Tháng Nhân đạo năm 2020: Hướng tới một cộng đồng khỏe mạnh, đẩy lùi dịch bệnh Covid-19
Hiến máu nhân đạo, một hoạt động ý nghĩa trong lễ phát động Tháng nhân đạo
Bài liên quan
Đảm bảo khám, chữa bệnh an toàn phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới
32 ngày Việt Nam không có ca mắc Covid-19 ở cộng đồng
Thêm 2 ca mắc Covid-19 là người từ Nga trở về, đã cách ly ngay khi nhập cảnh
Sức khoẻ bệnh nhân BN91 mắc Covid-19 đã có tiến triển
Tháng 5 được chọn là tháng nhân đạo vì đây là dịp toàn Đảng, toàn dân, toàn quân kỷ niệm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người sáng lập và là Chủ tịch danh dự đầu tiên của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.
Tháng 5 hàng năm cũng là dịp những người làm công tác nhân đạo trên toàn thế giới long trọng kỷ niệm Ngày Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế - Ngày 8/5 - Ngày sinh của Henry Dunant - Người sáng lập Phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, với tinh thần: tất cả vì người nghèo, người dễ bị tổn thương trong xã hội, vì mọi người, ở mọi nơi.
Tháng Nhân đạo là tháng cao điểm toàn dân làm nhân đạo góp phần nâng cao nhận thức, khơi dậy lòng nhân ái trong các tầng lớp nhân dân và trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, các lực lượng xã hội trong công tác nhân đạo; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước đối với công tác nhân đạo; Tạo phong trào thi đua làm việc thiện sâu rộng trong các cơ quan, tổ chức và các tầng lớp nhân dân, thúc đẩy công cuộc xóa đói, giảm nghèo, xây dựng cộng đồng đoàn kết, giàu lòng nhân ái; đẩy mạnh công tác vận động nguồn lực tại địa phương trợ giúp các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn.
Theo Chủ tịch Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam Nguyễn Thị Xuân Thu, thực hiện chủ trương của Ban Bí thư Trung ương Đảng, năm 2018 là năm đầu tiên Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tổ chức thí điểm phát động Tháng Nhân đạo ở một số tỉnh, thành phố, sau đó tổng kết, rút kinh nghiệm, nhân rộng trên toàn quốc.
Tổng trị giá hoạt động trong Tháng nhân đạo của 2 năm thực hiện thí điểm đạt 1.257 tỷ đồng, vượt 144% so với bình quân giá trị hoạt động các tháng trong năm; trợ giúp 1.688.062 lượt người nghèo và người có hoàn cảnh khó khăn.
Theo đánh giá của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, qua 2 năm triển khai thí điểm, Tháng Nhân đạo đã được các cấp Hội, đông đảo cán bộ, hội viên, tình nguyện viên, thanh thiếu niên chữ thập đỏ hưởng ứng và tham gia tích cực; thể hiện rõ vai trò nòng cốt của Hội; thu hút sự tham gia của nhiều tổ chức, đoàn thể và nhân dân tạo ra phong trào tương thân, tương ái rộng lớn chăm lo cho người nghèo nhất, khó khăn nhất; thể hiện rõ sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và sự tham gia của lãnh đạo nhiều bộ ngành; sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, phát huy vai trò của Chủ tịch danh dự Chữ thập đỏ các cấp và sự phối hợp của các tổ chức, cá nhân; năng lực cán bộ Hội được nâng lên nhất là vai trò tham mưu và vận động nguồn lực; hoạt động truyền thông đã tạo được điểm nhấn có sức lan tỏa, kết nối được nhiều nhà tài trợ; phát huy mạnh mẽ vai trò và tiềm năng của lực lượng tình nguyện viên.
Chủ đề của Tháng Nhân đạo năm 2020: Chung tay vì sức khỏe cộng đồng nhằm kêu gọi toàn xã hội chung tay chăm sóc sức khỏe cộng đồng, mỗi cá nhân quan tâm chăm lo bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và toàn xã hội, hướng tới một cộng đồng khỏe mạnh, đẩy lùi dịch bệnh, đặc biệt trong bối cảnh toàn thế giới, trong đó có Việt Nam đang phải đối mặt với tình hình diễn biến nghiêm trọng, khó lường của dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống của người dân.
Tháng Nhân đạo với các hoạt động chính (hướng tới chăm sóc sức khỏe cộng đồng) sẽ tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19, tham gia trợ giúp cộng đồng, hỗ trợ sinh kế cho những người có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hiến máu nhân đạo lồng ghép với phòng, chống dịch bệnh Covid-19; tuyên truyền, hướng dẫn và hỗ trợ cộng đồng sử dụng nước sạch, vệ sinh, tích cực ứng phó hoặc vận động nguồn lực hỗ trợ ứng phó với tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn.
Ông Gianni Volpin, Trưởng đại diện Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế tại Việt Nam cho rằng, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, với mạng lưới chữ thập đỏ rộng khắp trên cả nước, đã và đang nỗ lực hết mình nhằm hỗ trợ những cộng đồng khó tiếp cận nhất để không ai bị bỏ lại phía sau, đồng thời hỗ trợ các cơ quan đoàn thể, chính quyền địa phương nhằm đảm bảo tiếp cận với cộng đồng và ứng phó nhanh, có trách nhiệm, tiết kiệm chi phí, giảm thiểu rủi ro thiên tai cũng như hỗ trợ các công tác phát triển khác để giảm thiểu tác động của các tình huống khẩn cấp có thể xảy ra trong tương lai.
Bà Nguyễn Thị Xuân Thu, Chủ tịch Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cho rằng, năm 2020 là năm bản lề, có tính chất quyết định trong vận động cơ chế, chính sách của Hội. Công tác truyền thông trong Tháng Nhân đạo năm 2020 cần tập trung vào các nội dung mang tính tổng kết, đúc rút kinh nghiệm, làm nổi bật vị thế của Hội thông qua phân tích sâu kết quả 10 năm thực hiện Luật hoạt động Chữ thập đỏ, 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đến năm 2020, 10 năm thực hiện Chỉ thị số 43-CT/TW ngày 8/6/2010 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, vai trò Hội nòng cốt trong các hoạt động nhân đạo.