Thẩm quyền của cấp nào thì giải quyết dứt điểm, thấu đáo ngay từ cấp đó
Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn kết luận buổi giám sát |
Phó Trưởng đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh, việc tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo là rất quan trọng, dự báo xu hướng việc khiếu nại, tố cáo sẽ tăng trong thời gian tới, liên quan đến quá trình đô thị hóa và nhiều vấn đề dân sinh như: Môi trường, xử lý rác thải, bồi thường giải phóng mặt bằng...
Vì thế, các cấp, các ngành của thành phố và quận, huyện cần tăng cường kỷ cương, trách nhiệm, làm thực chất, làm đúng trách nhiệm, thẩm quyền; Đặc biệt xác định rõ vai trò của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp, để các vụ việc được giải quyết ngay từ cơ sở, không tạo nên bức xúc, dẫn đến khiếu nại đông người.
“Các Sở, ngành, quận, huyện cần chú trọng tiếp công dân để nắm bắt, giải quyết các vấn đề phát sinh ở địa phương. Thẩm quyền giải quyết của cấp nào thì phải giải quyết dứt điểm, thấu đáo ngay từ cấp đó, tránh vượt cấp. Những vụ việc khó, tồn đọng kéo dài, qua nhiều cơ chế, chính sách thì phải có thống kê, phân loại, bàn giải pháp tháo gỡ vướng mắc của từng vụ việc; Cần thiết phải thành lập tổ công tác”, đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn yêu cầu.
Trưởng đoàn giám sát cũng yêu cầu các cấp, các ngành tập trung tuyên truyền chính sách pháp luật, tăng cường đối thoại, hòa giải ở cơ sở với mục đích giải quyết hiệu quả công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo, để cử tri và Nhân dân hiểu rõ thành phố luôn quan tâm giải quyết các kiến nghị, bức xúc của người dân. Thời gian tới, Đoàn giám sát cần lựa chọn một số vụ việc cụ thể để theo dõi, giám sát thực tế.
Quang cảnh buổi giám sát |
Báo cáo tại buổi làm việc cho thấy: Từ ngày 1/7/2016 đến 1/7/2021, cấp thành phố tiếp nhận 3.216 vụ việc; Đã giải quyết 3.143 vụ việc, đang giải quyết 73 vụ việc. UBND các quận, huyện đã tiếp nhận, xem xét, phân loại các vụ việc khiếu nại thuộc thẩm quyền và thụ lý giải quyết theo quy định. Trong đó, quận Tây Hồ đã giải quyết 284/287 vụ việc; Quận Nam Từ Liêm đã giải quyết 850/873 vụ việc; Huyện Quốc Oai đã giải quyết 150/154 vụ việc; Huyện Sóc Sơn đã giải quyết 103/107 vụ việc…
Về số vụ tố cáo của các đơn vị được giải quyết đúng hạn: Quận Tây Hồ 131/131 vụ ; quận Nam Từ Liêm 169/170 vụ ; Huyện Quốc Oai 135/146; huyện Sóc Sơn 145/160 vụ.
Về tiếp công dân, Thanh tra thành phố, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng và các quận, huyện thực hiện nghiêm túc quy định về tiếp công dân định kỳ, tiếp đột xuất; Cơ bản đã thực hiện quy định việc tiếp công dân của người đứng đầu cơ quan. Các nội dung như: Bố trí địa điểm tiếp công dân; Kiện toàn Ban Tiếp công dân, bố trí cán bộ, công chức làm nhiệm vụ tiếp công dân; Ban hành nội quy, quy chế và công khai lịch tiếp công dân được thực hiện theo quy định và đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Qua tiếp công dân và tiếp nhận, đơn thư của công dân đã được phân loại và xử lý cơ bản bảo đảm quy định. Tỷ lệ đơn thư khiếu nại, tố cáo không cao; Tỷ lệ đơn kiến nghị phản ánh và đơn trùng, đơn không đủ điều kiện lớn. Việc tiếp nhận, xử lý, giải quyết cơ bản đúng thẩm quyền.
Bên cạnh các kết quả trên công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của các đơn vị vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Trong đó, công tác phối hợp xem xét, giải quyết và tổ chức thực hiện các quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận tố cáo có hiệu lực và chỉ đạo giải quyết kiến nghị phản ánh của công dân chưa thường xuyên, chưa chặt chẽ và hiệu quả chưa cao; Vẫn còn tình trạng Giám đốc Sở, Chủ tịch UBND cấp huyện và Chủ tịch UBND cấp xã ủy quyền cho cấp phó tiếp công dân thay.
Việc phân loại đơn thư vẫn còn tồn tại như phân loại đơn thư chưa đúng, ghi chép sổ sách không đầy đủ, theo dõi thiếu chặt chẽ, nhất là thời hạn giải quyết, trả lời…