Thái Bình phấn đấu đến 2025 trở thành tỉnh phát triển khá
Một góc tỉnh Thái Bình |
Thái Bình đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới trên phạm vi toàn tỉnh trước 3 năm so với mục tiêu đề ra; 100% dân cư nông thôn được cấp nước sạch. Cải cách hành chính tiếp tục được đẩy mạnh...
Bên cạnh những kết quả đạt được, tỉnh vẫn còn những khó khăn, hạn chế cần khắc phục như: Quy mô nền kinh tế còn nhỏ; giá trị sản xuất nông nghiệp, công nghiệp chưa cao; thu hút đầu tư nước ngoài thấp, chưa có những dự án tạo sự bứt phá kinh tế cho tỉnh. Việc cải cách thủ tục hành chính, nhất là trong lĩnh vực đầu tư chưa chuyển biến tích cực.
Để khắc phục được những khó khăn, hạn chế trên, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tỉnh Thái Bình đổi mới, sáng tạo, khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế, nỗ lực phấn đấu cao nhất tạo bước phát triển bền vững, phấn đấu đến năm 2025 Thái Bình trở thành tỉnh phát triển khá của Đồng bằng sông Hồng.
Đồng thời, tỉnh cần cơ cấu lại nền kinh tế và các ngành sản xuất gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển các ngành, sản phẩm có lợi thế cạnh tranh; chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để nâng cao chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh của nền kinh tế; Tập trung hoàn thành Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; rà soát các quy hoạch ngành, lĩnh vực để tích hợp vào Quy hoạch tỉnh, bảo đảm tính khả thi, thống nhất, đồng bộ giữa các cấp quy hoạch.
Tỉnh chú trọng phát triển nông nghiệp công nghệ cao để nâng cao giá trị sản xuất; tiếp tục đầu tư xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng văn minh, hiện đại gắn với đô thị hoá, để nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống của người dân; Tập trung quy hoạch các vùng sản xuất chuyên canh, liên kết, hình thành các hợp tác xã kiểu mới; Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho nông nghiệp, đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn.
Khu kinh tế Thái Bình có diện tích hơn 30.000 ha |
Bên cạnh đó, tỉnh cần đẩy mạnh phát triển các ngành: Giao thông vận tải, công nghiệp mới, công nghiệp phụ trợ, doanh nghiệp dịch vụ (logistics, du lịch, vận tải...); đa dạng hóa đầu tư, thu hút các nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước, doanh nghiệp công nghiệp lớn trong khu vực và thế giới tới đầu tư; hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật đồng bộ ở các khu, cụm công nghiệp, tạo liên kết chuỗi sản xuất, trở thành động lực cho phát triển công nghiệp.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phát triển Khu kinh tế Thái Bình trở thành một động lực thúc đẩy kinh tế của tỉnh. Khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp chế biến nông sản, thuỷ sản, công nghiệp hỗ trợ, điện khí và điện gió theo quy hoạch; Tăng cường xã hội hóa nguồn lực, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông kết nối; Có chương trình cụ thể, các cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư để thu hút các nhà đầu tư lớn, các doanh nhân thành đạt, con em quê hương Thái Bình về đầu tư tại tỉnh.
Các cơ quan cần đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, góp phần thu hút đầu tư trong những năm tới; Tiếp tục rà soát, đơn giản hoá thành phần hồ sơ và cắt giảm thời gian giải quyết các thủ tục; Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 gắn với đổi mới phương thức chỉ đạo, điều hành và xây dựng chính quyền điện tử; Thường xuyên đối thoại và kịp thời giải quyết những kiến nghị, phản ánh của doanh nghiệp, người dân.
Khu kinh tế cần phát triển toàn diện và nâng cao chất lượng sự nghiệp văn hóa - xã hội, khoa học - công nghệ, thông tin - truyền thông, nguồn nhân lực chất lượng cao; Thực hiện kịp thời, đầy đủ các chế độ, chính sách đối với người có công với cách mạng, các đối tượng bảo trợ xã hội và hộ nghèo, bảo đảm an sinh xã hội…