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tin tưởng, các thành viên Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng các cấp sẽ nêu cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm, hoàn thành xuất sắc trọng trách của mình trước Đảng, trước Nhân dân và đất nước, tạo sự chuyển biến tích cực, mạnh mẽ hơn nữa công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nhất là ở địa phương, cơ sở mình, đáp ứng mong muốn và kỳ vọng của Nhân dân.