Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội
![]() |
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội - Ảnh VGP/Nhật Bắc |
Đồng chủ trì Hội nghị có các Phó Thủ tướng: Trần Hồng Hà, Hồ Đức Phớc. Hội nghị được tổ chức tại Hà Nội, trực tuyến đến 63 điểm cầu tại các địa phương trên cả nước.
Hội nghị có sự tham dự của lãnh đạo các bộ, ngành, các chuyên gia, Hiệp hội Bất động sản, ngân hàng, doanh nghiệp bất động sản lớn trên cả nước.
Tại hội nghị, các đại biểu sẽ thảo luận, góp ý nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội và thực hiện hiệu quả đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030".
![]() |
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Nhà ở xã hội không có nghĩa là làm ở những chỗ đất "đầu thừa đuôi thẹo", những nơi "khỉ ho cò gáy" - Ảnh VGP/Nhật Bắc |
Phải ưu tiên nhà ở xã hội trước
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết việc phát triển nhà ở xã hội đã được bàn nhiều, nhưng công tác triển khai hiệu quả chưa cao. Chủ trương rất rõ của Đảng, Nhà nước ta là phát triển nhanh nhưng bền vững, không hy sinh tiến bộ, công bằng, an sinh xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần; con người có quyền sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc, trong đó gồm quyền có chỗ ở.
Hoan nghênh một số địa phương vừa qua đã khởi công các dự án nhà ở xã hội lớn song Thủ tướng bày tỏ trăn trở khi "đất trong tay chúng ta, tiền có thể huy động, cơ chế, chính sách, thủ tục do ta mà việc xây dựng nhà ở xã hội không chuyển biến hoặc chuyển biến rất chậm".
Thủ tướng khẳng định nhu cầu nhà ở xã hội rất lớn, do đó, các cơ quan phải đặt mình vào địa vị của người có nhu cầu để giải quyết, triển khai các công việc theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn. Trong đó, các địa phương đã được giao chỉ tiêu cụ thể về xây dựng nhà ở xã hội, phải coi đây là nhiệm vụ chính trị, với quan điểm lấy con người là trung tâm, là chủ thể, con người là yếu tố quyết định với sự phát triển, mọi chính sách phải hướng đến con người.
Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận thẳng thắn về một số nội dung: Chỉ tiêu xây dựng nhà ở xã hội giao các địa phương đã phù hợp chưa, từng địa phương có cần làm thêm không; cơ chế, chính sách vướng mắc cần giải quyết; cách huy động nguồn lực; thiết kế, mẫu nhà ở xã hội; khả năng sản xuất hàng loạt; về cách làm, công tác quy hoạch, giao đất, thủ tục hành chính trong triển khai các dự án nhà ở xã hội.
Vừa qua một số vướng mắc về thể chế đã được tháo gỡ nhưng vẫn còn, Thủ tướng đề nghị các đại biểu góp ý cụ thể về vướng mắc pháp lý để đề xuất tháo gỡ ngay tại kỳ họp Quốc hội sắp tới.
Thủ tướng đặt vấn đề tổ chức cuộc thi thiết kế kiến trúc nhà ở xã hội, để có các mẫu nhà phù hợp điều kiện, cảnh quan, văn hóa, khí hậu từng vùng miền (miền núi phía Bắc, đồng bằng sông Hồng, duyên hải miền Trung, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ), phù hợp nhu cầu người sử dụng mà vẫn khang trang, sáng xanh sạch đẹp; đồng thời, có thể nghiên cứu việc xây dựng nhà ở xã hội bằng lắp ghép cấu kiện bê tông cốt thép.
![]() |
Thủ tướng cho rằng cần tạo cơ chế, chính sách, kêu gọi doanh nghiệp làm một cách nhanh chóng, cắt giảm thủ tục, với tinh thần vì dân, vì nước - Ảnh VGP/Nhật Bắc |
Về nguồn lực, Thủ tướng đề cập một số giải pháp đã và đang được triển khai như thành lập quỹ nhà ở quốc gia; giải ngân gói tín dụng 140 nghìn tỷ đồng cho nhà ở xã hội mà không tính vào "room" tín dụng của các ngân hàng…
Đặc biệt, về thủ tục, Thủ tướng cho rằng cần tạo cơ chế, chính sách, kêu gọi doanh nghiệp làm một cách nhanh chóng, cắt giảm thủ tục, với tinh thần vì dân, vì nước.
Thủ tướng đặt vấn đề: Các doanh nghiệp chưa làm vì sao, phải chăng vì chính quyền chưa dám giao việc? Có thể giao trực tiếp cho doanh nghiệp, không cần qua đấu thầu được không, miễn là bảo đảm công khai, minh bạch, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí? Nếu đấu thầu thì phải bảo đảm thực chất, không hình thức, không quân xanh, quân đỏ, tránh tình trạng quy trình rất dài, tốn thời gian mà không mang lại điều gì cả.
Cùng với đó, cấp ủy, chính quyền địa phương phải đồng hành, hỗ trợ nhà thầu, không để họ cô đơn trên công trường; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự tham gia của các lực lượng như thanh niên, phụ nữ, phát huy nghệ thuật "chiến tranh nhân dân", ai có gì giúp nấy để tạo sức mạnh tổng hợp.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng lưu ý, nhà ở xã hội không có nghĩa là làm ở những chỗ đất "đầu thừa đuôi thẹo", những nơi "khỉ ho cò gáy", không làm được nhà ở thương mại thì làm nhà ở xã hội. Phải ưu tiên nhà ở xã hội trước rồi mới đến nhà ở thương mại.
Nhà ở xã hội phải đầy đủ điều kiện hạ tầng (giao thông, y tế, giáo dục, thể thao, xã hội, môi trường…) như nhà ở thương mại, nhưng chỉ khác là nhà nước có các chính sách hỗ trợ. Nhà ở xã hội phải có hình thức mua và thuê mua.
![]() |
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, năm 2024 có 28 dự án với quy mô 21.874 căn đã hoàn thành - Ảnh VGP/Nhật Bắc |
Hoàn thành xây dựng 100 nghìn căn nhà ở xã hội năm 2025
Báo cáo tình hình phát triển nhà ở xã hội, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành gần 20 văn bản gồm các Nghị quyết, Chỉ thị, Quyết định, Công điện…với nhiều giải pháp, nhiệm vụ cụ thể và quyết liệt nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để tập trung triển khai nhanh, hiệu quả Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030".
Theo đó, đến nay trên địa bàn cả nước có 10 địa phương đã đưa chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm và 05 năm của địa phương. Đã có 30 địa phương ban hành kế hoạch triển khai Đề án.
Tổng hợp báo cáo của các địa phương, trên địa bàn cả nước đã quy hoạch 1.309 vị trí với quy mô 9.737 ha đất làm nhà ở xã hội.
Theo đó, hầu hết các địa phương đều dành đủ quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội. Nhiều địa phương đã quan tâm, dành quỹ đất nhà ở xã hội tại các vị trí thuận lợi, gần các trung tâm đô thị, khu công nghiệp, đảm bảo đáp ứng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội như: Đồng Nai (1.064ha), Quảng Ninh (666ha), Hải Phòng (336ha), Bình Dương (408ha),...
Tuy nhiên, còn một số địa phương bố trí quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội còn chưa tương xứng với nhu cầu.
![]() |
Ảnh minh họa |
Qua tổng hợp báo cáo của các địa phương, trong giai đoạn từ năm 2021 đến nay, trên địa bàn cả nước có 655 dự án nhà ở xã hội đã được triển khai với quy mô 593.428 căn.
Riêng trong năm 2024, cả nước có 28 dự án với quy mô 20.284 căn đã hoàn thành; 23 dự án với quy mô 25.399 căn đã được cấp phép, khởi công xây dựng; số lượng dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư là 113 dự án, tương đương 142.450 căn.
Năm 2024, số lượng dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư là 113 dự án, tương đương 142.450 căn. Có 26 dự án với quy mô 27.819 căn đã được cấp phép, khởi công xây dựng.
Đến nay có 103 dự án với quy mô 66.755 căn đã hoàn thành. Riêng trong năm 2024 có 28 dự án với quy mô 21.874 căn đã hoàn thành.
Theo báo cáo, các địa phương tính đến thời điểm hiện tại đã có 37/63 UBND tỉnh gửi văn bản hoặc công bố trên cổng thông tin điện tử về danh mục dự án tham gia Chương trình với tổng số là 90 dự án, tổng số tiền giải ngân theo Chương trình 120.000 tỷ đồng là 2.845 tỷ đồng.
Về mục tiêu năm 2025, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cho biết, hoàn thành xây dựng 100 nghìn căn nhà ở xã hội.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Xây dựng nghiên cứu, chủ trì xây dựng Nghị quyết thí điểm về cơ chế, chính sách đặc thù về phát triển nhà ở xã hội, bao gồm chính sách lựa chọn chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội không thông qua đấu thầu và một số chính sách tháo gỡ vướng mắc trong phát triển nhà ở xã hội.
![]() |
Ảnh minh họa |
HUD xác định phát triển nhà ở xã hội là nhiệm vụ chính trị trọng tâm
Là doanh nghiệp đầu tiên phát biểu tại Hội nghị, đại diện Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) cho biết, với vai trò là doanh nghiệp Nhà nước thuộc Bộ Xây dựng, Tổng công ty HUD xác định phát triển nhà ở xã hội là nhiệm vụ chính trị trọng tâm và đã dành một phần nguồn lực quan trọng để chủ động triển khai đầu tư các dự án nhà ở xã hội tại nhiều địa phương trong cả nước.
Tính đến thời điểm hiện nay, HUD đã hoàn thành bàn giao, đưa vào sử dụng khoảng 3.500 căn hộ. Từ nay đến năm 2026, Tổng công ty triển khai các dự án nhà ở xã hội với 2.800 căn hộ và hướng tới mục tiêu 17.500 căn hộ nhà ở xã hội đến năm 2030 góp phần hiện thực hoá Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030" mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt.
Qua quá trình triển khai thực tiễn về đầu tư xây dựng NOXH, Tổng công ty HUD gặp những khó khăn và đề xuất các giải pháp cụ thể như sau:
Về thủ tục, cơ chế ưu đãi hỗ trợ của địa phương cho dự án nhà ở xã hội: Có những dự án nhà ở xã hội khi hoàn thiện hạ tầng bên trong nội khu lại thiếu, chậm được kết nối với hạ tầng khu vực. Thực tế khi sử dụng nguồn vốn địa phương để hỗ trợ về chi phí giải phóng mặt bằng, chi phí đầu tư hạ tầng kỹ thuật và đấu nối hạ tầng kỹ thuật chưa có hướng dẫn cụ thể, có nguy cơ bị coi là dự án đầu tư công và phải thực hiện theo Luật Đầu tư công sẽ rất khó triển khai. Dẫn tới một số địa phương vướng mắc và lúng túng khi thực thi thậm chí dừng cơ chế hỗ trợ để rà soát các văn bản pháp luật khác có liên quan.
![]() |
Ảnh minh họa |
Về việc áp dụng cơ chế ưu đãi miễn tiền sử dụng đất đối với các dự án NOXH được phê duyệt trước Luật Nhà số 27/2023-QH15: Kiến nghị Chính phủ có những chỉ đạo cụ thể để tháo gỡ những vương mắc nêu trên đối với các dự án nhà ở xã hội trong việc đề nghị miễn tiền sử dụng đất, xác định giá đất. Cụ thể, cho phép áp dụng quy định về miễn tiền sử dụng đất tại Luật Đất đai số 31/2024-QH15 và Luật Nhà ở số 27/2023-QH15 đối với các dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư trước ngày Luật Nhà ở số 27/2023-QH15 có hiệu lực.
Về phần lợi nhuận bù đắp từ phần 20% đất thương mại sang giá bán: Trong trường hợp địa phương chưa xác định được tiền sử dụng đất tại dự án theo quy định, cho phép nhà đầu tư chủ động tính toán và tạm so sánh với giá trị tiền sử dụng đất tạm tính theo bảng giá đất công bố của địa phương ở thời điểm tính toán làm cơ sở để chấp thuận giá bán nhà ở hình thành trong tương lai của dự án. Khi đó, chủ đầu tư có thể cam kết trong trường hợp khi quyết toán dự án, nếu lợi nhuận từ phần 20% đất thương mại thấp hơn so với giá trị tiền sử dụng đất phải nộp theo quy định thì nhà đầu tư sẽ chịu phần tổn thất chi phí này.
Hiện nay, quy định về trình tự thủ tục, thời gian để phát triển 1 dự án nhà ở xã hội là khá lớn. HUD kiến nghị: Chính phủ xem xét, xây dựng các quy định, cơ chế ưu tiên cho phát triển các dự án nhà ở xã hội thông qua việc rút ngắn các trình tự thủ tục, thời gian thực hiện các trình tự thủ tục ở các bước.
Lựa chọn nhà đầu tư: Áp dụng phương thức chỉ định thầu đối với các dự án đã có nhà đầu tư đáp ứng đầy đủ điều kiện (có thể theo xếp hạng các nhà đầu tư theo thang điểm thông qua việc đánh giá hồ sơ năng lực, kinh nghiệm ở bước mời quan tâm hoặc theo quy mô các dự án nhà ở xã hội) hoặc rút ngắn quy trình đấu thầu bằng cách nâng cao năng lực, trách nhiệm bên mời thầu nhằm giảm bớt các thủ tục, thời gian không cần thiết như: sửa đổi, làm rõ, gia hạn hồ sơ mời thầu; đánh giá hồ sơ dự thầu.
![]() |
Ảnh minh họa |
Về các vướng mắc về thủ tục kinh doanh dự án nhà ở xã hội: Quá trình xét duyệt phương án kinh doanh cũng như xét duyệt hồ sơ đối tượng được hưởng ưu đãi về chính sách nhà ở xã hội còn kéo dài do cơ sở dữ liệu về các đối tượng được hưởng ưu đãi chưa có hoặc chưa đầy đủ.
Về vướng mắc trong cơ thế thực hiện và quản lý quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội: Hiện nay, tại một số địa phương có quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội rất lớn thuộc diện bàn giao lại cho địa phương thực hiện theo Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án phát triển Khu đô thị, Khu nhà ở (KĐT, KNO). Trong khi đó các địa phương còn hạn chế về nguồn lực cũng như vướng mắc thủ tục đầu tư nên việc đưa quỹ đất trên vào sử dụng rất chậm, gây lãng phí nguồn lực. Trong khi chính doanh nghiệp phát triển KNO, KĐT có quỹ đất đó hoàn toàn có đủ năng lực và mong muốn tham gia đầu tư nhà ở xã hội.
Việc điều chỉnh để giao chủ đầu tư KĐT, KNO có quỹ đất đó trực tiếp thực hiện đầu tư nhà ở xã hội thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh, thành phố nhưng còn tồn tại e ngại vướng mắc về pháp luật đấu thầu và đầu tư hiện hành.
Chính phủ chỉ đạo các Bộ ngành, địa phương rà soát các quỹ đất thuộc diện bàn giao để xây dựng nhà ở xã hội; xem xét nếu chủ đầu tư KĐT, KNO có quỹ đất đủ năng lực và có nguyện vọng đầu tư nhà ở xã hội thì tổ chức điều chỉnh để giao cho Chủ đầu tư đó triển khai đầu tư nhà ở xã hội, nhanh chóng khai thác quỹ đất hiện có.
Đặc biệt, cơ quan chức năng triển khai cơ chế để cụ thể hoá Chỉ thị số 34-CT/TW của Ban Bí thư ngày 24/5/2024 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát triển nhà ở xã hội trong tình hình mới, trong đó có nội dung nghiên cứu thành lập, thiết lập cơ chế hoạt động của doanh nghiệp nhà nước chuyên đầu tư phát triển nhà ở xã hội, kiến nghị Chính phủ xem xét ban hành cơ chế đặc thù lựa chọn, giao nhiệm vụ cho các doanh nghiệp nhà nước có đủ uy tín, năng lực kinh nghiệm chủ động sử dụng nguồn vốn và đề xuất thực hiện đầu tư các dự án nhà ở xã hội tại các địa bàn có nhu cầu cao để đẩy mạnh nguồn cung.
![]() |
Ảnh minh họa |
Vingroup đã đăng ký từ nay đến năm 2030, xây dựng 500.000 căn nhà ở xã hội
Đại diện Tập đoàn Vingroup cho biết, rập đoàn sẵn sàng hoàn thành mọi nhiệm vụ mà Chính phủ, Thủ tướng giao trong lĩnh vực nhà ở xã hội. Bản thân Tập đoàn Vingroup đã đăng ký từ nay đến năm 2030 xây dựng 500.000 căn hộ. Chúng tôi quyết tâm thực hiện mục tiêu.
Tập đoàn Vingroup có hai kiến nghị: Thứ nhất, kiến nghị Thủ tướng cho phép các địa phương được chỉ định thầu, chỉ định nhà đầu tư.
Thứ hai, cho phép các địa phương rút ngắn thủ tục hoặc cho làm song song. Ví dụ, cùng lúc có thể vừa làm quy hoạch, vừa làm thủ tục đầu tư xây dựng… thì sẽ rút ngắn nhiều thời gian. Nếu chúng ta làm xong quy hoạch rồi đến khâu đầu tư, tài chính… sẽ tạo ra nhiều thủ tục hành chính.
Đại diện Tập đoàn Viglacera cho biết, hiện Viglacer đang thực hiện 10 dự án nhà ở xã hội với số căn hộ là 17.200, đã bàn giao cho Hà Nội 5.500 căn đi vào sử dụng. Tập đoàn sẽ cung cấp những sản phẩm đồng bộ để vừa thi công nhanh, vừa giảm giá thành đúng theo chỉ đạo của Thủ tướng.
Tập đoàn sẵn sàng phối hợp với các tổ chức để triển khai các biện pháp khoa học công nghệ để sản xuất ra những bộ sản phẩm đưa vào chỉ lắp thôi, sẽ giảm được thời gian hỏng hóc trong quá trình thi công và chất lượng được đảm bảo, đẩy mạnh tốc độ đầu tư xây dựng, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Viglacera có 2 đề xuất: Thứ nhất, về việc giao chủ đầu tư đã được Thủ tướng kết luận, làm theo thiết kế, giá được phê duyệt, khách hàng cũng được phê duyệt nên không cần đấu thầu. Đề nghị giao thẳng cho đơn vị nào đủ năng lực để làm cho nhanh vì thủ tục này tốn rất nhiều thời gian.
Thứ hai, hiện nay chúng tôi đang triển khai các dự án nhà ở xã hội tại các khu công nghiệp. Có thực tế là các chủ khu công nghiệp mong muốn thuê các toà nhà, sau đó lắp đặt nội thất và cho công nhân vào ở miễn phí. Có nghĩa là công nhân Việt Nam sẽ được vào ở các toà nhà mà chủ khu công nghiệp thuê lại từ các chủ đầu tư nhà ở xã hội. Tuy nhiên, điều này đang vướng quy định, đối tượng chủ khu công nghiệp không được thuê nhà ở xã hội, rất mong sớm được tháo gỡ vấn đề này.
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Vinaconex khởi công dự án Capital One trên "đất vàng" Thủ đô

Hải Dương: Đấu giá dự án chợ dân sinh và TTTM An Lưu

Alana City - Mạch sống mới phía Đông Bắc Sài Gòn

Nhựa Tiền Phong động thổ dự án tổ hợp giáo dục trên 1.162 tỷ đồng

Khởi công, khánh thành nhiều công trình, dự án trọng điểm ở phía Nam

Afotech khởi công xây dựng dự án nhà máy sản xuất thực phẩm MIKO

Đẩy nhanh tiến độ tháo gỡ pháp lý cho loạt dự án của Novaland

Diễn biến mới tại dự án 120ha của Constrexim tại Hải Dương

Đầu tư “hốt bạc” với shop chân đế tại đại đô thị sầm uất bậc nhất phía Đông Thủ đô
