Tết của nhà báo
Ai bảo Tết Sài Gòn không vui? Sẻ chia để ai cũng có Tết |
“Năm nay, con lại về muộn nhé”…
Nhà báo Thanh Duyên, làm việc tại Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội gần 10 năm. Với nữ nhà báo 9X này, mỗi dịp Tết đến, xuân về, khi mọi người chuẩn bị Tết cho gia đình, chị cũng tất bật lo cho cái Tết nhưng không phải là những mâm ngũ quả, đồ trang trí hay thực phẩm… mà là những phóng sự, phản ánh, chương trình, phục vụ nhu cầu thông tin của công chúng.
Nữ nhà báo chia sẻ: “Tết với nhà nào cũng quan trọng nhưng với nhà báo thì Tết còn có không khí rất riêng. Câu nói quen thuộc của tôi mỗi khi Tết đến với bố mẹ là: Năm nay con lại về muộn nhé! Có năm, đêm 30 Tết, tôi phải đi làm bài trực tiếp không khí đón giao thừa ở Hà Nội, sau đó mới về quê đón Tết cùng gia đình. Xuyên suốt những ngày Tết, chúng tôi vẫn sản xuất tin bài cho các chương trình thời sự. Có những năm đón được “nửa Tết” cùng gia đình, chúng tôi lại phải đi làm sự kiện”.
Nhà báo Thanh Duyên (Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội) chia sẻ: “Có những ngày, chúng tôi thu, dựng chương trình từ sáng sớm đến đêm khuya. Tất cả mọi người đều nỗ lực để tạo nên các sản phẩm báo chí chất lượng. Nếu ai đó hỏi có cảm thấy vất vả không, tôi chắc chắn trả lời là có nhưng bên cạnh nỗi vất vả, đó là niềm vui, hạnh phúc khi sáng tạo ra những sản phẩm báo chí chất lượng gửi đến công chúng. Thử thách càng nhiều thì cũng là lúc đam mê cứ lớn dần. Thế rồi, nhìn lại chặng đường đi qua, mới hay mình đã trưởng thành hơn rất nhiều so với thuở bắt đầu, từ kiến thức cho đến tư duy làm nghề”. |
Tết đến, xuân về, rất nhiều các hoạt động, sự kiện diễn ra, còn là thời điểm lãnh đạo Trung ương, thành phố, các ngành đi thăm, chúc Tết các cơ quan, đơn vị, bà con Nhân dân. Những phóng viên trẻ, chưa vướng bận gia đình như chị luôn trong tư thế “sẵn sàng chiến đấu”, lên đường tác nghiệp bất cứ lúc nào.
Qua nhiều năm làm báo, Thanh Duyên tham gia đưa nhiều tin, bài cho các sự kiện lớn của thành phố Hà Nội và cả nước hay đi theo các đoàn tặng quà Tết cho trẻ em nghèo, đồng bào khó khăn. Từ trải nghiệm ấy, nữ nhà báo trẻ không quên ánh mắt, nụ cười của các em bé khuyết tật, mồ côi, của những người dân nghèo khi được nhận quà Tết, được tặng chăn, áo ấm mùa đông để có một cái Tết vui tươi, ấm áp như bao người; không quên hình ảnh các anh, chị công nhân vệ sinh môi trường ngày Tết vẫn miệt mài quét rác, làm sạch đường phố để mọi người vui xuân.
Tính ra, năm nay là cái Tết thứ 9, cô gái 9X được nếm trải cảm giác của người làm báo mỗi dịp xuân về. Năm nay, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội có nhiều sự đầu tư, đổi mới nâng cao chất lượng các chương trình, đòi hỏi mỗi phóng viên trẻ phải không ngừng nỗ lực hơn nữa trong công tác chuyên môn, xây dựng các tuyến bài sao cho sinh động, hấp dẫn, thu hút nhiều khán, thính giả hơn.
Nhà báo Thanh Duyên (Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội) |
Theo nữ nhà báo, bước vào tháng 1/2024, nhà đài đã phải xong toàn bộ kế hoạch tuyên truyền, định hướng đề tài triển khai trước, trong và sau Tết. Tuần bận rộn nhất của phóng viên nhà đài chính là từ 23 tháng Chạp, sau “Tết ông Công, ông Táo”, tất cả mọi thứ như đua với thời gian, “vắt chân lên cổ” để kịp tiến độ.
Nhà báo Thanh Duyên cho rằng, gắn bó được với nghề này phải có đam mê mới có thể vượt qua tất cả khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ tuyên truyền, nắm bắt nhanh nhạy thông tin cơ sở, truyền tải đến Nhân dân. “Một mùa xuân mới đang đến, những phóng viên như tôi cũng bước vào vòng quay mới, luôn hối hả, miệt mài, mang tới cho khán, thính giả các tác phẩm, chương trình phong phú, đặc sắc”, nhà báo Thanh Duyên chia sẻ.
Tết đến từ khi đào chưa nở
10 năm gắn bó với nghề báo, chị Hoàng Ngọc Trang (Báo Giáo dục và Thời đại) cũng luôn tất bật mỗi khi Tết đến, xuân về. Công việc hằng ngày của người làm báo bận rộn, áp lực thời gian vì tính chất thời sự, chính xác, khách quan của báo chí. Nay vào Tết càng bận, vì vừa làm báo ngày, vừa làm báo Tết lại còn làm việc nhà, với vai trò là mẹ, là vợ, người con trong gia đình.
Nhà báo Ngọc Trang (Báo Giáo dục và Thời đại) |
Nhà báo Ngọc Trang chia sẻ: “Tết dường như đến với giới báo chí từ khi hoa đào còn chưa nở. Bởi các phóng viên, biên tập viên phải làm báo Tết sớm mới kịp xuất bản ấn phẩm đặc biệt này đúng thời điểm. Rồi từ những ngày giáp Tết, trong khi cán bộ, nhân viên ở các cơ quan khác được nghỉ ngơi, thảnh thơi sắm sửa cho gia đình thì cánh báo chí vẫn đầu tắt mặt tối chạy tin bài điện tử... Ngày Tết, người ta thanh nhàn ăn chơi, ngao du đó đây thì mình vẫn không ngừng tác nghiệp”.
Từ khi còn cách Tết rất xa, nữ nhà báo đã xoay mòng mòng với công việc. Nhà báo Ngọc Trang cho hay: “Cánh nhà báo luôn tất bật với những chuyến đi không nghỉ, đêm về lại cặm cụi bên trang viết, dồn hết tâm huyết để cho ra đời những đứa con tinh thần chất lượng, đặc biệt nhất dành cho các ấn phẩm xuân phục vụ bạn đọc. Ngay trong Tết, thay vì những bữa cơm đoàn viên cùng gia đình, nhiều người làm báo vẫn rong ruổi theo dòng sự kiện để kịp thời chuyển tải thông tin đến công chúng”.
Nữ nhà báo cho rằng, đa số phóng viên đều bận rộn không kể ngày thường hay ngày Tết bởi báo chí luôn phải nóng hổi. Nghề báo là như vậy. Rất nhiều đồng nghiệp của chị, 30 Tết vẫn đi làm, đẩy tin bài lên rồi trở về nhà thì đã tối, thậm chí, biên tập viên đợi tin quá giao thừa. Lúc nào phóng viên cũng trong tình trạng “chạy nước rút” để làm tin, bài thời sự trong ngày, trả bài đúng “deadline” cơ quan giao và chính ý thức của nhà báo thôi thúc bản thân.
Đặc biệt, trong thời buổi báo điện tử lên ngôi, nhu cầu đọc tin mới của độc giả tính bằng giờ, phút, nên ngày Tết, bộ phận trực báo điện tử phải “tác chiến” liên tục với những thông tin từ du xuân, lễ hội, vui chơi giải trí đến tình hình tai nạn giao thông… mà vẫn không thể thiếu một khâu nào từ việc lấy tin tức đến xuất bản.
Nhà báo Ngọc Trang (Báo Giáo dục và Thời đại) kể: “Tôi có đồng nghiệp mới lấy chồng. Là cô dâu mới nhưng ngay cái Tết đầu tiên, ngày 30 Tết cô ấy mới về được quê chồng vì công việc bận rộn. Về đến quê, cô lại tất bật với tin bài bên máy tính mà không giúp đỡ được nhiều cho mẹ chồng. Dù rất ngại nhưng cô ấy không còn cách nào khác, chỉ biết giải thích với gia đình rằng công việc thật sự rất bận rộn. Bạn tôi bảo, nhiều khi muốn về quê để bố mẹ đỡ mong nhưng rất khó vì làm báo. Thậm chí, khi mọi người trong gia đình quây quần bên nhau, xem các chương trình trên tivi lúc cận Giao thừa, cô ấy phải đợi đồng nghiệp gửi ảnh về để đẩy những cái tin cuối cùng trong năm”. |