Tất bật chăm sóc rau xanh để kịp thu hoạch dịp Tết
Hứa hẹn vụ rau được mùa, được giá
Huyện Mê Linh là vùng trồng rau xanh lớn của Hà Nội. Những ngày này, người trồng rau ở Mê Linh đang thực hiện những công đoạn cuối cùng để chuẩn bị thu hoạch phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Năm nay, thời tiết thuận lợi, cộng với việc nông dân ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, nên rau phát triển ổn định, hứa hẹn sẽ được mùa, được giá.
Anh Đinh Văn Thuật ở Tiền Phong, Mê Linh (Hà Nội) cho biết: "Vụ này, gia đình tôi trồng hơn 1 mẫu rau các loại, trong đó diện tích rau dự kiến cho thu hoạch dịp Tết khoảng 5 sào. Nếu giá bán ổn định, thì dịp Tết này gia đình tôi thu được khoảng 40 triệu đồng… Trong những ngày rét này, gia đình cũng đang thực hiện các giải pháp kỹ thuật nhằm bảo vệ cây, qua đó thu hoạch đúng sản lượng dự kiến".
Những ngày này, người trồng rau ở Mê Linh đang thực hiện những công đoạn cuối cùng để chuẩn bị thu hoạch phục vụ thị trường Tết Nguyên đán |
Tại thôn Đông Cao (xã Tráng Việt, Mê Linh), không khí sản xuất ở đây đang tất bật, ai nấy đều hối hả cho vụ rau quan trọng nhất trong năm. Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Đông Cao Đàm Văn Đua thông tin, để phục vụ nhu cầu thị trường Tết Nguyên đán Giáp Thìn, từ tháng 10/2023, các thành viên hợp tác xã đã xuống giống gieo trồng nhiều loại rau, củ...
Tổng diện tích gieo trồng rau, củ của hợp tác xã khoảng 200ha, trong đó 124ha sản xuất rau an toàn và 10ha theo tiêu chuẩn VietGAP, sản lượng khoảng 35.000 tấn/năm, góp phần tạo ra nguồn thu nhập cao, ổn định cho các thành viên trong hợp tác xã.
Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Lê Văn Khương cho biết, để nâng cao giá trị từ cây rau cũng như chuẩn bị cho vụ Tết Nguyên đán 2024, từ giữa năm 2023, UBND huyện giao Phòng Kinh tế, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện phối hợp với UBND các xã, hợp tác xã đẩy mạnh việc mở lớp tập huấn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật sản xuất rau an toàn cho nông dân...
Huyện cũng khuyến cáo nông dân không sản xuất ồ ạt một loại rau, củ, quả mà trồng rải vụ, sản xuất theo hợp đồng và nhu cầu thị trường dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, nhằm hạn chế tình trạng dư thừa nông sản.
Tổng diện tích gieo trồng rau, củ của hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Đông Cao khoảng 200ha, trong đó 124ha sản xuất rau an toàn và 10ha theo tiêu chuẩn VietGAP |
Cùng với đó, UBND huyện phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội xây dựng nhãn hiệu tập thể rau Đông Cao (xã Tráng Việt), hỗ trợ mã vạch, truy xuất nguồn gốc và tem nhãn nhận diện cho các sản phẩm rau an toàn; phối hợp với các sở, ngành đưa sản phẩm rau, củ, quả tham gia các hội chợ, sự kiện giới thiệu sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) tại Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong cả nước để quảng bá thương hiệu, tìm thêm nguồn khách hàng. Cũng nhờ vậy, nhiều cơ sở, hộ sản xuất đã tìm được thêm khách hàng cho vụ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 cũng như thời gian sau Tết.
Đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường
Ngoài trồng hoa, cây cảnh thì Tây Tựu (Bắc Từ Liêm) cũng là một vùng trồng rau nổi tiếng của Hà Nội. Rau tại đây được trồng quanh năm nhưng Tết là vụ được trồng với diện tích lớn nhất, nhu cầu tiêu thụ cao nên tất cả người dân đều xuống đồng chăm sóc rau màu để kịp thu hoạch đúng dịp Tết.
Đang chăm tưới khoảng 6 sào rau của gia đình, ông Phạm Đức Hiệp (Tây Tựu, Bắc Từ Liêm) cho hay: Cùng với hoa thì rau màu ở đây được trồng quanh năm, là nguồn thu nhập chính của người dân. Thời điểm này, bà con tập trung chăm sóc cho rau cuối năm vì thường được giá hơn so với những thời điểm khác.
“Vụ này, gia đình tôi trồng 2 sào bắp cải, 1 sào cải cúc, 1,2 sào ớt, 1 sào hành lá còn lại trồng các loại rau khác. Hiện tại các diện tích rau của tôi khoảng gần hai tuần nữa là cho thu hoạch. Tôi mong những ngày cuối năm rau được giá để gia đình có thêm nguồn thu nhập”, ông Hiệp nói.
Nông dân các huyện ngoại thành Hà Nội đang tất bật chăm sóc những ruộng rau, củ, quả để kịp thu hoạch, phục vụ người tiêu dùng Thủ đô trong dịp Tết. |
Ngày Tết đang đến gần, những ruộng rau như su hào, bắp cải, súp lơ đang chuẩn bị bước vào kỳ thu hoạch, báo hiệu bội thu, giúp người trồng rau thêm một cái Tết đủ đầy, sung túc. So với năm ngoái giá các loại rau năm nay đắt hơn. Người trồng rau cũng yên tâm hơn khi có các hệ thống phân phối hỗ trợ người nông dân về vấn đề tiêu thụ hàng hoá.
Ông Nguyễn Mạnh Phương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết, để chủ động nguồn cung rau xanh cũng như an toàn thực phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng tăng cao của người dân Thủ đô trong những ngày này, Sở cũng chỉ đạo các đơn vị thường xuyên mở các lớp tập huấn để chuyển giao kỹ thuật cho người dân hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; làm nhà màng, nhà lưới để cung cấp nguồn rau xanh bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm ra thị trường.
Hiện nay, Hà Nội mới chủ động được 65% sản phẩm rau, còn lại đưa từ các tỉnh, thành phố lân cận về tiêu thụ. Để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng Thủ đô, vụ Đông năm nay, Hà Nội gieo trồng 28.512ha gồm rau các loại, đậu tương, ngô, lạc, khoai lang, khoai tây và nhiều loại cây trồng khác. Thời tiết năm nay tương đối thuận lợi cho cây trồng, đặc biệt là cây rau, nên lượng rau xanh sẽ đủ đáp ứng nhu cầu của thị trường... Đặc biệt là trong các tháng Tết, người dân tiêu thụ khoảng 100.000 tấn rau xanh, tăng khoảng 15% so với tháng bình thường.
Những sản phẩm rau an toàn được người dân thu hoạch, đóng gói cần thận để đưa tới tay người tiêu dùng |
Để cung không vượt cầu đối với thị trường rau xanh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đã khuyến cáo bà con tập trung sản xuất theo tín hiệu thị trường; trồng đa dạng chủng loại rau, sử dụng giống rau thế hệ mới nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm; trong đó, mở rộng diện tích trồng rau ăn lá, rau gia vị, rau cao cấp… tạo thuận tiêu thụ và nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm rau an toàn trên thị trường; đồng thời tham gia các hội chợ để quảng bá tiêu thụ sản phẩm rau an toàn.
Hiện nay, các vùng trồng rau màu trên địa bàn thành phố Hà Nội đang tất bật chuẩn bị phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Mặc dù thời tiết những ngày cuối năm đôi lúc diễn biến thất thường nhưng với kinh nghiệm nhiều năm của nông dân, nhìn chung, tình hình sản xuất rau màu khá thuận lợi. Tuy nhiên, để bảo đảm đầu ra tốt, nông dân cần sản xuất theo nhu cầu của thị trường, tránh tình trạng cung vượt cầu.