Thầy trò trường Mở cùng khởi dậy niềm đam mê đọc sách
Diễn viên Quỳnh Nga, MC Quỳnh Chi, Hoa hậu áo dài Phí Thuỳ Linh cùng đam mê đọc sách |
Chương trình diễn ra chiều 18/4, với nhiều nội dung: Tọa đàm; Trao tặng tủ sách HOU; Cuộc thi “Xếp sách nghệ thuật HOU” năm 2021…
TS Dương Thăng Long, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Mở Hà Nội chia sẻ, đọc sách và phát triển văn hóa đọc không chỉ giúp chúng ta tiếp thu tri thức, mà qua đó còn nâng cao nhận thức, cốt cách văn hóa của người Việt.
PGS.TS Nguyễn Mai Hương, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Mở Hà Nội trao tủ sách HOU tặng khu nhà ở sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp |
Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhà trường đã nỗ lực tổ chức tốt cuộc thi về sách và văn hóa đọc thông qua ứng dụng công nghệ thông tin. Hoạt động này đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cùng cộng đồng ghi nhận.
Kế thừa và phát huy kết quả của năm trước, năm 2021, trường Đại học Mở Hà Nội tổ chức các hoạt động hưởng ứng “Ngày sách Việt Nam 21/4”, trong đó có cuộc thi xếp sách nghệ thuật. Đến với cuộc thi, sinh viên của trường đã thiết kế những mô hình xếp sách sáng tạo, thể hiện sự say mê đọc sách và trân trọng giá trị của sách.
Một gian trưng bày sách của sinh viên trường Đại học Mở Hà Nội |
“Đây là một trong những điểm nhấn tích cực để lan tỏa văn hóa đọc, giá trị của sách đến với sinh viên trong và ngoài nhà trường. Chúng tôi mong rằng, mỗi sinh viên của trường Đại học Mở Hà Nội sẽ là đại sứ về văn hóa đọc để lan tỏa đến cộng đồng”, TS Dương Thăng Long bày tỏ.
Tham gia tham luận tại chương trình, bạn Tống Thị Định, sinh viên khoa Tiếng Trung Quốc, trường Đại học Mở Hà Nội – người dành được nhiều giải thưởng trong cuộc thi văn hoá đọc các cấp đã chia sẻ tâm tư đến đông đảo thầy cô, bạn bè.
Cô sinh viên cho biết, một cách để lan tỏa văn hóa đọc vô cùng hiệu quả đó chính là tặng sách cho người thân, bạn bè, vì vậy, hãy chọn ra những đầu sách mình yêu thích, dùng làm quà tặng trong những dịp đặc biệt. Nó vừa là một món quà vô cùng ý nghĩa, vừa là một cách để văn hoá đọc được lan tỏa tới mọi người.
“Sách nói riêng và văn hoá đọc nói chung có ảnh hưởng vô cùng lớn đối với cuộc sống của mỗi chúng ta. Đó là một nét đẹp văn hoá nên gìn giữ và phát triển. Dù xã hội phát triển đến đâu thì việc đọc sách vẫn được cần được đặc biệt coi trọng. Bởi văn hoá đọc với người đọc luôn vĩnh cửu trường tồn cùng thời gian. Nó là sự kết nối giữa truyền thống và hiện đại, giải trí và thẩm mĩ, nhận thức và giáo dục đối với công chúng nói chung, giới trẻ nói riêng”, Tống Thị Định bày tỏ.
Sinh viên thuyết trình về gian trưng bày sách |
Tại chương trình, có đến hàng trăm đầu sách ở nhiều lĩnh vực khác nhau, cùng nhiều hình ảnh tư liệu báo chí đã được các bạn sinh viên trường Đại học Mở Hà Nội sắp xếp theo các mô hình nghệ thuật, với những ý tưởng mới mẻ, phong phú, đa dạng. Mỗi mô hình là câu chuyện thú vị về giá trị của sách, cùng với thông điệp: Khơi dậy niềm đam mê đọc sách, phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng và nhà trường.
Với chủ đề “Mái nhà chung HOU”, khoa Công nghệ sinh học, trường Đại học Mở Hà Nội đã có mô hình xếp sách nghệ thuật ấn tượng, được Ban tổ chức ghi nhận và đánh giá cao. Bạn Nguyễn Thị Phương Mai cho biết, mô hình được cấu tạo từ 235 cuốn sách, với 3 màu chủ đạo là: Xanh, vàng và trắng.
“Mô hình được xếp bằng các cuốn sách tri thức tạo nên ý nghĩa độc đáo và mang vẻ đẹp nghệ thuật đặc trưng. Thông qua mô hình sách nghệ thuật, chúng mình muốn gửi đến thông điệp về tầm quan trọng của sách và việc đọc sách. Qua đó, chúng mình muốn mọi người cùng trở thành những người yêu sách, cùng làm giàu và lan tỏa tri thức nhân loại đến mọi nơi”, cô sinh viên nói.
Các thầy cô giáo chấm điểm gian trưng bày trong cuộc thi xếp sách nghệ thuật của sinh viên |
Lấy ý tưởng về một thư viện “mở”, Bùi Thị Thanh Huyền, sinh viên khoa Tạo dáng công nghiệp, chia sẻ: “Mô hình xếp sách nghệ thuật của chúng mình được thiết kế, xây dựng theo không gian mở, để sinh viên có thể học tập, lĩnh hội tri thức; Đồng thời mở ra cơ hội tiếp cận với văn hóa đọc. Cùng với đó, chúng mình muốn khẳng định: Tri thức không có cũ hay mới, mà sự là kết nối từ quá khứ, hiện tại và tương lai".
Để thực hiện ý tưởng này, Huyền cho biết, cả nhóm đã quyết định không sử dụng sách đồng bộ, mà sử dụng cả sách cũ và sách mới ở nhiều lĩnh vực khác nhau, nhằm dẫn dắt người đọc khám phá và chiếm lĩnh tri thức từ sách.
Dịp này, cán bộ, giảng viên, học viên, sinh viên của nhà trường đã trao tặng hơn 1.000 đầu sách cho thư viện cộng đồng khu nhà ở sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp, Hà Nội.