Tham gia BHYT hộ gia đình để được chăm sóc sức khỏe toàn diện
Tham gia BHYT hộ gia đình là giải pháp tối ưu để được chăm sóc sức khỏe toàn diện
Bài liên quan
Bảo hiểm y tế - Song hành cùng an sinh đất nước
Tăng mức hưởng BHYT khi khám chữa bệnh tại các bệnh viện không có hợp đồng BHYT
Phát động Cuộc thi “Viết về Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế”
Chung tay xây dựng, phát triển BHYT vì sức khỏe toàn dân
Tăng tỷ lệ người dân tham gia BHYT
Sau hơn 4 năm thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, Việt Nam đã tiệm cận mục tiêu BHYT toàn dân. Theo ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, từ khi thực hiện Luật BHYT, tỉ lệ bao phủ BHYT tăng trưởng khá nhanh, từ 52,4 triệu người (60% dân số) tham gia vào năm 2010, đến tháng 6/2019 đã tăng lên hơn 84,5 triệu người (chiếm 89% dân số).
Đạt được kết quả như trên là sự nỗ lực, quyết tâm rất lớn của cả hệ thống chính trị, đặc biệt từ khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 21-NQ/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT. Bên cạnh đó, là sự phối hợp chặt chẽ, trách nhiệm của các bộ, ngành trong thực hiện lộ trình BHYT toàn dân.
Nhận định về ý nghĩa, vai trò của BHYT hộ gia đình trong việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe toàn dân, ông Bùi Sỹ Lợi cho hay: "Tham gia BHYT theo hộ gia đình chính là tự trang bị “phao cứu sinh” cho bản thân và những người trong gia đình. Kể từ ngày 1/1/2015, khi Luật BHYT (sửa đổi) có hiệu lực thi hành trong đó có quy định người dân tham gia BHYT tự nguyện sẽ chuyển sang hình thức BHYT bắt buộc theo hộ gia đình. BHXH Việt Nam chú trọng công tác tuyên truyền, nhiều hình thức phong phú, phù hợp với từng đối tượng.
Ngoài ra, các kênh cung cấp BHYT cũng được mở rộng, tạo thuận lợi cho người dân tham gia. Nhờ sự vào cuộc tích cực của các ban, ngành, đoàn thể, địa phương và nhân viên đại lý thu nên đến hết tháng 6 năm nay, cả nước đã có 84,5 triệu người dân có thẻ BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ là 89%. Theo Luật BHYT sửa đổi năm 2014, nhóm hộ gia đình chuyển thành đối tượng tham gia BHYT bắt buộc nhưng theo hình thức hộ gia đình. Cũng đến tháng 5 năm 2019, đã có hơn 17 triệu người tham gia theo hình thức này”.
Đối tượng tham gia BHYT hộ gia đình bao gồm toàn bộ người có tên trong sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú (trừ các thành viên đã tham gia theo các nhóm đối tượng BHYT khác và người đã khai báo tạm vắng với chính quyền địa phương). Để tham gia BHYT hộ gia đình, hộ gia đình có trách nhiệm khai chính xác toàn bộ thành viên trong hộ gia đình vào danh sách hộ gia đình tham gia BHYT (vào mẫu DK01) theo hướng dẫn của UBND các xã phường, thị trấn.
Đối với người tham gia lần đầu, hoặc tham gia không liên tục từ 3 tháng trở lên thẻ BHYT có giá trị sử dụng sau 30 ngày, kể từ ngày đóng BHYT. Người tham gia liên tục kể từ lần thứ hai trở đi thì thẻ BHYT có giá trị sử dụng nối tiếp với ngày hết hạn sử dụng của thẻ lần trước. Để thẻ BHYT có giá trị sử dụng liên tục và không bị gián đoạn, trước khi thẻ BHYT hết hạn sử dụng 10 ngày, hộ gia đình phải đóng tiền cho đại lý thu hoặc đóng trực tiếp tại BHXH quận, huyện nơi sinh sống.
Điều chỉnh mức đóng BHYT hộ gia đình
Nói về quyền lợi của người dân khi tham gia BHYT hộ gia đình, ông Nguyễn Đức Hòa, Giám đốc BHXH Thành phố Hà Nội nhấn mạnh: "Người tham gia BHYT theo hộ gia đình được lựa chọn một cơ sở y tế thuận lợi (đối với tuyến xã, tuyến huyện không phân biệt địa giới hành chính) theo hướng dẫn của cơ quan BHXH để đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu. Khi tham gia BHYT người dân được khiếu nại, tố cáo các hành vi vi phạm pháp luật về BHYT. Đặc biệt, người tham gia BHYT theo hộ gia đình sẽ được quỹ BHYT chi trả các chi phí khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng, khám thai định kỳ, sinh con...
Thực hiện Nghị quyết 70/2018/QH14, từ ngày 1/7/2019 lương cơ sở sẽ được điều chỉnh từ mức 1.390.000 đồng/tháng lên mức 1.490.000 đồng/tháng. Theo đó, kinh phí tham gia BHYT của nhóm đối tượng hộ gia đình điều chỉnh tăng tối đa 4.500 đồng/thẻ.
Giải thích rõ hơn về kinh phí tham gia BHYT hộ gia đình, ông Nguyễn Đức Hòa cho biết: Tại Điểm e Khoản 1 Điều 7 Nghị định 146/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật BHYT quy định mức đóng BHYT của đối tượng hộ gia đình: Người thứ nhất đóng bằng 4,5% mức lương cơ sở; người thứ hai, thứ ba, thứ tư đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất; từ người thứ năm trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất.
Việc giảm trừ mức đóng BHYT theo quy định tại điểm này được thực hiện khi các thành viên tham gia BHYT theo hộ gia đình cùng tham gia trong năm tài chính. Theo đó, mức đóng BHYT theo hộ gia đình từ ngày 1/7/2019 có thay đổi. Cụ thể là, người thứ nhất đóng 67.050 đồng/tháng, tăng 4.500 đồng mỗi tháng; đóng một năm là 804.600 đồng, tăng 54.000 đồng mỗi năm. Với người thứ hai, đóng 46.935 đồng/tháng, tăng 3.185 đồng mỗi tháng, mức đóng một năm là 563.220 đồng, tăng 38.800 đồng mỗi năm. Người thứ ba, đóng 40.230 đồng/tháng, tăng 2.700 đồng mỗi tháng, mức đóng một năm là 482.760 đồng, tăng 32.400 đồng mỗi năm. Với người thứ tư, đóng 33.525 đồng/tháng, tăng 2.250 đồng mỗi tháng, mức đóng một năm là 405.300 đồng, tăng 27.000 đồng mỗi năm.Từ người thứ 5 trở đi, đóng 26.820 đồng/tháng, tăng 1.800 đồng mỗi tháng, mức đóng một năm là 321.840 đồng, tăng 21.600 mỗi năm.
Bên cạnh đó, căn cứ theo Điều 22 của Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi năm 2014 và hướng dẫn của Nghị định 146/2018/NĐ-CP, mức hưởng của người tham gia BHYT theo hộ gia đình là 80% chi phí khám bệnh, chữa bệnh nếu đi khám, chữa bệnh đúng tuyến. Trong trường hợp khám, chữa bệnh vượt tuyến, người bệnh được thanh toán 40% nếu điều trị nội trú tại bệnh viện tuyến trung ương; 60% nếu điều trị nội trú tại bệnh viện tuyến tỉnh; 100% nếu khám, chữa bệnh tại bệnh viện tuyến huyện.
Phát triển đối tượng hộ gia đình tham gia BHYT là giải pháp quan trọng để đạt mục tiêu BHYT toàn dân vào năm 2020. Để phát triển đối tượng tham gia BHYT hộ gia đình, góp phần tăng tỷ lệ bao phủ BHYT trên địa bàn, ngay từ đầu năm, BHXH Hà Nội giao kế hoạch phát triển đối tượng hằng tháng, hằng quý cho BHXH các quận, huyện, thị xã. Đồng thời chỉ đạo BHXH cấp huyện chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo công tác phát triển đối tượng, giao chỉ tiêu BHYT hộ gia đình hằng tháng cho xã, phường, thị trấn và các đại lý thu.
Cùng với đó, BHXH thành phố đã ký kết quy chế phối hợp công tác với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh; mở rộng hệ thống đại lý thu BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình tới hội viên Hội Phụ nữ và Hội Nông dân, nâng tổng số hệ thống đại lý thu BHYT hộ gia đình lên 5 hệ thống gồm: Bưu điện, y tế, cán bộ cấp xã, cán bộ Hội Nông dân và Hội Phụ nữ.